Dưới bóng hoa biên giới

Yên Mã Sơn |

Chiều biên giới Hướng Hóa (Quảng Trị), đi trên những con đường hoa lòng chợt rộn ràng như đi giữa mùa xuân. Ở đó có nhiều con đường bốn mùa hoa nở được trồng bằng chính bàn tay của những người yêu quê hương, muốn phát triển du lịch cộng đồng…

Những năm trở lại đây, từ khóa du lịch cộng đồng được nhắc nhiều ở huyện miền núi Hướng Hóa. Nhiều hộ gia đình, cơ sở kinh doanh đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng dựa vào tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn sẵn có. Đằng sau những mô hình du lịch cộng đồng đó có nhiều câu chuyện về người trồng hoa để làm đẹp quê hương và cộng đồng. Bởi có những con đường hoa của cộng đồng mới phát triển du lịch cộng đồng, như lời anh Hoàng Đức Trường Sinh, một người sinh ra và lớn lên nơi này đã cho tôi biết.

Đường hoa Mai anh đào tại thị trấn Khe Sanh do nhóm Loanh quanh Khe Sanh phát động trồng (Ảnh: Nhóm Loanh quanh Khe Sanh)
Đường hoa Mai anh đào tại thị trấn Khe Sanh do nhóm Loanh quanh Khe Sanh phát động trồng (Ảnh: Nhóm Loanh quanh Khe Sanh)

Trường Sinh là một trong những “yếu nhân” của nhóm Loanh quanh Khe Sanh. Nhóm chuyên quảng bá hình ảnh đặc sắc về thiên nhiên của Khe Sanh- Hướng Hóa nhằm phát triển du lịch. Sinh cho biết, hiện nay có nhiều hộ gia đình làm du lịch từ việc phát triển những lợi thế về thiên nhiên, kết hợp trồng hoa, làm đẹp cảnh quan để thu hút khách. Mỗi hộ, mỗi cơ sở làm du lịch đều có cách làm riêng để tìm khách hàng của mình. Tuy nhiên, cần có nhiều công trình được tao ra từ cộng đồng, phải có sự chung tay hưởng ứng, chia sẻ của cộng đồng khi đó mới có sản phẩm chung để tạo điểm nhấn, mang bản sắc vùng miền. “Từ những trăn trở đó, chúng tôi đã tự bỏ tiền túi và huy động kinh phí của các nhà hảo tâm để trồng những con đường hoa. Đó là sản phẩm của cộng đồng. Thành quả những con đường hoa này trước hết phục vụ chính cộng đồng đó, và rộng hơn nữa sẽ thu hút khách phương xa tới thưởng lãm khi đến địa phương”, Sinh chia sẻ.

Thời gian qua, nhóm của Sinh đã trồng hơn 300 mét (4m/ cây) hoa Điệp anh đào ở khối 7, thị trấn Khe Sanh. Cũng tại một con đường khác ở địa phương này, nhóm của Sinh cũng đã trồng 300 mét hoa Mai anh đào. Hứa hẹn sau khi con đường hoa phát triển ổn định và cho hoa sẽ trở thành một điểm nhấn của địa phương.

Học sinh Trường TH&THCS Axing (Hướng Hóa) dưới khóm hoa dã quỳ.
Học sinh Trường TH&THCS Axing (Hướng Hóa) dưới khóm hoa dã quỳ.

Cũng với trăn trở đó, trên đỉnh Cu Vơ cao gần 800 mét so với mực nước biển ở xã Hướng Linh, những doanh nghiệp và cá nhân yêu hoa, yêu du lịch cũng đã trồng hàng ngàn cây hoa để làm đẹp cho cộng đồng. Anh Phạm Văn Tú, Giám đốc nhà máy Điện gió Phong Liệu cho biết, những năm qua, đơn vị đã trồng ở khu vực đỉnh Cu Vơ gần 3.000 cây Bích đào; 400 cây Điệp anh đào với mục tiêu trả lại màu xanh cho núi rừng, làm đẹp dự án, tạo cảnh quan để thu hút khách du lịch. “Đỉnh Cu Vơ là đỉnh săn mây nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị, nơi đây có thể nhìn những cánh đồng điện gió, lòng hồ thủy điện. Việc hình thành những con đường hoa nở theo mùa, nơi này sẽ trở thành địa điểm lý tưởng để khách tham quan. Để tiếp tục chung tay thiết lập và kéo dài những con đường hoa, sắp tới chúng tôi sẽ trồng những đồi hoa mua, sim bản địa”, anh Tú cho biết.

