Sau 18 năm hoạt động, cầu phao Triệu Độ bắc qua sông Thạch Hãn nối các xã Triệu Độ, Triệu Đại, Triệu Phước... huyện Triệu Phong với thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã bị những trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020 cuốn trôi gần như hoàn toàn. Nhưng niềm vui với nhiều người đã trở lại khi vừa qua, cây cầu phao quen thuộc này sau một thời gian được đầu tư thi công mới đã tiếp tục hoạt động, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Trong gần 7 tháng cầu phao Triệu Độ bị lũ cuốn trôi, hàng nghìn người dân, học sinh ở các xã bên kia sông Thạch Hãn thuộc huyện Triệu Phong như Triệu Phước, Triệu Đại, Triệu Độ... đi thành phố Đông Hà để làm việc, buôn bán, học tập phải mất nhiều thời gian và chi phí khi họ phải đi vòng qua cầu Đại Lộc với quãng đường xa hơn 10 km. Tuy vậy, cầu phao Triệu Độ mới được đưa vào hoạt động trở lại khiến người dân và học sinh thường xuyên qua lại trên cây cầu này rất phấn khởi, vui mừng.
Ông Lê Đình Uyn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ cầu dân sinh Triệu Độ (hợp tác xã) cho biết: “Cầu phao mới được thiết kế tương tự như cầu cũ đã bị trôi. Cầu có chiều dài gồm cả đường dẫn hai đầu là 240 m, bề rộng 2,5 m, hệ thống phao nổi được thiết kế từ 900 chiếc thùng phuy loại 200 lít, mặt cầu được làm bằng thép tấm, có hệ thống lan can, đèn điện chiếu sáng hai đầu cầu, có khoảng thông thuyền di động… Tổng chi phí thi công cây cầu mới này là khoảng 2,8 tỉ đồng, được 5 thành viên đóng góp”.
Ông Uyn kể, cầu phao Triệu Độ là cầu phao đầu tiên hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, từ năm 2003. Hồi đó, ông Uyn và bạn bè ngày ngày chứng kiến cảnh mọi người qua lại sông Thạch Hãn bằng đò ngang nhỏ chở đầy người, xe máy và hàng hóa rất bất tiện và nguy hiểm nên mới quyết tâm huy động tiền của, công sức để xây dựng cầu phao. Sau đó, các ông đi tìm hiểu cầu phao ở những nơi khác để về áp dụng. Tuy vậy, quãng sông Thạch Hãn nối xã Triệu Độ với thành phố Đông Hà là quá rộng, không thể thực hiện được. Thế là mọi người mày mò vẽ thiết kế cây cầu phao theo ý của mình, trình lên Sở Giao thông Vận tải xin phép thực hiện nhưng không được đồng ý vì không đủ các điều kiện theo quy định. Sở sau đó hướng dẫn mọi người ra Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải trình bày nguyện vọng, xin phép thực hiện ý tưởng bắc cầu phao qua sông Thạch Hãn. Sau đó, Cục Đường thủy nội địa đã đồng ý giúp đỡ và cử cán bộ của đơn vị trực tiếp vào khảo sát thực địa và giúp thiết kế cây cầu phao phù hợp. Sau khi có bản thiết kế, các thành viên đã thuê thợ cơ khí lành nghề thi công cầu và tiến hành lắp ráp. Cầu phao sau khi hoàn thành, hạ thủy được cơ quan chức năng nghiệm thu đã đưa vào hoạt động. Qua gần 18 năm khai thác, cầu phao Triệu Độ đã phục vụ đắc lực cho việc đi lại của hàng nghìn người dân lên về thành phố Đông Hà làm ăn, học tập… “Hồi đó tổng chi phí làm chiếc cầu phao này đã hơn 1,1 tỉ đồng, mỗi thành viên đóng góp số tiền khoảng 270 triệu đồng. Ở thời điểm ấy, đó là số tiền rất lớn. Tuy vậy, tâm nguyện của tụi tui là phải xây dựng được một cây cầu dân sinh để giúp người dân lưu thông thuận lợi, an toàn và rút ngắn tối đa quãng đường lên Đông Hà. Đó cũng là động lực giúp các thành viên cố gắng hết sức. Cây cầu cũng đã hoạt động được 18 năm cho đến khi bị cuốn trôi bởi trận lũ lịch sử cuối năm 2020”, ông Trương Đăng Duệ, một thành viên của hợp tác xã kể thêm.
Sau sự cố lũ cuốn trôi cầu, các thành viên hợp tác xã đã cố gắng đóng góp lại kinh phí và tiến hành làm mới gần như hoàn toàn cây cầu phao. Thời điểm thợ thi công cầu, hầu như ngày nào cũng có người dân địa phương đến thăm hỏi, động viên mọi người làm việc bởi họ mong ngóng từng ngày lại được đi trên cây cầu phao thân thuộc, tiện ích. Bà Lê Thị Khanh ở thôn An Lợi, xã Triệu Độ, người chuyên đưa rau màu lên bán ở chợ Đông Hà phấn khởi nói: “Sau khi cầu phao Triệu Độ bị lũ cuốn trôi, những người dân ở Triệu Độ và các xã lân cận buôn bán ở chợ Đông Hà như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đi chợ Đông Hà phải đi vòng qua cầu Đại Lộc trong xã Triệu Thuận xa hơn cả chục cây số. Nay cầu đã thông, ai cũng vui vì tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí”. Ngoài người dân thì hằng ngày còn có hàng trăm học sinh bậc THPT ở các xã của huyện Triệu Phong sử dụng cầu phao Triệu Độ lên thành phố Đông Hà học tập.
Hiện mức giá thu của người và xe máy qua cầu mỗi lượt 3.000 đồng, học sinh đi - về chỉ thu mức 1.000 đồng. Những người sử dụng cầu phao cho biết, mức giá như vậy là hợp lý và họ luôn ủng hộ vì mang lại rất nhiều sự tiện lợi. Chia tay với chúng tôi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ cầu dân sinh Triệu Độ Lê Đình Uyn chia sẻ: “Được phục vụ người dân, các cháu học sinh qua về trên cây cầu phao thân thuộc này cũng chính là niềm vui và tâm huyết gần 20 năm qua của chúng tôi”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)