Đưa di sản đến gần với du khách

Thủy Ngọc |

Quảng Trị hiện có 562 di sản văn hóa vật thể, 342 di sản văn hóa phi vật thể. Xác định đây là tiềm năng, thế mạnh để khai thác phát triển du lịch, thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh đã phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn và tích hợp vào app Di sản văn hóa Quảng Trị. Qua đó, giúp du khách có được những trải nghiệm mới về lịch sử, văn hóa và hỗ trợ công tác quản lý di tích.


Tra cứu thông tin điểm đến dễ dàng

Giới thiệu cho chúng tôi xem những hình ảnh 3D của một số di tích, danh thắng trên địa bàn, ông Phan Tuấn Anh, Sở Khoa học và Công nghệ - tác giả chủ trì thực hiện đề tài “Giải pháp ngân hàng số di sản Văn hóa Quảng Trị hỗ trợ du lịch thông minh” cho hay, cơ sở dữ liệu di sản văn hóa Quảng Trị được xây dựng một cách cẩn trọng, khoa học, qua nhiều bước với từng giai đoạn khác nhau. Các tư liệu được tập hợp để xây dựng ngân hàng dữ liệu dạng số tổng thể, phục vụ du lịch cũng như công tác bảo tồn, quản lý di tích.

Giao diện app Di sản văn hóa Quảng Trị - Ảnh: T.N
Giao diện app Di sản văn hóa Quảng Trị - Ảnh: T.N

Qua nhiều năm thực hiện, bước đầu nhóm tác giả đã thu được một số kết quả đáng khích lệ và áp dụng hình thành một sản phẩm hỗ trợ phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Từ cơ sở dữ liệu xây dựng được, nhóm tác giả đã xây dựng app Di sản văn hóa Quảng Trị với 4 menu chính: Bản đồ, Các điểm di tích, Tham quan, Giới thiệu và các menu phụ là hình ảnh, chỉ đường và những video minh họa.

“Nhằm hỗ trợ cho việc sử dụng, chúng tôi thiết kế app qua hệ điều hành Android. App có công cụ hỗ trợ như: tìm đường, tham quan, VR, hình ảnh/video 3D... giúp người sử dụng có thể truy cập vào các ứng dụng một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. Khách du lịch có đủ các thông tin cần thiết trước khi đến tham quan các di tích trên địa bàn tỉnh”, ông Tuấn Anh cho biết. Sản phẩm đã được đưa lên Google Play để người dùng có thể dễ dàng tải về điện thoại hoặc quét mã QR tại di tích.

Ứng dụng Di sản văn hóa Quảng Trị ra đời đã giúp gắn kết các di tích lịch sử liên quan đến chiến tranh trên địa bàn tỉnh lại với nhau. Sản phẩm đã khắc phục các điểm yếu lâu nay trong quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh là chưa cung cấp được cho người dùng trải nghiệm liên hoàn để tạo thành một bức tranh tổng thể mà mỗi điểm di tích vẫn tồn tại như một điểm tham quan tách biệt. Mọi thông tin được mã hóa trong mã QR đều chuẩn xác, có sự kiểm tra, thẩm định của Trung tâm Bảo tồn di tích và Bảo tàng tỉnh.

“Quan niệm của tôi là “Dân ta phải biết sử ta”, việc đến tham quan địa chỉ đỏ là cách hữu hiệu giúp trang bị kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ nên gia đình tôi thường xuyên đưa các con đến tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Trong lần ghé thăm Khu di tích lịch sử Ngã ba Long Hưng mới đây, tôi quét mã QR được dán tại di tích là tải app Di sản văn hóa Quảng Trị về máy điện thoại, các thông tin về khu di tích hiện lên rất đầy đủ, thế là tôi trở thành hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết di tích Ngã ba Long Hưng khiến các con vô cùng thích thú”, anh Nguyễn Văn Đông, phường Đông Lương, TP. Đông Hà, cho biết.

Mã QR tải app Di sản văn hóa Quảng Trị tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn - Ảnh: T.N
Mã QR tải app Di sản văn hóa Quảng Trị tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn - Ảnh: T.N

Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích và Bảo tàng Quảng Trị và một số đơn vị chức năng thực hiện nhiều nghiên cứu như: “Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị”; “Xây dựng hệ thống di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 bằng công nghệ GIS, 3D”; “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị”... từ đó xây dựng ngân hàng số di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh.

Đặc biệt, đề tài “Giải pháp ngân hàng số di sản văn hóa Quảng Trị hỗ trợ du lịch thông minh” đã áp dụng một số công nghệ và kỹ thuật tiên tiến (GIS, UAV, 3D) nhằm số hóa và tích hợp các lớp dữ liệu di sản văn hóa.

Bước đầu các hướng nghiên cứu này đã thu được những kết quả cụ thể và triển khai áp dụng trong thực tế, điển hình như cơ sở dữ liệu số về du lịch Quảng Trị bằng công nghệ GIS, giúp số hóa và tích hợp các lớp dữ liệu của ngành du lịch theo một cơ chế thống nhất, phục vụ công tác quy hoạch và quản lý du lịch nói riêng, phát triển hệ thống bản đồ số của tỉnh và quốc gia nói chung.

