Ngày 22/12, Hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Nam (VCCA) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Lễ công bố Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, VCCA đã công bố 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam cho năm 2022, trong đó có 47 món ăn miền Bắc, 37 món ăn miền Trung và 37 món ăn miền Nam. Những món ẩm thực này đã trải qua các vòng khảo sát, đánh giá dựa trên các tiêu chí, gồm giá trị văn hóa, lịch sử món ẩm thực được hình thành và phát triển trong những vùng miền địa lý nhất định; giá trị đặc trưng về chất lượng (dinh dưỡng, an toàn, cảm quan), công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản và lưu thông; giá trị kinh tế, có khả năng phát triển trong cộng đồng.
Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực VCCA, đồng thời là Giám đốc Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”, với sứ mệnh, vai trò truy tìm, phục dựng, bảo tồn, phát triển và góp phần thiết thực nâng tầm văn hóa ẩm thực Việt Nam, VCCA đã triển khai Đề án, tiến hành khảo sát, giới thiệu và thu thập dữ liệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, như là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực.
Đến cuối năm 2022, Đề án đã thu thập được dữ liệu của 421 món ẩm thực do Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, các Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực, Trung tâm xúc tiến du lịch... của 60 tỉnh, thành phố đề cử. Bên cạnh đó, cụm Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực 3 miền Bắc, Trung, Nam, với sự tham gia của trên 30 chuyên gia ẩm thực, văn hóa, đã sàng lọc ra 165 món ăn vượt qua vòng sơ khảo để lựa chọn 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam cho năm 2022.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA cho biết, trong giai đoạn tiếp theo của Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”, VCCA sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Việt Nam với mục tiêu tìm ra 1.000 món ẩm thực tiêu biểu trong năm 2023. Các dữ liệu này, được sử dụng để hoàn thiện “Bản đồ ẩm thực Việt Nam” vào năm 2024, tiến tới xây dựng “Bảo tàng ẩm thực Việt Nam” theo định hướng thực tế và thực tế ảo 3D phục vụ du khách tham quan trong và ngoài nước trong tương lai.
Đề án cũng được kỳ vọng mang lại lợi ích cho người dân, người tiêu dùng, người sử dụng các món ẩm thực như cung cấp nền tảng thông tin thực tế về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến kết hợp nguyên vật liệu và gia vị của những món ăn tiêu biểu Việt Nam. Về mặt kinh tế ẩm thực, Đề án tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố; nhà sản xuất tham gia trong ngành cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, chế biến ẩm thực, phát triển du lịch của địa phương. Riêng đối với lĩnh vực văn hóa ẩm thực, Đề án hỗ trợ giới thiệu các món ăn đặc sắc theo vùng miền của Việt Nam đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, góp phần quảng bá du lịch qua văn hóa ẩm thực vùng miền.
(Nguồn: Ngày Nay)