Theo giám đốc Phạm Văn Tú, nhận thấy tiềm năng về du lịch của đỉnh Cu Vơ, thời gian qua nhiều tổ chức và cá nhân đã tự huy động nguồn lực xã hội để trồng nhiều con đường hoa ở nơi này như năm 2022, Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức trồng đường hoa Osaka đỏ; gần đây có Phật tử ở huyện Hướng Hóa trồng con đường hoa Điệp anh đào…

Khách du lịch săn mây trên đỉnh Cu Vơ, xã Hướng Linh (Ảnh: Nhóm Loanh quanh Khe Sanh)
Khách du lịch săn mây trên đỉnh Cu Vơ, xã Hướng Linh (Ảnh: Nhóm Loanh quanh Khe Sanh)

Ở vùng biên giới này, còn rất nhiều câu chuyện trồng hoa làm đẹp cho cộng đồng của cá nhân và tổ chức. Những con người khoáng đạt ấy cũng là câu chuyện du lịch thú vị mà mỗi vị khách xa lạ khi dừng chân chốn này muốn nghe. Những cái tên như già làng Côn Cuôn ở xã Lìa, người đem hoa dã quỳ về trồng ở xứ nắng gió; thầy Nguyễn Mai Trọng, một hiệu trưởng luôn tâm huyết với nghề đã gầy dựng con đường hoa dã quỳ ở xã Hướng Phùng và nay là con đường hoa dã quỹ ngay trước ngôi trường thầy đang quản lý- trường Tiểu học và THCS Axing… Giờ đây, những con đường hoa dã quỳ trở thành một nét riêng, độc đáo thu hút khách thập phương mỗi khi mùa hoa đến.

Rừng cây sau sau ở hồ thủy điện Rào Quán (Hướng Hóa) cũng là điểm thu hút khách tham quan (Ảnh: Nhóm Loanh quanh Khe Sanh)
Rừng cây sau sau ở hồ thủy điện Rào Quán (Hướng Hóa) cũng là điểm thu hút khách tham quan (Ảnh: Nhóm Loanh quanh Khe Sanh)
Rừng cây sau sau ở hồ thủy điện Rào Quán (Hướng Hóa) cũng là điểm thu hút khách tham quan (Ảnh: Nhóm Loanh quanh Khe Sanh)

Xa xôi hơn, đô thị vàng Lao Bảo cũng nắm bắt lợi thế nằm sát biên giới Lào nên nhiều năm trước, lãnh đạo địa phương huy động nguồn kinh phí xã hội để trồng gần 100 cây Osaka vàng ở công viên trung tâm. Theo lãnh đạo địa phương này cho biết, một ngày không xa, khi Osaka nở vàng cùng với hoa mai Lào vàng ruộm vào tháng 4 hàng năm, dưới bóng hoa biên giới sẽ tổ chức lễ hội Bunpimay- tết Lào để phục vụ du khách. Ấp ủ đó cũng là sản phẩm du lịch đáng “đồng tiền bát gạo” thỏa mãn thị hiếu của du khách nội địa. Bởi họ có thể ăn tết Lào trên đất Việt, nhảy điệu Lăm vông với cô gái Lào dưới bóng hoa biên ải của địa phương này.

Mùa hoa Osaka vàng ở Công viên trung tâm thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.
Mùa hoa Osaka vàng ở Công viên trung tâm thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.

Theo ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, những năm qua nhiều con đường hoa do cộng đồng phát triển ngày càng nhiều hơn. Ngoài những con đường hoa do Quỹ Phát triển con đường hoa Quảng Trị phát động, có nhiều cá nhân tự bỏ tiền ra để trồng hoa nhằm phát triển cảnh quan, làm đẹp cộng đồng. Mô hình xây dựng con đường hoa, làm đẹp quê hương ngoài ra kết hợp phát triển du lịch cũng là xu thế của kinh tế thị trường. Muốn phát triển du lịch cộng đồng cần có sản phẩm chung. Những con đường hoa là sản phẩm độc đáo bên cạnh những tài nguyên nhân văn như văn hóa, con người…

Phát triển Măng Đen thành thị trấn hoa Anh đào, bốn mùa hoa nở

Dư Toán |

Hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động; trong nỗ lực xây dựng thị trấn Măng Đen trở thành thị trấn hoa Anh đào, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã có thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhân dân trên địa bàn huyện trồng hoa Anh đào, với mục tiêu có một triệu cây hoa Anh đào.

Thu nhập cao từ mô hình trồng hoa cung ứng dịp Tết

Nguyễn Trang |

Tuy các mô hình chưa phát triển mạnh như ở một số địa phương khác trong tỉnh, nhưng dần nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đầu tư triển khai trồng hoa thương phẩm cung cấp vào dịp Tết. Trong đó, hiện quy mô lớn nhất là vườn hoa của hộ anh Lê Văn Phong (sinh năm 1979), ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp. 10 năm nay, anh Phong có thêm thu nhập khoảng 250 triệu đồng/vụ hoa.

Nam sinh làm bồi bàn 4 năm liền đoạt học bổng “Nâng bước thủ khoa”

Tây Long |

Vừa học, vừa làm thêm nhưng thời gian qua, Bùi Trọng Cương (sinh năm 2002), sinh viên Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị vẫn duy trì thành tích học tập đáng nể. Cương là một trong số ít những gương mặt tiêu biểu trên toàn quốc 4 năm liền đoạt học bổng “Nâng bước thủ khoa” do Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam và Báo Tiền Phong trao tặng.

Mùa hoa anh đào Đà Lạt

Hà Hữu Nết |

“Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào, hồn người chiều xuân mây êm trôi...”. Lời bài hát ấy, cứ ngân nga trong tôi khi hoa anh đào nở. Năm nay, rét đậm nên anh đào nở rộ, đẹp đến nao lòng. Cả Đà Lạt rực hồng, như “Nàng sơn nữ” lộng lẫy trong váy áo hồng, quyến rũ lạ kỳ.