Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) những ngày này ngập tràn cờ hoa. Con đường Chín vắt mình qua đô thị vàng náo nhiệt xe cộ nối nhau qua Lào mang ngoại tệ về. Một luồng sinh khí mới đã thổi qua mảnh đất biên ải sau nhiều thăng trầm của nền kinh tế…
Tăng trưởng ấn tượng trong dịch COVID - 19
Người ta nói, thời hoàng kim của Lao Bảo chưa được bao lâu thì cái “nỏ thần chính sách” hết hiệu lực. Năm 2016, Trung ương tháo bỏ các chính sách ưu đãi ở Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, từ đó đô thị biên ải trở về với “chính mình” bởi không còn cơ chế đặc thù. Điều đó được ví như con thuyền vừa ra cửa bể mà bị ai đó lấy mất tay chèo, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào nội lực đang có…
Vượt qua khó khăn, Lao Bảo đang trở mình ở biên giới Việt - Lào với những gì đang hiện hữu. Bây giờ đi từ Khe Sanh lên Lao Bảo, mỗi ngày có hàng trăm xe tải, container xuôi ngược qua cửa khẩu. Con đường Chín như một chiếc áo chật chội không kham nổi lượng xe với những chuyến hàng ngày đêm náo nhiệt. Bà Nguyễn Thị Tuyết (Tây Chín, Lao Bảo), một người kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Quốc lộ 9 cho biết, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đang trở lại, nhộn nhịp hơn bởi xe cộ và khách từ xa. Những chuyến hàng từ các tỉnh xếp hàng dài chờ làm thủ tục xuất khẩu. Công việc làm ăn cũng khởi sắc hơn khi có khách vãng lai. “Đó là tín hiệu đáng mừng, một luồng gió mới thổi qua nơi này. Tất cả người dân đều kỳ vọng về một thời hoàng kim của Lao Bảo đang lặp lại”, bà Tuyết tâm sự.
Dù ảnh hưởng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu nhưng những tháng đầu năm 2021, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã có những con số thống kê ấn tượng từ hoạt động xuất nhập khẩu. Riêng quý 1 năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, số phương tiện tăng hơn 31%; tổng số tờ khai đăng ký làm thủ tục tăng hơn 81%; kim ngạch tăng gần 88%; trọng lượng hàng hóa tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ vậy đến những ngày đầu tháng 3/2021, thu ngân sách nhà nước đạt 65 tỷ đồng, bằng 36% so với kế hoạch giao. Các mặt hàng nhập khẩu là trái cây tươi; lợn, trâu, bò; thạch cao, cao su, đường cát vàng, săm, lốp ô tô… Cùng với sự chuyển biến tăng về lượng phương tiện, hàng hoá qua cửa khẩu, sự đa dạng về chủng loại hàng hoá cũng như quốc gia, vùng lãnh thổ cũng khác biệt hơn trước. Cụ thể, ngoài hàng hoá trong nước xuất khẩu qua Lào, Thái Lan còn có hàng quá cảnh chuyên chở nguyên liệu như giấy từ Canada, Mỹ, Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đi Lào; và ngược lại, sản phẩm bột giấy từ Lào quá cảnh qua cửa khẩu này để đến cảng Đà Nẵng, Chu Lai, Vũng Áng đi Trung Quốc, châu Âu.
Thêm 2.000 tỷ đồng cho Lao Bảo
“Từ khoá” Lao Bảo trở nên “hot” hơn trong thời gian qua khi cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Có được chủ trương đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã đề xuất danh mục các dự án đầu tư trung hạn trong giai đoạn này vào khu kinh tế này với số vốn gần 2 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật bãi chờ xuất và khu dịch vụ cửa khẩu Lao Bảo, tổng mức dự kiến khoảng 100 tỷ đồng; xây dựng Khu phi thuế quan Lao Bảo, dự kiến 365ha cho giai đoạn 1, gồm: Nâng cấp mở rộng 2 tuyến đường kết nối Quốc lộ 9 vào khu phi thuế quan có tổng mức dự kiến 40 tỷ đồng; Dự án xây dựng hàng rào cứng khu phi thuế quan Lao Bảo, tổng mức dự kiến 150 tỷ đồng; Dự án hệ thống đường giao thông nội bộ khu phi thuế quan Lao Bảo, có tổng mức dự kiến 900 tỷ đồng và Dự án san nền và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu phi thuế quan Lao Bảo, với tổng mức dự kiến 800 tỷ đồng…
Chuẩn bị cho làn sóng đầu tư mới vào Lao Bảo, người dân đang kỳ vọng về một tương lai gần với một đô thị vàng đang dần hiện thực. Ông Nguyễn Ngọc Phong (Xuân Phước, Lao Bảo) cho biết, gia đình có lô đất ở Lao Bảo, mấy năm trước cần vốn làm ăn nên rao bán nhưng không ai mua. Nay nghe thông tin có làn sóng đầu tư mới, khu thương mại Lao Bảo sẽ nhộn nhịp trở lại nên có nhiều người hỏi mua với giá cao hơn mà gia đình không bán.
Những người dân như ông Phong cũng đang nắm bắt thời cơ và kỳ vọng về một ngày hồi sinh của đô thị đầu cầu trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây này.
Bây giờ dạo quanh Lao Bảo, hình ảnh một đô thị hiện đại đang hiện hữu. So với tầm vóc một thị trấn, có lẽ cơ sở hạ tầng của Lao Bảo thuộc tốp đẹp và quy mô nhất nước. Hầu hết các tuyến đường được nhựa, bê tông hoá; cảnh quan môi trường, các tuyến đường xanh sạch đẹp, hiện đại làm nên sự khác biệt cho đô thị biên giới này. Đặc biệt công tác xã hội hoá các hoạt động đầu tư hạ tầng như đèn đường chiếu sáng, đèn trang trí; công viên văn hoá… nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng rất cao của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Lao Bảo cho biết: “Lao Bảo đã vượt qua khó khăn và đi lên bằng nội lực của mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây được sự quan tâm của Chính phủ, nhiều chính sách tầm vĩ mô đã được định hình, chờ thực hiện như Khu Kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn (Lào). Đặc biệt, đầu năm 2021, Chính phủ ký quyết định phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị trên toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Trong đó Lao Bảo sẽ trở thành đô thị loại IV giai đoạn 2021-2025 và đô thị loại III (thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh) giai đoạn 2025-2030. Từ nội lực và tận dụng những chính sách ưu đãi từ Trung ương, Lao Bảo sẽ sớm trở thành một đô thị năng động trên tuyến EWEC, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế vốn có của nó”.