Cáp treo Fansipan và khát vọng chinh phục của những người trẻ

CTV Thanh Huyền |

Hành trình xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là quá gian khổ. Vậy mà những công nhân, kỹ sư Sun Group còn rất trẻ, đã khiến cả chuyên gia Doppelmayr hàng đầu thế giới cũng phải thay đổi cách nhìn về người Việt.

Khát vọng đổi đời

“Nếu không làm việc ở Sun Group thì cũng không biết sẽ làm gì khi đó”, đôi mắt chàng trai người Mông Má A Tông chợt tối lại khi nhớ về những ngày xưa cũ.

Gia cảnh nghèo khó, Tông và vợ đêm ngày vất vả với nghề nông vẫn không đủ lo cho gia đình nhỏ. Rồi may mắn, anh được nhận vào làm dự án cáp treo Fansipan.

Căn nhà cũ dột nát của Má A Tông
Căn nhà cũ dột nát của Má A Tông

Căn nhà cũ dột nát của Má A Tông

“Lúc đầu cũng chỉ nghĩ đơn giản là kiếm một công việc để trang trải cuộc sống mà thôi”, Má A Tông hồi tưởng. Anh chọn làm việc trên đỉnh bởi “Làm trên đó lương gấp đôi nên cố gắng”. Và Tông đã bước vào những chuỗi ngày gian khó nhất trong đời.

“Trên đó rất lạnh, nhất là khi có băng tuyết”, Má A Tông nhớ lại, “Đi làm mà tay tê buốt đến tận óc, ủng đầy tuyết”. Thời gian đầu, chưa có cáp công vụ, thiếu thốn từ điện, nước đến thức ăn. Anh em có khi cả tháng chỉ tắm 1 lần, người hôi đến mức giờ nghĩ lại vẫn lợm giọng. Vậy mà Tông “trụ” trên Fansipan hơn 2 năm trời, có khi 3-4 tháng mới về nhà một lần. Khát vọng thay đổi cuộc sống chính là động lực giúp anh cần mẫn làm việc, bất chấp khó khăn, để rồi chỉ sau một thời gian, Má A Tông đã có thể chu cấp cho vợ con cuộc sống tốt hơn, trả hết nợ nần. Anh còn được công ty hỗ trợ mua xe máy, xây tặng nhà, cuộc sống gia đình ổn định.

Cũng không biết từ khi nào, Má A Tông thấy mình ngày càng gắn bó, tự hào với công việc. “Thấy mình làm cáp treo, mọi người trong bản tôn trọng và yêu quý mình hơn hẳn. Đó là bởi nhờ có cáp mà cuộc sống người Sa Pa tốt lên từng ngày”, Tông cho biết, anh rất tự hào khi những thay đổi của quê hương có một phần đóng góp của mình.

Vì một niềm tự hào Việt Nam

Năm Nguyễn Xuân Hậu ra nhập đội xây cáp treo trong vai trò phiên dịch, anh mới 23 tuổi. Với tất cả những háo hức và nhiệt huyết tuổi trẻ, Hậu khẳng định chắc nịch với sếp “em sẽ làm đến hết dự án,” mà chưa hề biết đến sự khắc nghiệt của đỉnh Fansipan.

Bữa cơm gia đình của Má A Tông trong căn nhà được xây mới
Bữa cơm gia đình của Má A Tông trong căn nhà được xây mới

Bên cạnh những ám ảnh phải leo bộ mỗi ngày lên đỉnh, về cái lạnh đến đông cứng cả tâm hồn ở Fansipan, thì làm việc với chuyên gia nước ngoài cũng không phải trải nghiệm dễ dàng.

“Tính kỷ luật của Tây rất cao, người Việt mình vì nhiều lý do đôi khi chậm tiến độ, vì vậy mà nảy sinh nhiều căng thẳng”, Hậu nhớ lại. Đỉnh điểm là khi dưới sức ép tiến độ, các chuyên gia đã ra điều kiện 3 ngày phải vận chuyển đầy đủ vật tư để họ làm việc, nếu không họ sẽ về nước. Khi ấy, cậu phiên dịch trẻ đã được giao “toàn quyền quyết định”, miễn sao đảm bảo yêu cầu của chuyên gia. Vậy là trong 2 ngày, dưới sự điều phối của Hậu, anh em đã dốc sức chia ca, làm từ 6h sáng hôm trước đến 2, 3h sáng hôm sau, liên tục không nghỉ.

“Mình nhớ khi ấy đã tuyên bố rằng nếu 2 ngày không hoàn thành, đội chúng tôi sẽ giải tán. Lúc đó, thật sự là lấy danh dự người Việt ra để hứa. Chỉ có thành công, các bạn Tây mới tin tưởng người Việt nói được làm được”, Hậu chia sẻ.

Không chỉ 2 ngày, 8 tháng sau, họ vẫn duy trì tốc độ làm việc thần tốc như thế. Dự án về đích đúng tiến độ, còn các chuyên gia đã “Có một sự tôn trọng rõ ràng đối với người Việt chúng ta”, Hậu khẳng định. Thậm chí, rất nhiều vấn đề họ đã phải lắng nghe và đồng thuận với giải pháp, phương án của kỹ sư Việt.

