Lễ đón chuyến bay đầu tiên chở 180 hành khách đến Đà Nẵng của năm mới 2021 rất xôm tụ và vui. Nhưng đáng tiếc là Đà Nẵng chưa cho thấy được việc nhân cơ hội này để làm một điều gì đó có tính đột phá về hình ảnh điểm đến.
Ngày 1.1.2021, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đón chuyến bay đầu tiên của năm mới 2021. Chuyến bay mang số hiệu VN159 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, khởi hành từ Hà Nội chở theo 180 hành khách hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng lúc 8h55 phút.
Du khách và phi hành đoàn đã nhận được sự chào đón nồng hậu bằng màn biểu diễn nghệ thuật, tặng quà và ấn phẩm do Sở Du lịch và Hãng hàng không Vietnam Airlines thực hiện.
Đáng chú ý là ở không gian đối diện ga đến có một “lễ đài” được trang trí hoa, logo nhận diện của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và du lịch Đà Nẵng cùng cái đầu rồng màu vàng vươn lên biểu tượng những tòa nhà cao tầng lô nhô để làm nơi du khách chụp hình lưu niệm.
“Nhìn không có gì là đặc trưng của Đà Nẵng cũng như không có gì đặc biệt so với những sân bay mà tôi đã đi qua trên thế giới”, anh Nguyễn Minh Nhật, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh trong chuyến bay tiếp theo nhận xét sau khi chụp một tấm hình lưu niệm ở “lễ đài”.
Anh Nguyễn Minh Nhật nhận xét không phải không có lý bởi là một trong những điểm đến nổi tiếng của miền Trung, nhưng Đà Nẵng, bắt đầu từ sân bay lại thiếu rất nhiều yếu tố hình ảnh để du khách có thể “ồ, thế là mình đã đến Đà Nẵng”.
Tôi đã từng đến những nơi được mệnh danh là “thiên đường du lịch của thế giới” như Phuket hay Bali. Và lần nào cũng phải “à, ồ” bởi những hình ảnh quá ấn tượng đập vào mắt mang đặc trưng của điểm đến ngay từ sân bay.
Ví dụ ở sân bay quốc tế Ngurah Rai của Bali, sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, tôi ngớ người bởi toàn bộ “nội cung” sân bay được trải thảm với hoa văn truyền thống. Khắp nơi là những cây nêu được bện bằng lá cọ trang trí sặc sỡ cùng những dù lọng kiểu thường thấy trong các đền thờ được dựng lên để chào đón du khách.
Bất ngờ nữa, Ngurah Rai là một sân bay quốc tế hiện đại 3 tầng, nhưng ở tầng dưới cùng, vẫn có một vòng thành với các cửa ra vào được xây dựng kiểu kiến trúc truyền thống trông như đang ở trong một ngôi đền Hindu nào đó.
Là chưa nói đến một tầng cao hơn, khi ở Bali, chính quyền quy định tất cả nhà dân, công sở, khách sạn… đều không được xây dựng quá 3 tầng. Và gần như tất cả các loại kiến trúc ở đây, dù mới hay cũ, dù hiện đại hay cổ xưa đều loanh quanh với kiểu kiến trúc truyền thống bản địa chứ không xô bồ, lổm nhổm Đông – Tây giao duyên như ở Đà Nẵng hay khắp nơi trên đất nước mình.
Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong dịp đón năm mới 2021 ước đạt hơn 50,3 ngàn lượt, tăng khoảng 38% so với dự kiến trước lễ. Trong đó, chủ yếu là khách nội địa, khách có xu hướng đi lẻ, đi theo gia đình và tự đặt dịch vụ.
Đây là một con số khá ấn tượng đối với Đà Nẵng sau gần một năm thành phố này buộc phải “đóng cửa” do hai đợt dịch COVID-19 khiến ngành du lịch, dịch vụ gần như tan tác theo đúng nghĩa đen.
Trong dịp này, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội Đà Nẵng - Chào Năm mới 2021 diễn ra từ ngày 29.12.2020 – 2.1.2021 với các chương trình sôi động, hấp dẫn như diễu hành xích lô du lịch, diễu hành thuyền hoa trên sông Hàn, trải nghiệm du ngoạn ngắm thành phố lung linh về đêm trên sông Hàn (với gần 3 ngàn lượt khách tham gia), ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước…
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã tổ chức các hoạt động, sự kiện dọc hai bên bờ sông Hàn như chương trình biểu diễn nghệ thuật Tuồng và ca nhạc tổng hợp giai điệu quê hương, chương trình Âm nhạc đường phố... đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Chỉ đáng tiếc là Đà Nẵng đã không tận dụng được cơ hội này để làm một điều gì đó mới lạ và ấn tượng hơn trong mắt du khách về hình ảnh điểm đến, bắt đầu là những “tiểu tiết” như “lễ đài” ở sân bay để du khách đến Đà Nẵng chụp hình lưu niệm trong năm mới.
(Nguồn: Vi Vu 247)