Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Ất Tỵ. Nhằm chuẩn bị đủ lượng hoa phục vụ nhu cầu trong dịp Tết tăng cao, các hộ nông dân chuyên trồng hoa trên địa bàn tỉnh đã xuống giống nhiều loại hoa, trong đó phổ biến nhất là hoa cúc với phong phú, đa dạng các chủng loại. Hiện các loại hoa cúc tại các vườn trong tỉnh đang phát triển tốt, nông dân tập trung chăm sóc đảm bảo cúc nở hoa đúng dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Cây hoa cúc có thể trồng được quanh năm nhưng nông dân tập trung trồng nhiều loại vào dịp đón tết Nguyên đán. Thời gian trồng hoa cúc chỉ 2 - 3 tháng là nở hoa. Vụ hè thu, trồng vào tháng 5, 6 đến tháng 7, 9 thì thu hoạch. Vụ thu đông, trồng tháng 8,9 cho thu hoạch tháng 12 và tháng 1 năm sau. Vụ đông xuân, trồng tháng 10, 11, thu hoạch vào tháng 1, 2 năm sau.
Rễ cây hoa cúc ăn ngang ở tầng đất nông, có nhiều rễ phụ nên thích hợp chất đất thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt. Đất trồng cúc phải được làm thật kỹ tầng đất mặt cày sâu trên 30 cm, phay nhiều lần cho đất tơi, phơi ải trước trồng 7 - 10 ngày để tăng cường hoạt động của vi sinh vật háo khí, giúp đất giữ nước và phân tốt, hạn chế sâu bệnh. 1 sào trồng cúc cần bón từ 1-1,2 tấn phân chuồng hoai mục,12 kg urê, 25 kg supe lân, 20 kg kali.
Nếu bón bằng phân bón tổng hợp NPK 16:16:8 thì lượng phân khoảng 30-35 kg/sào. Bón lót toàn bộ phân chuồng và một phần phân lân. Số lượng phân còn lại chia đều bón theo chu kỳ bón của cây, bón lần đầu sau trồng từ 10-12 ngày. Hòa phân vào nước rồi tưới vào gốc, khoảng 7-10 ngày tưới 1 lần, cho đến lúc cây ra hoa.
Có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây có bộ lá xanh đẹp nên sử dụng các loại phân bón lá Atonick, phân bón lá đầu trâu hay rong biển để phun định kỳ 10-15 ngày/lần. Chú ý bón phân vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh thất thoát phân bón.
Mật độ trồng, cây cách cây là 12 -15 cm; hàng cách hàng là 25 cm. Bình quân mỗi sào trồng khoảng hơn 18.000 cây. Độ sâu rãnh hoặc hố trồng 2 - 2,5 cm, cần nén chặt gốc sau khi trồng và tưới nước vì đất trồng tơi xốp.
Khi cây cao mức vừa phải cần bấm ngọn cho cây hoa ra nhiều cành để có nhiều hoa. Sau khi bấm ngọn và xác định số cành trên cây phải giữ lại, cần tỉa bỏ hết các cành và nụ ra sau để tập trung dinh dưỡng nuôi cành nhánh chính. Cây hoa cúc cần nhiều nước nên vụ vào vụ hè thu cần thường xuyên tưới nước trong những ngày nắng nóng.
Cúc là loại cây ngày ngắn, ưa ánh sáng ngày dài 12 - 14 giờ/ngày nên ở vụ đông xuân và vụ thu đông thời gian chiếu sáng trong ngày không đủ, do đó, sử dụng bóng đèn dây tóc để bật lấy ánh sáng cho vườn cúc vào lúc không có ánh sáng mặt trời, phạm vi 4 - 6 m2 /bóng.
Thời gian thắp đèn vào lúc 19 giờ đến 22 giờ hằng ngày, thực hiện thắp bóng đèn tại vườn cúc sau trồng 7-10 ngày và kết thúc trước khi hoa nở rộ 30 - 35 ngày. Để cây hoa cúc phát triển nhanh và cho hoa đẹp, đều có thể sử dụng một số chất kích thích làm tăng năng suất, chất lượng hoa.
Vào giai đoạn cây hình thành nụ dùng phân bón đầu trâu kích phát tố hoa trái phun định kỳ 10 -12 ngày/lần từ lúc sau trồng 10 ngày cho đến lúc cây nở hoa, liều lượng là 5g/10lít nước phun cho 1 sào.
Đối với trồng hoa cúc chậu, cần có giá đỡ để chống đổ ngã. Khi cây lớn dùng cọc tre, lưới giăng và dây cố định cho cây đứng thẳng.
Vì hoa trồng phục vụ vào dịp tết Nguyên đán nhưng việc nở hoa của cây lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu nên cần thực hiện một số biện pháp để cho cây hoa cúc nở đúng dịp Tết. Nếu trong thời gian trồng có thời tiết ấm áp, nhiệt độ trung bình cao, khi thấy cây có biểu hiện nở hoa sớm thì thực hiện che phủ, tưới phun sương nhiều lần trong ngày cả lá và hoa để giảm tốc độ nở hoa.
Nếu vườn hoa có lá nhỏ, có khả năng ra hoa sớm thì nên bón bổ sung đạm, phân hữu cơ và tưới đủ nước để làm chậm quá trình nở hoa. Nếu vườn hoa sinh trưởng chậm, có khả năng nở muộn, không kịp Tết thì ngừng cung cấp nước đột ngột hoặc có thể xới xáo nhẹ làm đứt một số rễ để cây chuyển sang giai đoạn ra hoa.
Cây hoa cúc có nhiều sâu bệnh gây hại như: sâu khoang, sâu xanh phá hoại lá non, nụ và hoa. Hai loại sâu này đẻ trứng thành ổ ở mặt dưới của lá nên dễ phát hiện và diệt bằng cách bắt sâu trưởng thành bằng tay hoặc dùng các loại thuốc trừ sâu sau để phun trừ như: Karate 2,5EC (5 - 7 ml thuốc/bình 8 lít), pegasus 500SC (pha 7- 10 ml/bình 8 lít).
Ngoài ra, cây hoa cúc cũng thường có rệp, bọ trĩ. Có 3 loại rệp hại cây hoa cúc là rệp xanh đen, rệp nâu đen, rệp xanh lá cây. Dùng thuốc Politrin 440EC, karate 2,5 EC (5-7 ml thuốc/bình 8 lít).
Bệnh phấn trắng, bệnh ghỉ sắt và một số bệnh khác, có thể dùng các loại thuốc phòng trừ như: Zinep 80 WP, với liều lượng 20 - 50 g/bình 10lít; Topsin M70NP (5-10 g thuốc/bình 10 lít).
Cây hoa cúc giai đoạn mới trồng cũng thường bị bệnh thối cổ rễ, làm cho cây héo rũ, nhổ lên thấy rễ có màu đen thì dùng thuốc Score hoặc Anvil 5SC phun đẫm để phòng trừ.
Thành phố Đông Hà là địa bàn trồng nhiều hoa với tổng diện tích hơn 2,6 ha. Vùng ven đô thành phố có nhiều địa phương trồng hoa có tiếng như: làng hoa An Lạc, phường Đông Giang, vùng trồng hoa phường Đông Thanh.
Thành phố cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hoa cúc chậu và một số loại hoa khác. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư tốt cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thì nông dân nắm chắc kỹ thuật chăm sóc hoa đúng đảm bảo sản xuất hoa đạt thắng lợi phục vụ nhu cầu hoa Tết cho người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)