Nguyễn Xuân Hậu trao đổi cùng chuyên gia nước ngoài khi xây dựng cáp treo Fansipan
Nguyễn Xuân Hậu trao đổi cùng chuyên gia nước ngoài khi xây dựng cáp treo Fansipan

“Đó là bởi những anh em xây cáp khi ấy đều chung một khát vọng lớn, khát vọng chứng tỏ được bản thân, của tự tôn dân tộc”, Hậu nhận định.

Khao khát thay đổi những vùng đất

Năm 2014, anh Trần Vinh, kỹ sư phụ trách cơ khí, lắp đặt cùng các đồng đội Trần Công Mỹ, Nguyễn Văn Mùi và những “chiến sĩ” chủ chốt xây dựng cáp treo Bà Nà, được điều gấp đến Sa Pa gỡ khó cho cáp treo Fansipan.

“Ba chàng lính ngự lâm” Trần Vinh, Trần Công Mỹ và Nguyễn Văn Mùi cùng đồng đội leo bộ lên đỉnh Fansipan những năm tháng xây dựng cáp treo

Dù đã từng “chinh chiến” tại Bà Nà, nhưng lần đầu thấy núi rừng Fansipan, anh Vinh không khỏi hoang mang: “Chỉ thấy một màu xanh phủ sương khói, không biết đỉnh nào là đỉnh Fansipan”. Khi chưa có cáp công vụ, chưa có điện, chưa có sóng điện thoại… 3 chàng “lính ngự lâm” đã nếm trải đủ mùi vị khắc nghiệt nhất của núi rừng Tây Bắc. “Đôi khi ranh giới giữa cái sống và cái chết trên Fansipan chỉ cách một bước chân”, anh Mùi hồi tưởng.

Tuy nhiên, chưa khi nào họ có ý định bỏ cuộc. Sĩ diện nghề nghiệp chỉ là một phần nhỏ lý do, động lực lớn nhất để họ cống hiến hết mình là ý niệm sẽ biến Sa Pa thành một “Đà Nẵng của tương lai”.

“Anh em đã sát cánh cùng tập đoàn từ những ngày đầu năm 2007, góp một phần công sức xây dựng Đà Nẵng phát triển như vậy thì phải cố gắng đưa vùng đất mới này đổi thay như thế”, Trần Công Mỹ nói.

“Chúng tôi tới Sa Pa, đầu tiên là vì công việc được giao, nhưng rồi thấy sự kỳ vọng của người dân và lãnh đạo Sa Pa vào công trình, chúng tôi biết mình sẽ phải hoàn thành cáp treo bằng mọi giá”, anh Mùi tiếp lời Mỹ, “Fansipan là dự án mà lãnh đạo Sun Group không hề ép tiến độ vì họ hiểu sự khó khăn, vất vả của dự án. Nhưng từ cấp quản lý, kỹ sư tập đoàn đến các công nhân nhà thầu, ai cũng tự đặt cho mình tiến độ nhanh nhất có thể. Sức ép và cũng là mong muốn duy nhất của những người làm cáp treo khi ấy chính là được chứng kiến từ người già đến trẻ nhỏ, chạm tay vào nóc nhà Đông Dương”.

Quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan năm 2020
Quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan năm 2020

Họ đã gửi một phần thanh xuân vào núi rừng Fansipan, trong hành trình làm nên tuyến cáp treo đạt hai kỷ lục thế giới. Và cũng chính họ đã khiến các chuyên gia nước ngoài phải nể phục một tinh thần, ý chí Việt Nam, khi có thể kéo cáp bằng tay chứ không dùng trực thăng như chuyên gia Tây vẫn làm, xây trụ bằng những đôi vai trần vận chuyển nguyên vật liệu trên đỉnh, chứ không phải bằng đưa xe ủi lên núi. Cáp treo Fansipan thành công, đó không chỉ là niềm tự hào của những người trẻ Sun Group năm nào, mà còn là mốc son đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục của một Sa Pa ngày càng hấp dẫn, bài bản và chuyên nghiệp trong cách làm du lịch.

(Nguồn: VOV.VN)

Tìm đường cho du lịch Việt Nam sớm trở lại sau COVID-19 cách nào?

Hoàng Phương |

Theo nhận định của các chuyên gia, nước nào đi sau trong việc kết nối quốc tế sẽ đánh mất nhiều lợi thế. Vậy con đường nào sẽ giúp du lịch Việt Nam thoát khỏi đại dịch để sớm phục hồi?

“Làn gió mới” qua Lao Bảo

Nguyễn Khiêm - Lam Chi |

Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) những ngày này ngập tràn cờ hoa. Con đường Chín vắt mình qua đô thị vàng náo nhiệt xe cộ nối nhau qua Lào mang ngoại tệ về. Một luồng sinh khí mới đã thổi qua mảnh đất biên ải sau nhiều thăng trầm của nền kinh tế…

Đến thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc tại London

PV |

Nơi được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian Bác Hồ ở Lon don là khách sạn Carlton, địa điểm giờ đây là nơi tọa lạc của tòa nhà New Zealand và cũng là nơi làm việc của phái đoàn ngoại giao nước này.

Đầu tư 45 tỉ đồng bảo tồn di tích Địa đạo Vịnh Mốc

Nguyễn Trang |

Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử di tích Địa đạo Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, HĐND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng, tôn tạo tổng thể di tích Địa đạo Vịnh Mốc (giai đoạn 2). Theo đó, dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ năm 2025- 2028.