Cung đường Lìa - kết nối để thịnh vượng

Yên Mã Sơn |

Hiện thực đã chứng minh, những cung đường lớn mở ra không còn là giới hạn không gian hai chiều vật lý mà còn là cơ hội để lòng người cởi mở, nghĩ lớn và khát khao thịnh vượng cho một vùng đất. 

Bây giờ đi trên đường Lìa (ĐT 586) nối Quốc lộ 9 đến các xã phía nam huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mới thấy sự đổi khác sau gần mười năm nâng cấp. Những ngôi nhà khang trang hướng ra mặt đường của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đã cho thấy sự trù phú của một vùng đất phên dậu. Từng khóm hoa chuông vàng nhuộm sắc cả một vùng trời. Hoa rụng xuống phơi sắc bên đường như hàng hàng con bướm vàng đang đậu. Bên dưới những ngôi nhà sàn bằng gỗ được sơn thếp nhiều màu là sắn, cà phê. Cuối năm, sắn từ nương rẫy được cõng về nhà chờ thương lái đến cân và trả tiền. Từ thứ củ chống đói năm nào nay là sản phẩm làm giàu cho từng gia đình.

Cách đây nhiều năm, bạn tôi - Hồ Văn Thuần khi đó là Chủ tịch UBND xã A Xing (nay sáp nhập với xã A Túc thành xã Lìa) luôn trăn trở cho quê hương khi con đường vận chuyển nông sản của vùng Lìa ra bên ngoài trung tâm còn khó khăn. Những mùa sắn, chuối bội thu nhưng đường sá khó khăn khiến thương lái không vào được, sản phẩm làm ra cũng khó lưu thông về nơi có nhu cầu. Từ đó người dân nghèo vẫn cứ nghèo. Tôi nhớ câu nói của Thuần cứ ám ảnh đến bây giờ: “Phải có đường lớn mới nghĩ lớn được”.

Đường lớn được mở. Đó là khoảng năm 2015, 30 km đầu tiên của tuyến đường Lìa được nâng cấp, mặt đường được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ. Những ổ gà ổ voi và tình trạng nắng thì bụi mịt mù, mưa thì nhão nhoẹt lầy lội đã đi vào quá vãng. Có con đường lớn, người dân đã “nghĩ lớn”, đã mạnh dạn đầu tư xe cộ chở nông sản, gia cầm ra trung tâm bán. Không những thế, những cửa hàng kinh doanh hai bên đường do những người Vân Kiều, Pa Kô làm chủ mọc lên để đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập với xu thế thời đại. Như lời anh Hồ Văn Oai, một người Vân Kiều ở xã A Dơi nói: Từ ngày có đường, tôi vay tiền mua chiếc xe tải chở sắn nhập cho nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Ngày xưa đi từ A Dơi ra trung tâm mất nửa ngày, bây giờ thì chỉ trong… vài nốt nhạc. Đường lớn làm cho mỗi người phải hối hả, phải chạy đua và công cuộc mưu sinh dễ dàng hơn nhiều.

Đường Lìa kết nối ngã ba Tân Long, thủ phủ chuối của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Y.M.S
Đường Lìa kết nối ngã ba Tân Long, thủ phủ chuối của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Y.M.S


Bạn tôi ở Khe Sanh, ngày xưa mỗi lần đi dạy học ở xã Ba Nang, huyện Đakrông đều đi theo hướng Quốc lộ 9, qua cầu treo Đakrông theo Quốc lộ 14 tầm 7 cây số, rẽ phải đi lên lại hướng tây mới vào chỗ dạy, tổng đoạn đường ngót 45 cây số. Nhưng mỗi lần mưa lụt nước to, các tràn vào xã Ba Nang bị ngập không vào trường được, bạn quay xe, lên tận ngã ba Tân Long theo hướng Lìa - ĐT 586 đi vòng về hướng đông qua xã Ba Tầng rồi xuống xã Ba Nang của Đakrông. Tổng cộng cung đường cũng gần 60 cây số. Điều này cho thấy nỗi vất vả của giáo viên vùng sâu vùng xa. Nhưng qua đó thấy được giao thông quan trọng như thế nào. Giao thông làm tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội trước hết nó không phải là… con đường độc đạo, duy nhất.

