Con sông chảy ra từ lòng di sản

Yên Mã Pa Lâm |

Dù thời cuộc có thăng trầm nhưng sông vẫn chảy đời sông. Như sông Son chảy ngầm, chìm nổi được chắt ra từ lòng di sản. Đó là tuyệt tác, kỳ công mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho xứ này.

1. Bắt đầu từ bến đò ở Trung tâm điều hành du lịch Phong Nha (Quảng Bình), tôi nghĩ về dòng sông Son bằng cảm thức của những gì vừa cổ điển vừa hiện đại. Đó là dòng sông chảy ra từ lòng di sản, một dòng sông cũng… “dùng dằng” qua nhiều núi đồi bờ bãi, có lúc nông lúc sâu rồi hòa vào sông cái nhưng dường như không muốn bỏ lại nguồn cội của mình - những hang động. Sông Son có gần 8 cây số chảy ngầm từ hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng. Con sông mang truyền thuyết về chuyện tình bất hạnh của đôi trai gái, cuối cùng lấy cái chết để được ở bên nhau, chứng minh mối tình sắt son, keo sơn.

Sông Son (Quảng Bình) trở thành dòng sông di sản thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Ảnh: T.L
Sông Son (Quảng Bình) trở thành dòng sông di sản thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Ảnh: T.L

Khởi nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, sông có lúc lướt qua, lúc ôm mình tình tứ với những núi đá vôi rồi trườn mình, hòa vào sông Gianh. Sông mang những lời thì thầm, tí tách của những giọt nước được chắt ra từ hệ thống hang động. Đó là giọt nước mát rượi, ngọt lành hòa vào cái mặn mòi của nước Linh Giang.

Theo “căn cước” của đời mình, sông Son đã từng “mắc nợ” với hang động. Để rồi khi con nước trôi đi, từng đoàn người theo dòng sông quay lại chốn cũ. Đó là dòng người ngày ngày ngược dòng sông đi đến Phong Nha, Tiên Sơn để mãn nhãn với những thạch nhũ muôn hình thù. Theo các nhà khoa học, hàng chục triệu năm trước, một dòng sông ngầm đã “khoan thủng” núi tạo thành một hệ thống động phức tạp như một tổ mối. Sau cơn biến động địa chất, có sự đứt gãy đã khiến chỗ trồi lên, chỗ tụt xuống tạo ra động khô - Tiên Sơn, động nước - Phong Nha như ngày nay. Cho dù chênh nhau với độ cao 200m, nhưng cặp song sinh Phong Nha - Tiên Sơn đều có một nguồn từ một dòng sông ngầm. Và ngày nay, sông Son là những gì còn lại, mang những gì mỹ miều của tạo hóa ban tặng cho nhân loại. Dòng sông ngầm đã làm nên những kiệt tác thạch nhũ như Sơn Đoòng, Phong Nha, Tiên Sơn.

Người ta tin chắc rằng, có một sự kết nối với nhau từ những hang động này. Với sông Son, có lẽ phần “nổi” ở Đông Trường Sơn đã được nhìn thấy, còn phần “ngầm” vẫn nằm đâu đó ở biên giới Việt - Lào xa xôi. Bởi thế, người dân Quảng Bình giải thích về tên dòng sông này, ngoài một chuyện tình lâm li bi đát, dòng sông còn đỏ lừ mỗi mùa mưa lũ (thực ra con sông nào chẳng đỏ au vào mùa mưa lũ?! Sông Hồng ở Bắc bộ cũng là dòng sông đỏ phù sa. Sông nào chẳng chở phù sa từ núi về ngàn). Nhưng có thể những ngày không mưa mà dòng sông này vẫn đỏ thì sao?

Tôi chợt nhớ đến hang động Tà Puồng ở thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) ở biên giới Việt - Lào. Hang này có một con sông ngầm chảy ra. Nước trong xanh, dồi dào quanh năm tạo ra thác Tà Puồng đẹp mê hồn. Theo những người bản địa, có những hôm dòng thác đổi màu sang đỏ dù trời không mưa. Họ lý giải rằng dòng sông ngầm này bắt nguồn từ Lào. Những lúc mưa lớn ở phía Lào hoặc người dân khu vực biên giới cày ruộng là nước chảy ra từ động có màu phù sa.

Thực ra có một nguồn suối nào đó chảy vào khe núi rồi chảy ra động này, nên màu của nước cũng phụ thuộc vào nhánh góp của phía thượng nguồn. Cùng với hang động này, ở tỉnh Quảng Trị đoạn giáp biên giới cũng có nhiều núi đá vôi có hang động đẹp như Brai ở xã Hướng Lập; động Cu Lum (Mê Cung) ở xã Hướng Việt... Những hang động này chỉ cách quần thể hang động ở Quảng Bình vài chục cây số. Liệu chúng có họ hàng với nhau trong chuỗi dòng sông ngầm mà sông Son là một hiện thân cuối cùng để về biển lớn?

2. Sông ngầm chìm, nổi rồi cũng xuôi về biển. Cũng như mọi con sông khác, sông Son đã kịp bồi đắp những bờ bãi làm nên những làng mạc trù phú trong ma trận núi đá trước khi về biển lớn. Những nương ngô xanh ngắt, luỹ tre hiền hòa… đã tô thêm vẻ cổ kính của dòng sông màu ngọc bích này. Xứ thuần nông đã được đánh thức bằng “làn khói du lịch” bởi những ưu thế vượt trội về thiên nhiên của mình.

