Du lịch xanh ở miền Tây Quảng Trị

Sỹ Hoàng |

Các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa ở huyện Hướng Hóa, Đakrông đang dần được đầu tư khai thác trong những năm trở lại đây. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều địa điểm ở miền Tây Quảng Trị đã trở thành những điểm du lịch xanh lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên… 


Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường; đóng góp tích cực vào bảo vệ đa dạng sinh học; ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo; giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Du khách đến với mô hình du lịch cộng đồng của HTX Nông nghiệp Tân Hợp - Ảnh: T.S
Du khách đến với mô hình du lịch cộng đồng của HTX Nông nghiệp Tân Hợp - Ảnh: T.S 

Nắm bắt được xu thế phát triển du lịch xanh, cuối năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Hợp (huyện Hướng Hóa) bắt tay vào xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hợp Lê Thị Huệ cho biết, HTX đi vào hoạt động từ năm 2018, chủ yếu trồng cây dược liệu, cà phê, chanh leo và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vùng đất được quy hoạch với diện tích 7 ha làm mô hình du lịch cộng đồng nằm ngay dưới chân đồi Động Tri, cách thị trấn Khe Sanh hơn 1 km. Cảnh quan đẹp, giao thông thuận lợi lại sẵn có các mô hình đa cây, đa con… là những lợi thế để đơn vị tập trung đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.

Đến nay, HTX Nông nghiệp Tân Hợp đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng để xây dựng nhiều vườn hoa, cây ăn trái, rau sạch như: Vườn trồng hoa ly, tam giác mạch, hồng, cúc, hướng dương, sao nhái…; vườn trồng chanh leo, rau sạch; vườn trồng các loại cây ăn quả mang tính đặc trưng của địa phương như cam, bưởi, nhãn, xoài, chuối, bơ… Đầu tư xây dựng bể cá cảnh; các tuyến đường bê tông nối khu vực ngắm cảnh trong khuôn viên; xây dựng các tiểu cảnh mang đậm bản sắc vùng, miền để du khách ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm… Dù chỉ mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2021 đến nay, mô hình du lịch cộng đồng của HTX Nông nghiệp Tân Hợp đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan.

Khi nói về những định hướng trong tương lai gần, bà Lê Thị Huệ cho biết thêm, thời gian tới HTX Nông nghiệp Tân Hợp sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh vừa để kinh doanh, vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng; đầu tư xây dựng nhà lưu trú cũng như không gian giao lưu văn hóa với các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô, không gian thưởng thức ẩm thực mang đặc trưng vùng, miền…; xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc biệt là các sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP. Đây sẽ là địa điểm giới thiệu, quảng bá và kinh doanh các sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP của HTX Nông nghiệp Tân Hợp cũng như sản phẩm của các đơn vị khác của huyện, của tỉnh; dần tạo thành chợ bán sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP để giới thiệu, quảng bá sản phẩm với khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng…

Những năm qua, huyện Hướng Hóa, Đakrông đã tập trung kêu gọi các nguồn lực để đầu tư tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử; xây dựng cơ sở vật chất để khai thác du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện; chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Đơn cử như huyện Đakrông đầu tư xây dựng và khai thác Khu du lịch cộng đồng Klu. Khu du lịch này có nhiều lợi thế vì nằm trên Quốc lộ 9 (thuộc xã Đakrông), trên tuyến đường xuyên Á, kết nối với 2 Cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo, mang vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên đa dạng.

 Điểm nhấn của Klu là có suối nước nóng tự nhiên, du khách đến đây vừa tắm suối nước nóng thư giãn, vừa ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, thưởng thức những món ăn, thức uống truyền thống và tham gia các trò chơi, múa hát của đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Rồi “tour 199k” do chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long xây dựng ý tưởng thu hút khá nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến địa phương trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, thưởng thức các món ăn mang đậm dấu ấn của người dân nơi đây… Ở huyện Hướng Hóa có mô hình farmstay “5 mùa bungalow” của anh Hoàng Thông đầu tư xây dựng với vườn cà phê, vườn cây ăn trái, các loại hoa đặc sắc và xây dựng các kiểu nhà nghỉ lưu trú dành cho khách du lịch có nhu cầu. Mô hình du lịch cộng đồng của HTX Nông nghiệp Tân Hợp cùng nhiều hộ gia đình ở thị trấn Khe Sanh, xã Tân Hợp, Tân Liên, Tân Long… đã thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng…

Vườn hoa nơi miền Tây Quảng Trị - Ảnh: T.S
Vườn hoa nơi miền Tây Quảng Trị - Ảnh: T.S

 Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết, huyện Đakrông có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, mô hình du lịch cộng đồng ở các huyện miền núi của tỉnh nói chung và huyện Đakrông nói riêng còn thiếu nguồn nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp; chưa có nhiều chính sách ưu đãi và thiếu sự liên kết, quảng bá rộng rãi để phát triển… Để góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương, quảng bá hình ảnh đặc sắc về mảnh đất và con người ở miền Tây Quảng Trị, về lâu dài huyện Đakrông sẽ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; tiến hành quy hoạch các điểm du lịch cũng như ưu tiên đầu tư về hạ tầng, cải tạo, nâng cấp môi trường, cơ sở vật chất phục vụ du khách ăn, nghỉ; khôi phục các nghề thủ công truyền thống; tăng cường bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống.   

Huyện cũng sẽ hỗ trợ các hộ gia đình trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ khách và trang bị kiến thức kinh doanh loại hình du lịch homestay, farmstay. Tìm giải pháp bảo đảm du lịch cộng đồng gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai cho người dân; phối hợp, liên kết với các địa phương trong khu vực và trên Hành lang kinh tế Đông-Tây trong xây dựng sản phẩm du lịch chung, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch vùng. Liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm khai thác có hiệu quả loại hình du lịch xanh ở miền Tây Quảng Trị…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xu hướng du lịch thế giới năm 2022: Đi nhiều, tiêu nhiều

Gia Hân |

Nếu năm 2021 là về du lịch trong nước, thì năm 2022 có thể là năm của các chuyến đi “danh sách hàng đầu”.

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế

PV |

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thăm, tặng quà tại huyện Đakrông

Lê Minh |

Ngày 14/1, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đến thăm, làm việc tại huyện Đakrông (Quảng Trị) và tặng quà cho người dân trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam.

Quảng Trị liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 4 tỉnh, thành phố lân cận

Mai Lâm |

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Trị tham gia liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 4 tỉnh, thành phố, gồm: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.