 
 Hoa điệp anh đào ở vùng Lìa. Ảnh: Đinh Giao Hữu

Con đường Lìa nối từ ngã ba Tân Long đi Ba Tầng, điểm cuối cùng của huyện Hướng Hóa, đi tiếp xuống xã Ba Nang của huyện Đakrông rồi nối vào Quốc lộ 14, tính ra chiều dài cũng hơn 100 cây số. Những năm qua, 30 km đầu tiên của đường Lìa được đầu tư nâng cấp đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong khu vực để phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. Đặc biệt, nó là con đường gắn kết quan trọng với các địa phương của Lào qua sông Sê Pôn, mà trong tương lai gần sẽ là con đường năng động, tiềm năng của phía nam Hướng Hóa.

 
Hoa điệp anh đào là loài hoa bản địa ở vùng Lìa.

Những “điểm sáng” gọi tên trên cung đường này có thể trở thành trung tâm buôn bán lớn của khu vực Lìa như ngã ba xã Thuận, ngã ba xã Thanh (nơi có cửa khẩu phụ Thanh nối với Lào) và đặc biệt là đô thị Lìa - trung tâm của toàn tuyến Lìa của 7 xã nam Hướng Hóa. Sự năng động trên cung đường này thấy rõ khi lượng chuối, sắn và các nông sản khác được lưu thông cùng các dịch vụ khác hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản ngày một hoàn thiện.

Trung tá Ngô Trường Khôi, đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh dẫn chúng tôi theo hướng cửa khẩu phụ Thanh để qua Lào. Bên kia sông là cửa khẩu phụ Denvilay, huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào. Từ ngày dịch bệnh được kiểm soát, hàng hóa giao thương hai nước được kết nối. Sắn và chuối của nước bạn Lào có thể theo cửa khẩu phụ này kết nối đường Lìa để bán cho các thương lái ngược xuôi trên đường xuyên Á - Quốc lộ 9. Anh Pả Vai, người Lào sống ở bản Denvilay nói tiếng Việt sành sỏi cho biết, nếu nông sản bên này sông được trồng trên đất Lào không bán cho bên Việt Nam qua cửa khẩu phụ Thanh thì cuộc sống người dân xứ này rất khó khăn, nghèo đói luôn đeo bám. Sắn, chuối trồng ra không biết bán cho ai. Nếu muốn có người mua thì phải đi một cung đường rất xa, chi phí cao để đến huyện Sê Pôn bán. Trong khi đó, ông Bun Choi năm nay 69 tuổi, nhìn vườn sắn vườn chuối quê hương mình mà nói: Nếu có một cây cầu kết nối bản Denvilay với bên Việt Nam thì hay biết bao. Hàng hóa không phải xé nhỏ để lên thuyền ghe chở qua sông, mưa lũ không bị chia cắt…

Ước mơ của ông Bun Choi cũng là sự ấp ủ của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo công tác biên giới Việt Nam - Lào tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng. Cây cầu bắc qua sông Sê Pôn nối xã Thanh với bản Denvilay đã được tỉnh Quảng Trị khảo sát và trình chính phủ hai nước. Hiện hai chính phủ đang xúc tiến để sớm kết nối đôi bờ sông Sê Pôn. Nếu có cây cầu nối hai nước, cửa khẩu phụ hai bên Thanh - Denvilay sẽ nâng cấp thành cửa khẩu chính (cửa khẩu quốc gia) mở ra con đường phát triển cho hai địa phương trong việc giao thương trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, vùng Lìa sẽ thay đổi, năng động hơn khi trở thành một trong những địa phương trung chuyển và tập kết hàng hóa. Người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội thoát nghèo và làm giàu bền vững thông qua phát triển thương mại, dịch vụ. Tương lai đó không còn xa.