Những mỹ từ của thế giới dành tặng cho di sản hang động ở Quảng Bình đã không ngừng kêu gọi khách quốc tế đến với dòng sông, đi qua dòng sông. Từ đó một loạt hệ thống resort, homestay dọc bờ sông làm thay đổi diện mạo xứ sở. Nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao nhận thức về nhận diện và giữ gìn, khai thác di sản đang có. Trong đó nhận thức “mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên, một đại sứ du lịch” cũng là một “bước lớn” để làm du lịch.

Những người lái đò chở khách trải nghiệm sông Son, khám phá hang động họ đã định hình được những việc phải làm khi làm một đại sứ du lịch. Họ nói tiếng Anh… như gió. Thuộc lòng dòng sông, làng mạc, mỗi bậc thềm, lèn đá… như trong lòng bàn tay. Họ thân thiện, cởi mở, xem khách du lịch như một thành viên của gia đình mình. Chính những người này đã làm cho Quảng Bình có sự khác biệt để đi đến những thành công, khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch của miền Trung và cả nước.

Làm du lịch trước biến cố của thiên nhiên và biến cố của thời cuộc là những thách thức lớn. Hệ thống bungalow Đoàn Gia ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch) là cách làm thông minh để đối phố với lũ lớn thượng nguồn sông Son. Một hệ thống nhà thông minh giúp tránh ngập lụt nhưng vẫn đảm bảo thẩm mỹ với nét cổ kính và hiện đại cuốn hút du khách. Khi mùa lũ, nước lên thì hệ thống nhà này sẽ nổi, đảm bảo không hư hại tài sản. Những khu du lịch mọc lên dựa trên ưu thế gần thiên nhiên, hoang dã của núi đá vôi, của sông nước hiền hoà làm nên thế mạnh để cạnh tranh trước những biến cố thời cuộc.

Dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn mọi trật tự thế giới. Trong đó ngành Du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất. Con người dần thu hẹp các mối quan hệ do dịch bệnh. Trở thành xu hướng “người sợ người”. Người ta đặt những câu hỏi, rằng làm sao để tồn tại trong hoàn cảnh này. Chỉ tồn tại thôi đã khó chứ đừng nói phát triển!

Thác Tà Puồng (Hướng Hóa, Quảng Trị) có thể là một phần “đứt gãy” trong hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng? Ảnh: Trường Sơn.
Thác Tà Puồng (Hướng Hóa, Quảng Trị) có thể là một phần “đứt gãy” trong hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng? Ảnh: Trường Sơn.

Nắm bắt xu hướng du lịch theo nhóm để an toàn về dịch bệnh, những doanh nghiệp du lịch Quảng Bình đã đi theo hướng đó, thích ứng với hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới. Từ đó mô hình về với thiên nhiên, về với sông nước, núi rừng tĩnh lặng được đề cao, coi trọng. Và sông Son cũng là một nét trầm trong thời gian này, bằng những tua trải nghiệm, nghỉ dưỡng từ những nhóm du lịch nhỏ, khép kín. Các đơn vị lữ hành sẽ đón khách về nghỉ ở cơ sở lưu trú, sau đó, khách du lịch sẽ đi trải nghiệm, khám phá hang động, trải nghiệm trên sông Son và cắm trại trong rừng, kết thúc tour, trở về địa phương. Đó là vòng tròn an toàn trước mùa dịch phức tạp này.

Cùng với những khó khăn chung của cả nước và thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến Quảng Bình giảm, nhưng tỉnh này vẫn giữ vững thương hiệu là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiếp tục được truyền thông quốc tế đánh giá cao.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được TripAdvisor đánh giá là 1 trong 15 vườn quốc gia được yêu thích hàng đầu thế giới; được Tạp chí Lonely Planet bình chọn là một trong 2 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam và được trang đặt phòng booking.com bình chọn là điểm đến hiếu khách nhất Việt Nam. Hang Sơn Đoòng được CNN chọn là một trong 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam; AFAR (Mỹ) vinh danh là một trong những điểm đến của năm 2022.

Dù thời cuộc có thăng trầm nhưng sông vẫn chảy đời sông. Như sông Son chảy ngầm, chìm nổi được chắt ra từ lòng di sản. Đó là tuyệt tác, kỳ công mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho xứ này.

Những chú trâu được trang trí mình hổ trong lễ Tịch điền năm Nhâm Dần

Thanh Mai |

Lễ hội Tịch điền diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Hàng nghìn người dân dâng hương tại Chợ Đình Bích La đầu năm mới

Đức Việt |

Từ tối ngày 2/2 đến rạng sáng 3/2, nhằm tối mồng 2 đến rạng sáng mồng 3 tết Nhâm Dần - 2022, đã có hàng nghìn du khách thập phương và người dân địa phương đến khu lễ hội Chợ Đình Bích La, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) để dâng hương cầu may mắn đầu năm mới.

Khăn đóng áo dài, hồn muôn năm cũ

Hoàng Công Danh |

Ở quê, thỉnh thoảng trong những dịp lễ làng mạc, họ tộc hay hiếu hỉ, thường thấy các cụ mặc trang phục truyền thống tham dự. Nhưng hình ảnh đẹp nhất là mỗi khi Tết đến, cứ sáng sớm Nguyên đán, các cụ vận khăn đóng áo dài đi cúng. Rồi từ đình làng, các cụ mặc luôn bộ y phục đó đi chúc tết các nhà trong làng. Trên đường quê, hình ảnh khăn đóng áo dài như hồn muôn năm cũ còn lưu lại, mỗi độ xuân đến, xuân đi không hề phai nhạt giữa lối sống hiện đại. 

Nhiều tiểu thương chợ Đông Hà bán “mở hàng” đầu năm

Thục Quyên |

Sáng 2/2, mồng 2 tết Nguyên đán Nhâm Dần, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng nhiều tiểu thương ở chợ Đông Hà (Quảng Trị) đã bán “mở hàng” đầu năm.