“Bản đồ số du lịch là một tài nguyên không thể thiếu khi triển khai các dự án về du lịch sử dụng môi trường và thiết bị công nghệ thông tin, đặc biệt là với du lịch thông minh. Bản đồ số du lịch được thiết kế với khả năng định nghĩa nhiều đối tượng du lịch với các thông tin đầy đủ, đa dạng, có khả năng cập nhật từ nhiều nguồn. Các nguồn thông tin trên bản đồ số du lịch có thể được cập nhật và khai thác từ phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung, các trang thông tin và ứng dụng trên di động... tùy theo nhu cầu sử dụng. Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển của các ứng dụng khác như sử dụng mã QR trong cung cấp thông tin, tăng cường các tính năng của thực tế ảo (VR-360) để đảm bảo tính trực quan, sinh động tại các điểm đến du lịch”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Chỉ cần quét mã QR tại các điểm di tích, người tham quan dễ dàng có thông tin về di tích trên điện thoại di động - Ảnh: T.N
Chỉ cần quét mã QR tại các điểm di tích, người tham quan dễ dàng có thông tin về di tích trên điện thoại di động - Ảnh: T.N

Năm 2023, với đề tài “Giải pháp ngân hàng số di sản Văn hóa Quảng Trị hỗ trợ du lịch thông minh”, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị được vinh danh là 1 trong 7 đơn vị, giải pháp ở hạng mục 3: Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc trong toàn quốc tại lễ trao giải Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards. Sản phẩm “Thương hiệu du lịch - app Di sản văn hóa Quảng Trị” của nhóm tác giả Phan Tuấn Anh, Nguyễn Thị Mai Anh, Nguyễn Quang Chức, Phan Thị Hoa Lợi đoạt giải Ba Hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại của Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ IX - 2023.

Theo ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh, công nghệ số hóa di sản (công cụ (app) và tư liệu (ngân hàng số về di sản văn hóa)) là bước đột phá trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vì chi phí thấp, mang tính trực quan, độ tin cậy cao, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá rất nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ...

Mặt khác, từ các hiện vật đã được số hóa, công tác tu bổ di tích có thể dựa vào đó để khôi phục chính xác những phần bị hư hỏng. Người dân và khách du lịch sẽ là những đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ ứng dụng này, giúp họ có thể tiếp cận thông tin về di sản một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Đối với các đơn vị quản lý ngành du lịch, văn hóa mà trực tiếp là Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng, các phòng văn hóa - thông tin thì công việc quản lý sẽ trở nên hiệu quả, trực quan hơn. Cơ sở dữ liệu số này còn hỗ trợ đắc lực cho công tác quy hoạch du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp liên ngành. Ngành giáo dục đào tạo có nguồn tư liệu để giảng dạy môn Giáo dục địa phương theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Để hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa Quảng Trị cần lựa chọn, bổ sung thêm thông tin về các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như các lễ hội truyền thống, lễ hội cách mạng, lễ hội tôn giáo; 10 bảo vật quốc gia của Quảng Trị... nhằm thống nhất các cơ sở dữ liệu số từ các đơn vị quản lý nhà nước (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ...) để làm cơ sở xây dựng ngân hàng số di sản văn hóa Quảng Trị với 562 di sản văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể theo quy định tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình số di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư kinh phí nâng cấp phiên bản, phát triển app trên hệ điều hành iOS, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống bằng phiên bản tiếng Anh để phục vụ khách du lịch quốc tế và công tác quản lý xúc tiến du lịch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đẩy mạnh khuyến mãi dịp giáp tết Nguyên đán

Trúc Phương |

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã bổ sung thêm nhiều mặt hàng phục vụ thị trường Tết, với mẫu mã, giá cả phong phú, đa dạng. Nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cũng được triển khai, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua cũng như doanh số bán ra trong dịp tết Nguyên đán.

Cục Thuế tỉnh triển khai chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân

Trịnh Xuân Thành |

Những năm qua, cùng với việc thực thi các gói giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ngành Thuế cũng khẳng định vai trò tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế.

Giữ rừng, giữ thác để Trăng - Tà Puồng mãi đẹp

Lê Hoàng |

Thiên nhiên ưu đãi cho xã Hướng Việt (huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Bản làng Vân Kiều tuyệt đẹp, hiền hòa ẩn hiện dưới những tán trẩu xanh với nhiều lễ hội văn hóa - ẩm thực đặc sắc, nhiều phong tục tập quán lạ lẫm hấp dẫn du khách thập phương.

Có nên mãi cho tiền người ăn xin

Thảo Uyên |

Hình ảnh người ăn xin ngửa tay xin tiền trong các quán cà phê, nhà hàng, bệnh viện, thậm chí lê lết ở các ngã tư đường có đèn tín hiệu giao thông không còn lạ lẫm với người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều người trong chúng ta ai cũng ít nhất một lần giúp đỡ họ. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không nên mãi cho tiền người ăn xin, vì như thế họ sẽ không có động lực phấn đấu mà luôn lệ thuộc vào tình thương của người khác...