Độc đáo chợ tết vùng cao

Hoàng Lê |

Chợ Tết vùng cao luôn là không gian văn hóa đặc trưng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Những phiên chợ nằm thấp thoáng sau sườn đồi, sườn núi với đủ màu sắc đã trở thành nét đẹp riêng có của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Chợ Huổi Cuổi

Cứ vào dịp cuối năm, chợ Huổi Cuổi ở huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) lại đông nườm nượp. Chợ họp 5 ngày một lần với nhiều mặt hàng được bày bán là các nông sản, thực phẩm, sản phẩm may mặc mang nét văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc Thái.

Chợ họp từ mờ sáng với đủ loại sản phẩm đa dạng trong đó những phiên chợ ngày Tết bày bán nhiều sản phẩm truyền thống do người dân địa phương sản xuất như: váy cóm, khăn piêu, măng, cơm lam, mứt Tết... Đặc biệt, phụ nữ Thái thường mang các sản phẩm may mặc xuống chợ để bán, trao đổi tạo nên nét văn hóa với đa dạng sắc màu.

 

Theo những người phụ nữ Thái bản địa, các sản phẩm thổ cẩm được nhiều người quan tâm mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trong đó, quần áo, váy dệt tay có mức giá tới cả chục triệu đồng. Thậm chí, những sản phẩm thổ cẩm xa xưa, được dệt từ thập niên 40, 50 hay 60 giá đến cả trăm triệu. Những sản phẩm thổ cẩm từ xa xưa hiện không còn nhiều và phần lớn chỉ người già trong bản mới lưu giữ. Tuy nhiên, những người lớn tuổi trong bản coi đó là các sản phẩm quý, giá trị và không mang ra bán. Chỉ những khi Tết hay ngày hội xuân, các sản phẩm này mới được mang ra trưng bày.

Có một nét đặc trưng của các phiên chợ vùng cao là những người dân dịp này thường xuống chợ Tết chọn mua cây giống để đem về trồng trong vườn nhà với mong ước về một năm mới khởi đầu nhiều may mắn trong trồng trọt và cây trái tốt tươi.

Chợ Đồng Văn

Chắc hẳn với những ai từng có dịp đến chợ phiên Đồng Văn (Hà Giang) sẽ không bao giờ quên nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc nơi biên cương Tổ quốc. Và, chợ Tết bao giờ cũng là nơi đông vui, nhộn nhịp nhất. Chợ phiên Đồng Văn (Hà Giang) thường họp vào cuối tuần. Những người dân ở các bản xa bên cạnh con sông Nho Quế như Thiên Hương, Má Tìa… thường phải đi bộ từ 3 giờ sáng để kịp xuống chợ phiên bày bán các sản phẩm do chính họ làm ra. Tại đây, mỗi góc chợ là một nét văn hóa riêng của cộng đồng các dân tộc Giấy, Dao, H’Mông…

Tại chợ Đồng Văn, ngoài việc xuống chợ để mua bán, trao đổi sản phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên Đán, đây cũng là dịp để những người bạn gặp gỡ, hỏi han nhau cùng chia sẻ về việc nương rẫy, khó khăn trong sản xuất. Thế nên, có thể thấy người dân cả nam và nữ đều xuống chợ và quây quần bên những quán rượu ngô cùng ăn thắng cố và say trong hơi men của thứ rượu đặc trưng nơi vùng cao.

Đặc trưng nhất của chợ Tết hay chợ phiên Đồng Văn khiến nhiều du khách thích thú chính là hình ảnh những người vợ chờ chồng tỉnh rượu rồi cùng về bản. Đó là hình ảnh đẹp mà bất cứ ai đi chợ Đồng Văn mỗi khi tan buổi cũng đều được chứng kiến.

Chợ Tả Sìn Thàng

Tại chợ Tả Sìn Thàng ở tỉnh Điện Biên, đồng bào H’Mông thường đem xuống chợ sản vật của núi rừng, như xâu mộc nhĩ, nấm hương, xâu cá bống, con gà thuốc hay vầu măng tươi mới đào hoặc bầu sáp ong… Và không thể thiếu đặc sản của người H’Mông ở đây là gà xương đen - giống gà được xem là “đặc sản” đất Tủa Chùa. Bên cạnh đó, tại chợ Tết Tả Sìn Thàng còn một đặc sản chỉ phục vụ những ngày Tết đó là rượu thóc. Để làm được một chum rượu thóc ngon khá cầu kì và mất thời gian. Thế nên, chỉ dịp Tết mới có loại rượu này. Rượu được đựng trong những chiếc chum sành xếp thẳng hàng, người mua thường được cho nếm thử bằng chén nhỏ, nếm thoải mái mà không phải trả tiền.

