Di tích lịch sử ở làng Hà Xá

Nguyễn Việt Hà |

Hà Xá là một làng thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Đến với Hà Xá, du khách không chỉ viên mãn với phong cảnh thanh bình của một làng ven đô, mà còn được thấy những di tích đang trầm mặc với bóng thời gian, những câu chuyện lịch sử văn hóa đồng hành với dòng chảy lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Tên gọi Hà Xá được giải thích theo các cách sau: cách thứ nhất, do làng nằm bên sông Vĩnh Phước nên Hà Xá có nghĩa là ngôi nhà nhỏ ở bên sông (Hà là sông, Xá là ngôi nhà nhỏ). Cách thứ hai là do dòng họ Hà đến đây khai khẩn từ sớm nên lấy họ của mình là Hà ghép với Xá để thành Hà Xá, có nghĩa là nhà cửa, làng mạc của họ Hà.

Sự cần cù, chịu thương chịu khó của các bậc tiền bối và cư dân trong làng đã biến một vùng đất hoang sơ giáp với rừng già nguyên sinh trở thành một vùng quê hữu tình, trù phú, cây cối xanh tươi quanh năm.

Nhà thờ họ Hà ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong -Ảnh: V.H
Nhà thờ họ Hà ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong -Ảnh: V.H

Ông Trịnh Tráng, Hội chủ làng Hà Xá chia sẻ: “Làng Hà Xá từ khi thành lập đến nay đã mấy trăm năm. Ông cha chúng tôi theo chúa Nguyễn Hoàng vào đây, mười sáu thế hệ con cháu của các họ tộc trong làng như họ Hà, họ Phan, họ Trịnh, họ Trần cùng với một số họ phái khác đã cùng nhau đoàn kết xây dựng hương thôn an cư lạc nghiệp cho đến ngày hôm nay”.

Trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, người dân làng Hà Xá luôn kiên trung đi theo cách mạng. Những người cộng sản đầu tiên của làng vào thuở ban đầu ấy đã thắp lên ngọn lửa đấu tranh, tiến tới giành chính quyền về tay Nhân dân.

Ông Phan Bá Phù, một cán bộ lão thành cách mạng ở thôn Hà Xá, nói: “Thời kỳ đó rất gian khổ, giặc Pháp truy lùng gắt gao những người theo cách mạng, đốt sạch, phá sạch những làng có người nghi tham gia cách mạng nhưng cán bộ và Nhân dân làng Hà Xá vẫn không sợ, một lòng theo Đảng và Bác Hồ”.

Ở làng Hà Xá có một địa điểm ghi dấu trong lịch sử cách mạng của huyện Triệu Phong. Vào tháng 8/1945, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị và Phủ ủy Triệu Phong, lực lượng khởi nghĩa của các làng trên địa bàn xã Triệu Ái tập hợp tại ngã ba Hà Xá, thuộc tổng An Đôn đã tuần hành rầm rộ theo Quốc lộ 1 kéo vào giành chính quyền tại thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ đã diễn ra một sự kiện quan trọng của cán bộ, Nhân dân làng Hà Xá. Vào tháng 9/1969, ngay sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong niềm tiếc thương vô hạn của Nhân dân cả nước, Chi bộ thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, đã lãnh đạo Nhân dân tổ chức lễ truy điệu và để tang Người ngay tại quê nhà. Trong thời điểm đất nước bị chia cắt thành 2 miền, thôn Hà Xá nằm trong vùng địch tạm chiếm, bị kìm kẹp hết sức gay gắt. Tuy vậy, tinh thần cách mạng của người dân nơi đây vẫn rất ngoan cường.

Khi đất nước hòa bình thống nhất, chính quyền địa phương đã xây dựng nơi diễn ra lễ truy điệu năm xưa thành Đền thờ Bác Hồ. Với giá trị lịch sử to lớn, năm 2004, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Di tích Ngõ nhà ông Phan Tường, sau này được gọi Đền thờ Bác Hồ.

Ngay giữa trung tâm làng Hà Xá là ngôi nhà thờ của dòng họ Hà. Như bao dòng tộc khác trên đất nước Việt Nam, đó là nơi thờ tự anh linh các vị khai sáng ra dòng họ và là nơi con cháu tụ họp để dựng xây nên tình đoàn kết. Nhưng đối với ngôi từ đường của dòng họ Hà này còn tự hào là một “địa chỉ đỏ” trong dòng chảy lịch sử cách mạng của quê hương Quảng Trị.

Tháng 8/1939, Tỉnh ủy Quảng Trị họp và ra nghị quyết chuyển hướng hoạt động của Đảng và các đoàn thể nhân dân rút vào bí mật; chuyển cơ quan Tỉnh ủy từ huyện Hải Lăng ra Hà Xá, xã Triệu Ái. Tỉnh ủy chọn nhà thờ họ Hà, làng Hà Xá làm địa điểm liên lạc và là nơi hoạt động phát triển lực lượng cách mạng, chuẩn bị tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong thời gian từ 1939 -1940, nhà thờ họ Hà là nơi đặt trạm liên lạc bí mật giữa Tỉnh ủy với các chi bộ Đảng ở khu vực phía Bắc Triệu Phong, cũng là nơi dừng chân hoạt động cách mạng của các đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Trị như: Trần Hữu Dực, Lê Chương, Trương Hoàng, Trần Xuân Miên, Nguyễn Hoạch để chỉ đạo phong trào đấu tranh trên địa bàn.

Ông Hà Nguyên Lực, trưởng họ Hà, thôn Hà Xá, cho biết: “Với những đóng góp quan trọng của địa điểm nhà thờ họ Hà trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945, UBND tỉnh Quảng Trị đã xếp hạng di tích “Nhà thờ họ Hà” thôn Hà Xá, xã Triệu Ái là di tích cấp tỉnh”.

Vào ngày 29/4/2023, UBND xã Triệu Ái phối hợp với Ban điều hành nhà thờ họ Hà tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Người dân xã Triệu Ái nói chung và thôn Hà Xá nói riêng luôn cảm thấy tự hào vì trên mảnh đất quê hương mình có những di tích lịch sử văn hóa, là nơi minh chứng cho truyền thống anh hùng cách mạng của mảnh đất và con người nơi đây. Những địa điểm này trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hội thảo khoa học định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong

Thanh Hải |

Ngày 22/11, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, UBND huyện Triệu Phong phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội thảo.

Di tích lịch sử Đồi 31 cần sớm được tôn tạo, nâng cấp

Đức Việt |

Sau một thời gian khá dài được đưa vào sử dụng cũng như do ảnh hưởng của trận bão lũ lịch sử năm 2020, Di tích lịch sử Đồi 31 ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhiều hạng mục.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du - điểm đến hấp dẫn

PV |

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du nằm ở thị trấn Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Chuyển giao điểm di tích Trường Bồ Đề, Ngã ba và Nhà thờ Long Hưng cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý

Thanh Trúc |

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam vừa ký quyết định phân cấp quản lý di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Theo đó, hai điểm di tích: Trường Bồ Đề, Ngã ba và Nhà thờ Long Hưng được giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý từ ngày 7/8/2023, thay thế nội dung Quyết định số 706/QĐ-UB ngày 12/7/1996 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đối với 2 điểm di tích nêu trên.