Ngã ba Tân Long đã nổi tiếng về thủ phủ chuối bấy lâu nay. Đó là nơi kết nối 7 xã vùng Lìa với trung tâm. Ở đâu có ngã ba, ở đó có sự lựa chọn, và Tân Long là một điểm khởi đầu tuyến Lìa ra dáng vóc một thị trấn trong tương lai. Buổi sáng qua đoạn ngã ba này thường kẹt xe vì chuối xanh mọi nẻo đường tràn về đây. Chuối từ Lào vượt sông Sê Pôn, vượt Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cũng về tham gia chợ. Nhiều người bán lắm kẻ mua đã làm cho nơi này sôi động, quá tải.

Từ ngã ba Tân Long, đường Lìa bám theo sông Sê Pôn cho đến xã Thanh thì rẽ về hướng đông, kéo ngược ra đường Hồ Chí Minh như hình chữ U. Trên cung đường này, những trung tâm đô thị mọc lên hứa hẹn là những điểm sáng về phát triển kinh tế.

Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hình thành ở xứ này đến nay đã tròn 20 năm. Ngần ấy thời gian với sứ mệnh thúc đẩy kinh tế địa phương phía nam Hướng Hóa đã tạo ra nhiều “đại gia sắn”, đưa thôn bản ở vùng biên giới khó khăn có một diện mạo mới. Ông Lê Ngọc Sáng, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cho biết, hiện “Câu lạc bộ 100 triệu” đã thu hút 77 hội viên là các hộ gia đình trồng sắn tiêu biểu trong vùng tham gia. Những hội viên này có sản lượng đạt 100 triệu đồng/vụ, thuộc vào tốp khá và giàu nhờ trồng sắn. Đại đa số họ là những nông dân đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Lìa.

 
 Củ sắn vùng Lìa. Ảnh: Nhà máy TBS Hướng Hóa.

Xã Lìa là nơi đa số người Pa Kô sinh sống. Nơi đây có trường cấp 3, có các thiết chế văn hóa, là trung tâm cho các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng Lìa. Theo Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Chung, đô thị Lìa vừa được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt rộng hơn 760 ha. Mục tiêu sẽ xây dựng phát triển đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V trước năm 2045, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành trung tâm chuyên ngành về kinh tế, văn hóa, du lịch, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng phía nam huyện Hướng Hóa. Phát triển đô thị Lìa theo hướng thương mại dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao. Đô thị Lìa sẽ trở thành trung tâm, đầu mối giao lưu biên giới Việt - Lào khu vực phía nam của huyện Hướng Hóa, là động lực phát triển của các xã vùng Lìa; phát triển hệ thống giao thông đối ngoại kết nối với Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, thị trấn Khe Sanh, và các xã ở phía nam của huyện Hướng Hóa.

Tôi thường đi lại trên tuyến đường Lìa bằng tâm thế của người lạc quan khi thấy cung đường biên giới này không còn nỗi ám ảnh hoang sơ và vắng vẻ của vùng sâu vùng xa. Trong nắng vàng hươm, những cô giáo vào bản làng làm nhiệm vụ không quên ghé lại bên đường chụp ảnh cùng với những khóm hoa chuông vàng. Ở một góc trời biên giới Việt - Lào, những khóm hoa như người quen chào đón những người con của bản làng cũng như những lữ khách xa lạ. Không những hoa chuông vàng, đến mùa hoa dã quỳ nơi này cũng là chốn níu chân du khách khi qua tuyến Lìa. Già làng Côn Cuôn, người yêu cái đẹp, nhiều năm trước, trong một lần ghé thăm người bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa thấy những khóm hoa dã quỳ e ấp trong nắng đã đem giống về trồng ở quê mình. Từ đó, con đường nối từ trung tâm xã Lìa đến suối Cả Đập đoạn qua thôn Kỳ Tăng được gọi tên con đường hoa dã quỳ. Mỗi mùa hoa đến, thôn nữ áo quần xúng xính làm dáng bên hoa. Cứ thế từng đoàn khách tìm dã quỳ để khám phá vùng đất biên giới Lìa.

