Cồng chiêng trong các lễ hội miền Tây Quảng Trị

Bảo Linh |

Cồng chiêng là một loại hình văn hóa mang tính đặc trưng vùng miền của đồng bào dân tộc huyện Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Ở đây có nền văn hóa dân gian phong phú, với ba dân tộc anh em định cư sinh sống lâu đời chủ yếu là Pa Kô, Vân Kiều và Kinh. Trong các lễ hội họ dùng nhiều loại nhạc cụ như cồng chiêng, đàn ta lư, trống, sáo, chập chọe...

Văn hóa cồng chiêng ở Quảng Trị

Từ bao đời nay cồng chiêng vẫn được các thế hệ trân trọng và gìn giữ, đây là tài sản quý giá và là nét văn hóa, mang ý nghĩa tâm linh. Việc có nhiều cồng chiêng hiện diện trong nhà một phần nào thể hiện được sự sung túc của gia đình đó trong bản làng. Hiện tại ở đây không còn người nắm kỹ thuật đúc cồng chiêng, hầu hết người dân mua hoặc trao đổi ở một số nơi ở miền Trung, Tây Nguyên hoặc từ nước bạn Lào. Cồng chiêng mua về được các nghệ nhân “chỉnh chiêng”, gò và gõ lại từng chiếc để cho âm thanh phù hợp, ngân vang.

Cồng chiêng tại lễ hội AriêuPing - Ảnh: Hồ Thanh Thoan
Cồng chiêng tại lễ hội AriêuPing - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào dân tộc tại các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị, thường được người dân sử dụng tại các lễ hội truyền thống hoặc sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước như lễ hội Ariêu Ping (cải táng), Prúc bor (cầu mùa), cúng lúa mới, mừng làng mới, cưới hỏi, ma chay... Cồng chiêng tại các lễ hội góp phần thắt chặt và gắn kết mối quan hệ cộng đồng của người dân, được dùng diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và gắn liền với sinh hoạt, lao động. Trong không gian các lễ hội này, mỗi cá nhân sẽ sử dụng một nhạc cụ và tiết tấu riêng, được kết hợp tổng thể thành một giai điệu.

Cồng chiêng còn được xem là phương tiện để con người giao lưu với những “đấng vô hình”, là sợi dây kết nối, giao tiếp giữa người trần với thiên nhiên và các đấng thần linh. Nghệ nhân Kray Sức (huyện Đakrông) cho biết, tại các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị, nam và nữ đều được sử dụng cồng chiêng tại các lễ hội. Cồng chiêng của đồng bào sử dụng chủ yếu có hai loại, loại có núm tượng trưng cho phụ nữ và không núm dành cho nam giới. Cồng chiêng được đánh bằng tay hoặc bằng dùi. Dùi được làm từ gỗ và có thể bọc mềm một đầu bằng vải để tạo âm tiết khác nhau khi đánh vào cồng chiêng.

Tại các lễ hội trong năm, tùy vào ý nghĩa và nội dung của sự kiện mà cồng chiêng có giai điệu, âm tiết và bước múa khác nhau. Âm tiết của cồng chiêng hòa cùng hợp âm những nhạc khí khác, kết hợp tiếng hò reo của không gian tại lễ hội tạo nên không khí phù hợp với nội dung của lễ hội. Đồng bào dân tộc ở đây thường sử dụng 2 nhịp điệu cồng chiêng trong các hoạt động: điệu ÂrPưp sử dụng tại đám ma với nhịp điệu tiết tấu nhanh và điệu Palư sử dụng tại các lễ hội có tiết tấu nhịp chậm đồng thời sử dụng thêm các nhạc cụ khác. Trong lễ hội Ariêu Ping (cải táng) cồng chiêng được sử dụng nhiều loại, riêng cồng có núm được sử dụng khi cúng vật hiến sinh bằng trâu hoặc bò hiến tế cho thần núi, có nơi sử dụng 3 cồng núm treo cạnh cột lễ, nam nữ đánh cũng được với nhịp điệu 3-4: chuung… chuung… chuung chiing - chup chuung… chuung… chuung chiing.

Người dân ở đây cho biết, có thời điểm một chiếc cồng chiêng trị giá bằng một con trâu. Tùy vào chất lượng và âm của cồng chiêng mà giá trị thực tế còn cao hơn. Trong những năm gần đây dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập trong nước và quốc tế diễn ra mạnh mẽ khiến các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao bị ảnh hưởng, trong đó văn hóa cồng chiêng.

Những nỗ lực bảo tồn 

Từ nhu cầu thực tế về kinh tế khiến người dân dần xa rời các hoạt động văn hoá cộng đồng mang nét truyền thống của địa phương, vì thế việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại các huyện miền núi đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Hầu hết thanh niên sinh ra và lớn lên không biết đánh cồng chiêng, ngại tham gia các lễ hội nên sinh hoạt văn hóa cồng chiêng bị mai một dần.

Ông Hồ Phương, một người dân tại huyện Đakrông đam mê sưu tầm và lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc người Bru - Vân Kiều, Pa Cô tâm sự: “Trong 15 năm trở lại đây, thế hệ trẻ hầu như không biết đến văn hóa cồng chiêng. Một số hộ dân đã bán cồng chiêng trong nhà vì mục đích mưu sinh, hiện chỉ còn sót lại một số bộ cồng chiêng ở các dòng họ với mục đích thờ cúng. Một số bộ cồng chiêng hiện tại bị mất âm, không có khả năng sử dụng”.

