Có nên mãi cho tiền người ăn xin

Thảo Uyên |

Hình ảnh người ăn xin ngửa tay xin tiền trong các quán cà phê, nhà hàng, bệnh viện, thậm chí lê lết ở các ngã tư đường có đèn tín hiệu giao thông không còn lạ lẫm với người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều người trong chúng ta ai cũng ít nhất một lần giúp đỡ họ. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không nên mãi cho tiền người ăn xin, vì như thế họ sẽ không có động lực phấn đấu mà luôn lệ thuộc vào tình thương của người khác...


Đối tượng người ăn xin mà chúng ta thường gặp là người già, trẻ nhỏ, người bị khuyết tật, thậm chí có những người mang trên mình căn bệnh quái ác khiến thân thể biến dạng. Những người này có thể bắt gặp ở quán cà phê, quán ăn, nhà hàng, trên các tuyến phố, chợ, bệnh viện, thậm chí tại những sự kiện tập trung đông người.

Thực tế, khó ai có thể làm ngơ trước những hoàn cảnh như thế. Ngoài việc giúp người ăn xin vượt qua khó khăn, việc làm này còn đem đến cho chúng ta niềm hạnh phúc nho nhỏ vì đã giúp được người khốn khó. Điều đó còn thể hiện truyền thống nhân ái “Lá lành đùm lá rách”của người Việt.

Chị Hoàng Thị Thảo, thị xã Quảng Trị chia sẻ: mỗi lần đi qua các ngã ba, ngã tư lớn của TP. Đông Hà, tôi đều đi chậm để quan sát. Bởi lẽ trước đây có lần tôi suýt va chạm với một người ăn xin nằm bên mép đường. Dù là mép đường nhưng ở khúc cua nên người khác không để ý, có thể va vào bất cứ lúc nào. Nghe nói đó là một thanh niên người dân tộc thiểu số và anh ta chọn cách ăn xin ở các ngã ba, ngã tư của thành phố để sống qua ngày.

Hình ảnh có tính minh họa - Ảnh: Dân Việt
Hình ảnh có tính minh họa - Ảnh: Dân Việt

“Vài lần đầu, vì xót thương cho hoàn cảnh của người này, mỗi lần gặp tôi đều dừng lại cho tiền. Tuy nhiên về sau nghe nói anh ta sử dụng số tiền xin được để chơi game nên tôi không cho nữa. Dạo này mỗi lần có việc ra thành phố Đông Hà, tôi có để ý nhưng không thấy thanh niên này nằm ở các góc ngã ba, ngã tư đường phố nữa. Không biết anh ta về quê hay di chuyển sang địa bàn khác để ăn xin”, chị Thảo cho biết.

Tình thương yêu luôn tồn tại trong trái tim mỗi người nên việc chia sẻ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là chuyện nên làm. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, lòng tốt của chúng ta vô hình trung khiến một số người không có động lực phấn đấu và luôn có tư tưởng lệ thuộc. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người nghèo, giúp họ thoát nghèo vươn lên.

Ở bất cứ địa phương nào, người nghèo đều được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, hưởng chính sách miễn giảm về giáo dục, chăm sóc y tế, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, tăng gia sản xuất... Đối với người khuyết tật, mất sức lao động, ngoài các chính sách ưu tiên kể trên còn được Nhà nước trợ cấp hàng tháng với kinh phí phục vụ sinh hoạt ở mức tối thiểu.

Đối với trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa thì đã có các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm tình hồng để chăm sóc. Vào các dịp lễ, tết hay mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày ở mỗi địa phương.

Ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội thiện nguyện, đơn vị hảo tâm vẫn cũng thường xuyên hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều này cho thấy, không có người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nào bị bỏ lại phía sau khiến cuộc sống họ thiếu cái ăn, cái mặc phải đi xin ăn.

Chưa kể một số đối tượng lười lao động, lợi dụng lòng nhân ái của người khác để hưởng lợi, thậm chí tổ chức “chăn dắt” để trục lợi người già, trẻ em, người khuyết tật một cách vô nhân đạo, làm xấu bộ mặt xã hội và xói mòn niềm tin của người khác. Nhiều năm trước, báo chí đã từng phanh phui đường dây “chăn dắt” người ăn xin và một số tỉnh, thành phía Nam đã có khuyến cáo người dân không nên cho tiền người ăn xin. Thậm chí, mạng xã cũng đã bao lần “bóc mẽ” những trường hợp người ăn xin giả làm người thương tật để đánh lừa lòng tốt của người khác.

Ông bà ta có câu “giúp người ngặt, không giúp người nghèo”, hay “giúp người khốn, không giúp người khó” được hiểu như kiểu “cho cần câu, không cho xâu cá”. Cả xã hội đang chung tay giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên bằng những giải pháp bền vững. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng trong việc giúp đỡ người ăn xin, nhất là khi những người đó vẫn còn sức lao động.

Thật bất công khi chúng ta cho tiền người ăn xin, trong khi đó biết bao nhiêu người nghèo, người khuyết tật vẫn đổ mồ hôi trên cánh đồng, miệt mài lao động trong các công xưởng, cơ sở lao động một cách chân chính để vươn lên.

Những năm qua, Cục Bảo trợ xã hội đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo các địa phương để giải quyết tình trạng ăn xin. Các địa phương cũng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhưng nạn ăn xin vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.

Đặc biệt, tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, tuyến đường lớn, khu du lịch có nhiều khách nước ngoài gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Để giải quyết tận gốc tình trạng ăn xin, cần có giải pháp đồng bộ từ trung ương, địa phương để nâng cao đời sống, giải quyết các chính sách an sinh xã hội và việc làm cho người dân.

Đồng thời, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của người dân trong việc không cho tiền người ăn xin; “vạch mặt”, ngăn chặn nếu phát hiện hành vi chăn dắt, giả dạng người ăn xin. Mỗi người dân cần thể hiện lòng tốt của mình đúng địa chỉ thông qua các kênh của chính quyền, Mặt trận, tổ chức thiện nguyện và những địa chỉ “người thật, việc thật”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bệnh tật bủa vây mái tranh nghèo

Tây Long |

Hay tin con trai út của vợ chồng ông Hồ Văn Thiên ngã bệnh, người dân thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị), đều thương cảm. Nhiều năm nay, vợ chồng ông Thiên đi viện như cơm bữa. Mới đây, vì gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, con trai ông bà cũng nhập viện, chưa biết lúc nào có thể trở về với gia đình.

Dành số tiền thưởng từ cuộc thi viết “Ký ức Khe Sanh” tặng bệnh nhân nghèo

Nguyễn Khiêm |

Sau khi nhận giải cuộc thi, chị Kô Kăn Sương, công tác tại Báo Quảng Trị đã dành trọn số tiền đoạt giải để tặng bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo đồng hành với học sinh nghèo trong năm học mới

Văn Sáu |

Ngày 05/9/2023, hòa chung trong không khí hưởng ứng ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và khai giảng năm học mới 2023-2024, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) tổ chức nhận hỗ trợ, nuôi dưỡng 03 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gặp mặt tặng quà 18 em học sinh trong Chương trình “Nâng bước em đến trường – Con nuôi đồn Biên phòng” và Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Trao tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học

Vân Trang |

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2023 - 2024, sáng nay 5/9, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị trao 20 chiếc xe đạp, mỗi chiếc trị giá 1,4 triệu đồng cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học & THCS Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) và 10 học sinh Trường Tiểu học & THCS Hải Khê (huyện Hải Lăng). Toàn bộ kinh phí trao tặng xe đạp lần này do gia đình Tổng Bí thư Lê Duẩn tài trợ.