Dù mới thành lập và đi vào hoạt động song Câu lạc bộ (CLB) Chuyện trạng Vĩnh Hoàng, xã Vĩnh Tú và CLB dân ca Bài chòi Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh (Quảnh Trị) đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.
Tập hợp những người tâm huyết, yêu quý chuyện trạng và bài chòi, 2 CLB này đẩy mạnh sưu tầm, lưu trữ, sáng tác, tập luyện, tổ chức giao lưu, biểu diễn và truyền dạy. Từ đó, hướng đến mục tiêu góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức gìn giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống trên đất Vĩnh Linh.
Các CLB đã mạnh dạn đổi mới về nội dung lẫn hình thức để 2 loại hình nghệ thuật truyền thống, nét đẹp văn hoá chuyện trạng và bài chòi tại huyện Vĩnh Linh phát triển một cách tương xứng, phù hợp với hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Phó Ban chủ nhiệm CLB Chuyện trạng Vĩnh Hoàng Trần Công Bắc cho hay: “Trạng Vĩnh Hoàng xuất xứ từ trạng dân gian, có khoảng từ thế kỷ 15 ở làng Huỳnh Công, xã Vĩnh Hoàng. Năm 1945, Vĩnh Hoàng chia tách thành 4 xã, trong đó có Vĩnh Tú ngày nay.
Quá trình chiến đấu bám đất, giữ làng, nỗ lực sản xuất, tái thiết quê hương, từ những sự việc diễn ra trong thực tế, người dân Vĩnh Hoàng khéo léo dùng nghệ thuật nhân cách hóa, cường điệu hóa, hư cấu để sáng tác ra những câu chuyện hài hước, thú vị, kết hợp với điệu bộ, thổ ngữ địa phương mang lại tiếng cười sảng khoái, ý nhị.
Với ý nghĩa cổ vũ tinh thần lạc quan, đoàn kết vượt qua gian khó của con người mảnh đất Vĩnh Hoàng, chuyện trạng trở thành nét văn hóa độc đáo khi nhắc đến Vĩnh Tú. Mang tâm nguyện giữ gìn vốn quý chuyện trạng, chúng tôi đi đến thành lập CLB Chuyện trạng Vĩnh Hoàng vào tháng 6/2022”.
CLB Chuyện trạng Vĩnh Hoàng đang triển khai tốt nhiệm vụ quản lý, phát triển các nội dung liên quan đến chuyện trạng Vĩnh Hoàng và vận động mở rộng thành viên. Đặc biệt, trong số gần 20 thành viên của CLB, ngoài những bậc cao niên am hiểu sâu sắc về chuyện trạng còn thu hút được những người trẻ, thanh, thiếu niên tham gia như em Nguyễn Trần Thiên Phúc, tuy mới 9 tuổi song đã tự tin trình diễn chuyện trạng trên nhiều sân khấu của huyện, tỉnh, được kỳ vọng sẽ trở thành thế hệ tiếp nối, giữ lửa chuyện trạng.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú Lê Thị Anh Chi cho biết: “Kịp thời hỗ trợ CLB Chuyện trạng Vĩnh Hoàng, xã đã cấp các nguồn kinh phí đầu tư bước đầu và cũng đang tiến hành cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa thôn Tây 2 dành làm địa điểm sinh hoạt riêng cho CLB”.
Loại hình nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017. Tại huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Hòa là địa phương nổi tiếng còn lưu giữ loại hình nghệ thuật này.
Sự ra đời của CLB dân ca Bài chòi Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa vào tháng 8/2022 nhằm thúc đẩy phong trào sưu tầm lời cổ, sáng tác lời mới, chơi nhạc cụ, phục dựng và trình diễn dân ca bài chòi. Trong các chương trình văn hóa - văn nghệ tại cơ sở, sự góp mặt của CLB dân ca Bài chòi với những tiết mục dàn dựng công phu, đặc sắc luôn được cộng đồng dân cư đón nhận.
Thêm một bước tiến nữa trong nỗ lực tạo sức hút cho bộ môn nghệ thuật độc đáo này, CLB dự định kết hợp cùng đoàn thanh niên, các đơn vị trường học đưa dân ca bài chòi từng bước phổ biến, trở nên gần gũi hơn với lứa tuổi học sinh.
Trước mắt, lồng ghép biểu diễn, giới thiệu, truyền dạy kiến thức cơ bản về bộ môn dân ca bài chòi thông qua những ngày hội văn hóa dân gian, các tiết học ngoại khóa, năng khiếu… nhằm giúp thế hệ trẻ tiếp cận, tìm hiểu, thêm yêu quý loại hình nghệ thuật đã gắn bó với bao thế hệ xã Vĩnh Hòa.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Linh Lương Ngọc Ninh cho biết, với một địa phương lưu giữ nhiều nét đẹp, loại hình nghệ truyền thống như: chuyện Trạng Vĩnh Hoàng; bài chòi làng Đơn Duệ; hò chèo cạn làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang; văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở khu vực miền núi phía Tây… huyện Vĩnh Linh luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị những loại hình nghệ thuật này.
Trong đó khuyến khích việc thành lập các CLB ở cơ sở. Huyện sẵn sàng hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách; tạo điều kiện bố trí địa điểm sinh hoạt, xem xét phân bổ một phần kinh phí giúp các CLB trang cấp đạo cụ, thiết bị, trang phục… phục vụ tập luyện, biểu diễn. Đồng thời định kỳ tổ chức các chương trình nghệ thuật quy mô vào những dịp lễ, tết, sự kiện chính trị của quê hương.
Từ đó các CLB được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, khơi nguồn cảm hứng, khích lệ các thành viên thêm gắn bó với CLB. Hiện một số CLB đã được thành lập trên địa bàn huyện gồm: CLB Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, CLB dân ca Bài chòi Đơn Duệ hay CLB Dân ca Sông Hiền… đều duy trì hoạt động nền nếp, hiệu quả, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Thời gian tới, để các CLB nâng cao chất lượng hoạt động, huyện sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức những khóa tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng cho thành viên các CLB.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực giúp các CLB đầu tư cơ sở vật chất, có thêm nhiều hình thức quảng bá phong phú, hấp dẫn, thu hút thành viên, mở rộng quy mô theo hướng trẻ hóa, chuyên nghiệp hóa nhằm bắt kịp với xu thế phát triển của cuộc sống ngày càng năng động, hiện đại.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)