Qua thống kê sơ bộ của Phòng Văn hóa & Thông tin tại huyện Hướng Hóa có 4 đội cồng chiêng được thành lập và hoạt động: xã Axing (nay là xã Lìa); khóm 6 thị trấn Khe Sanh; bản Khe Đá; bản Ka Tăng. Huyện Đakrông cũng có 4 đội cồng chiêng tại A Bung, A Ngo, Tà Rụt và Đakrông. Riêng huyện Đakrông hiện có 4 nghệ nhân ưu tú được công nhận, các nghệ nhân: Kray Sức, Mai Hoa Sen, Hồ Văn Hiêng và Pã Hoan (đã mất).

Các đội cồng chiêng ở huyện Đakrông và Hướng Hóa khoảng từ 15 đến 25 thành viên. Đạo cụ và nhạc khí được sử dụng biểu diễn chủ yếu là cồng chiêng, khèn bè, tù và, trống, chập chọe...

Cồng chiêng ở các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị chủ yếu được lưu truyền lại hoặc mua mới. “Dù cồng chiêng được lưu truyền hay mua mới thì qua mấy mùa lễ hội đều bị “lạc âm”. Những chiếc cồng chiêng lỗi người dân đem đến nhờ ông Vỗ Bảo (thôn Vực Leng, xã Tà Rụt) chỉnh âm. Ông Bảo hiện ngoài 90 tuổi, nếu như ông mất thì thế hệ những người thành thạo chỉnh âm sẽ không còn nữa” - nghệ nhân Kray Sức trải lòng.

Ông Hồ Văn Hồi - Trưởng câu lạc bộ cồng chiêng Khóm 6 thị trấn Khe Sanh cho biết hiện sinh hoạt tại câu lạc bộ có 18 thành viên, chủ yếu từ độ tuổi trung niên trở lên và rất ít người trẻ. Cồng chiêng bây giờ không còn là dụng cụ âm nhạc duy nhất để người dân biểu đạt cảm xúc và ước mơ. Vì vậy thế hệ trẻ đồng bào dân tộc ở nhiều bản làng không còn mặn mà với tiếng cồng, tiếng chiêng, ngại ngùng khi mang những trang phục truyền thống. Mỗi lần có hoạt động thì việc triệu tập đội cồng chiêng luôn gặp khó khăn do anh em đi làm ăn xa. Đội múa dân vũ dễ triệu tập nhưng vị trí đánh cồng chiêng nếu thiếu người thì cả đội rất khó để hoạt động được. Ông rất mong muốn được hỗ trợ kinh phí để có những lớp đào tạo, hướng dẫn cách sử dụng, chỉnh âm đối với cồng chiêng; hy vọng các cấp chính quyền tổ chức nhiều buổi giao lưu, cuộc thi về văn hóa cồng chiêng để có thêm động lực cho đội cồng chiêng tham gia tập luyện.

Nghệ nhân Kray Sức (thứ 4 từ phải qua) tập múa dân vũ cho đội cồng chiêng - Ảnh: Tân Lâm
Nghệ nhân Kray Sức (thứ 4 từ phải qua) tập múa dân vũ cho đội cồng chiêng - Ảnh: Tân Lâm

Để cồng chiêng không “mất tiếng”

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là một quá trình chọn lọc, lưu giữ và kế thừa, mang tính tất yếu. Vì thế hoạt động bảo tồn phải gắn với việc phát huy nhằm tạo động lực cho giá trị văn hóa cồng chiêng của địa phương phát triển, đi vào ý thức trong sinh hoạt đời sống của người dân. Để thực hiện tốt những công việc này yêu cầu các cấp chính quyền và ban ngành phải cùng vào cuộc. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc tiếp tục nhấn mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, gắn với tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa nhân loại.

Bà Nguyễn Thị Huyền- Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này trên địa bàn huyện còn khá khiêm tốn, chưa huy động hiệu quả được nguồn vốn từ cộng đồng, xã hội hoá để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng. Việc đưa cồng chiêng trở thành nếp sống trong đời sống cộng đồng, trong phát triển du lịch còn gặp khó khăn và trở ngại. Hiện nay ở miền Tây Quảng Trị đã bắt đầu có nhiều hình thức du lịch. Nguồn thu từ chính tiềm năng địa phương sẽ giúp đồng bào hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị văn hóa của mình.

Cồng chiêng được sử dụng trong phục dựng lễ hội mừng làng mới tại xã Axing, huyện Hướng Hoá - Ảnh: H.T.L
Cồng chiêng được sử dụng trong phục dựng lễ hội mừng làng mới tại xã Axing, huyện Hướng Hoá - Ảnh: H.T.L

Tháng 6 năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 1450/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2030. Đề án ra đời trong thời điểm hiện tại mang tính thiết thực, giúp cho việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị hiệu quả hơn.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Lễ hội ẩm thực Việt Nam tại Pháp

PV |

Ngày 19/6, tại quảng trường La Place Monge ở thủ đô của Pháp, Hội người Việt Nam tại Pháp phối hợp cùng với Foyer Việt Nam đã tổ chức Lễ hội ẩm thực 2021.

Người dân Savannakhet tổ chức lễ hội bất chấp quy định phòng dịch

Tổng hợp |

Một số lượng lớn người dân địa phương tại thành phố Kaysone Phomvihan đã tập trung tổ chức Lễ hội pháo hoa truyền thống, bất chấp quy định giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19.

Tạm dừng tổ chức Lễ hội Tràng An để phòng dịch COVID-19

Nguyễn Trường |

Do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tối ngày 27.4, Ban tổ chức Lễ hội Tràng An 2021 đã có thông báo tạm hoãn tổ chức lễ hội để chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Quảng Trị dừng tổ chức lễ hội và khai trương du lịch biển, đảo

Lam Chi |

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Quảng Trị quyết định tạm dừng tổ chức Lễ hội “Thống nhất non sông” và Khai trương mùa du lịch biển, đảo năm 2021.