Cô giáo vùng Lìa chụp ảnh dưới bóng hoa điệp anh đào - Ảnh: Y.M.S
Cô giáo vùng Lìa chụp ảnh dưới bóng hoa điệp anh đào - Ảnh: Y.M.S

Giữa mùa xuân, khi đào mai bắt đầu phai màu là lúc hoa điệp anh đào vùng Lìa nở rộ. Đó là giống hoa họ muồng mang cái tên quý phái “điệp anh đào”, được xem là hoa bản địa của vùng đất này. Điệp anh đào nở dọc thân, cành lúc cây trơ lá. Đi dọc đường Lìa từ xã Thuận vào đến xã Lìa, hai bên đường sắc hồng, trắng bừng sáng cả vùng trời. Hoa làm say lòng lữ khách nên ở xa cũng lặn lội đến chụp ảnh cho bằng được. Có nhiều người ví, đường Lìa là đường điệp anh đào bởi đây là loài hoa đặc trưng khó tìm thấy ở địa phương khác.

Cuối con đường Lìa ở địa phận huyện Hướng Hóa là xã Ba Tầng xa nhất, heo hút nhưng có độ cao như Khe Sanh, khí hậu mát mẻ. Từ Ba Tầng đi vòng xuống hướng đông là xã Ba Nang của huyện Đakrông. Ba Tầng còn nhiều khó khăn nhưng được biết đến bởi vị trí độc đáo: Nơi ngắm mặt trời mọc từ phía Lào. Những lữ khách phương xa vào Lìa thường lưu lại một đêm ở đâu đó trong bản làng người Vân Kiều chỉ để ngắm mặt trời lên từ phía Lào. Do địa lý nên một phần đất phía đông của Ba Tầng thuộc đất Lào, đi qua khoảnh “đất lạ” này là xã Ba Nang. Ở xã biên giới này, nơi cửa khẩu phụ Cóc thuộc thôn Trầm là một địa chỉ đáng chú ý khi có vị trí chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng. Hiện Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục để nâng lên cửa khẩu chính. Từ cửa khẩu phụ Cóc, mở ra lối giao thương với các địa phương của tỉnh Salavan, Lào. Khi hạ tầng, đường sá nơi này hoàn thiện có thể kết nối với Khe Sanh qua cung đường Khe Sanh - Sa Trầm; kết nối với trung tâm huyện Đakrông qua cung đường Sa Trầm - Quốc lộ 14… tạo thành một chuỗi liên hoàn về giao thông, rất thuận tiện cho việc phát triển thương mại dịch vụ. Những dự phóng đó không quá xa để nghĩ về những đô thị biên giới đang mang trong mình một sứ mệnh thay đổi số phận của đồng bào vùng sâu, vùng xa.

 
Cảnh quan hồ Lìa ở xã Lìa. Ảnh: Trường Sơn

Hiện thực đã chứng minh, những cung đường lớn mở ra không còn là giới hạn không gian hai chiều vật lý mà còn là cơ hội để lòng người cởi mở, nghĩ lớn và khát khao thịnh vượng cho một vùng đất. Con đường Lìa cũng mang khát vọng “quốc tế” như thế: kết nối, giao thương và phát triển.

TAGS

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam: "Trên đất thiêng nở đóa hoa Hòa bình"

Minh Anh |

Nhân dịp đón tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tạp chí Cửa Việt có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị để cùng nhìn lại bức tranh tổng quan năm 2023 và phác thảo những hướng đi mới để phát triển văn hóa, VHNT trong thời gian tới.

Dưới bóng hoa biên giới

Yên Mã Sơn |

Chiều biên giới Hướng Hóa (Quảng Trị), đi trên những con đường hoa lòng chợt rộn ràng như đi giữa mùa xuân. Ở đó có nhiều con đường bốn mùa hoa nở được trồng bằng chính bàn tay của những người yêu quê hương, muốn phát triển du lịch cộng đồng…

Hoa tớ dày khoe sắc đẹp lộng lẫy nơi núi rừng Mù Cang Chải

Lê Phú |

Ghé thăm Mù Cang Chải (Yên Bái) vào những ngày sát Tết nguyên đán, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sắc hồng rực rỡ của hoa tớ dày (hay còn gọi là hoa đào rừng).

Triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ chim hoang dã, di cư

Hải An |

Thời gian qua, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng săn bắt chim hoang dã, di cư, góp phần tích cực trong việc bảo vệ sự sinh trưởng của các loài chim hoang dã, di cư, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.