Cuối chợ, bên chảo thắng cố nấu lẫn với hoa hồi, thảo quả sôi sùng sục bốc khói nghi ngút, người ta tập trung thành nhiều góc nhỏ, cùng nhau ngồi nhâm nhi những chén rượu ngô mới thơm nồng. Bên các dãy hàng ăn thơm phức nào là món mèn mén làm từ ngô, bánh rán bằng bột khoai lang hoặc sắn deo dẻo, ngầy ngậy…

Bình thường, chợ phiên họp muộn nhất cũng chỉ đến quá trưa, nhưng những ngày cận Tết chợ họp đến tận chiều. Chợ phiên cuối năm không chỉ là nơi mua sắm, mà với người dân vùng cao, vui hơn cả còn là nơi để các chàng trai, cô gái tìm bạn kết duyên, nếu gặp được cô gái, chàng trai ưng ý sẽ dùng tiếng khèn dặt dìu bày tỏ tình yêu. Chợ cũng là dịp để những người bạn lâu ngày gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau uống chén rượu ngon, hỏi thăm nhau và nói về những chuyện đã qua.

 

Chợ Bảo Lạc

Một phiên chợ Tết nữa cũng độc đáo không kém là chợ Bảo Lạc (Cao Bằng). Phiên chợ diễn ra thường niên vào ngày 25, 30 tháng Chạp. Phiên chợ cuối cùng của năm nên nhộn nhịp hơn, mọi người đi chợ sắm Tết rất đông tạo không khí náo nhiệt khắp khu chợ. Mọi ngóc ngách gần chợ đều được người dân tận dụng làm chỗ mua bán, nghỉ chân, hay đơn giản chỉ là để đứng nhìn dòng người đi chợ. Các gian hàng đông người mua hơn cả là hàng bán lá dong, bánh khảo, giấy đỏ dán cửa nhà...

Chợ phiên ngày cuối năm ở đây khác hẳn những phiên chợ bình thường. Ở đó có sự hòa trộn những hương vị đồng quê ngào ngạt từ những thúng bưởi vàng, những bó hương, bó “khinh phja” (gừng núi) lan tỏa khắp nơi… Từ sớm tinh mơ, người bán, người mua khắp vùng đã đổ về chợ, dường như tất cả những sản vật tốt đẹp nhất đều được người ta dành dụm để góp vào sự phong phú của phiên chợ cuối năm ngày Tết.

Đặc biệt, là địa phương nổi tiếng với rượu ngô Tắp Ná nên có cả một khu vực tập trung bán rượu thơm nức một góc chợ. Chén rượu ngô trong vắt và thơm lừng đủ làm say lòng bất cứ người nào đến đây. Hình ảnh bà mẹ dắt theo con nhỏ đến chợ mua quần áo mới, các chàng trai, cô gái đi chợ để tìm bạn, để gửi lời hò hẹn cho những buổi hội xuân vui đầu năm… Những nét đơn sơ vốn có ấy đã làm nên bản sắc khó phai của chợ tết vùng cao. 

(Nguồn: Vietq.vn)

TAGS

Hội chợ ẩm thực Lào chuẩn bị diễn ra

Tổng hợp |

Hội chợ ẩm thực Lào năm 2021 sẽ diễn ra trong các ngày 23-27/2 tới tại thủ đô Vientiane với khẩu hiệu “Ăn, sống, học hỏi phong tục Lào” với hơn 120 đơn vị tham dự.

Rộn ràng chợ chuối Tân Long những ngày giáp Tết

Thiên Sơn |

Những ngày giáp Tết Nguyên đán là thời điểm người trồng chuối ở huyện miền núi Hướng Hóa tất bật với công việc thu hoạch, tập kết chuối tại chợ Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) để kịp xuất bán cho các tiểu thương và người dân trong cả nước. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và bão lũ nên sản lượng chuối trên địa bàn giảm mạnh.

Ngắm đàn trâu “khủng” tại phiên chợ Tết Tân Sửu ở xứ Nghệ

Hải Đăng |

Ngày 26 Tết Tân Sửu (7.2.2021), đàn trâu hàng nghìn con được đưa về trao đổi, mua bán tại chợ Ú (Nghệ An) - chợ trâu bò lớn nhất miền Trung.

Hà Nội: Chợ hoa 500 năm tuổi những ngày giáp Tết Tân Sửu

PV |

Đối với những người dân Thủ đô, không gian chợ hoa Hàng Lược vẫn là thói quen mỗi dịp Tết đến, Xuân về; đến để mua một vật phẩm kỷ niệm lấy may mắn cho năm mới.