Famtrip là một hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị. Đây là một chương trình du lịch miễn phí dành cho các hãng lữ hành, các nhà báo tới một hay nhiều điểm du lịch của một quốc gia, địa phương để làm quen với các sản phẩm du lịch. Tại đây, các thành viên trong đoàn Famtrip sẽ khảo sát, lựa chọn, xây dựng chương trình du lịch có tính hiệu quả thiết thực để chào bán cho khách, còn các nhà báo thì viết bài tuyên truyền nhằm thu hút khách du lịch biết đến sản phẩm đó.
Việc tổ chức chương trình Famtrip ở Quảng Trị khá muộn so với nhiều tỉnh thành trong cả nước, chỉ mới bắt đầu bằng chương trình Famtrip đảo Cồn Cỏ vào đầu tháng 7/2020 nhưng đã tạo được dấu ấn và sự lan tỏa. 80 đại biểu đã tham dự chương trình này, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; phóng viên báo chí trung ương, địa phương… Đây là dịp để các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị kinh doanh du lịch của tỉnh và các tỉnh bạn gặp gỡ, kết nối, ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ du lịch; truyền thông, quảng bá rộng rãi điểm đến của địa phương, nhất là đảo Cồn Cỏ trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương. Thông qua chương trình, các thành viên tham dự được tìm hiểu tổng quan về du lịch Quảng Trị cũng như các sản phẩm, dịch vụ - du lịch hấp dẫn của địa phương. Sau chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay ký kết các hợp đồng liên doanh, liên kết, mở ra nhiều triển vọng phát triển mới cho du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Quảng Trị cho biết: Quảng Trị là một tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, tuy nhiên du lịch Quảng Trị vẫn chưa được nhiều du khách và những người làm du lịch biết đến. Trong điều kiện như vậy, việc tổ chức đón các đoàn Famtrip là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm tăng cường quảng bá thông tin, sản phẩm dịch vụ du lịch của địa phương.
Theo ông Tân, việc tổ chức đón các đoàn Famtrip sẽ giúp những người làm du lịch hiểu chất lượng dịch vụ của điểm đến và kết nối được với nhau. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch sẽ có cái nhìn tổng quát về điểm đến, đồng thời nắm rõ được chất lượng dịch vụ trước khi bán sản phẩm cho khách hàng của họ. Những chuyến đi Famtrip sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp làm du lịch, đặc biệt trong việc kết nối với những đối tác ở điểm đến. Vì thực tế, Famtrip chính là chuyến đi khảo sát, trực tiếp trải nghiệm chất lượng các dịch vụ của điểm đến như ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí, đi lại… để lên chương trình, kế hoạch bán sản phẩm cho khách. Phải hiểu và biết được sản phẩm đó như thế nào thì tư vấn, giới thiệu cho khách hàng mới hiệu quả. Những chuyến đi khảo sát như thế này không chỉ mang lại lợi ích cho một phía đi xúc tiến, mà ở cả hai chiều sau khi đã có sự kết nối. Không chỉ vậy, thông qua các chuyến Famtrip, doanh nghiệp làm du lịch của điểm đi có dịp kết nối được các dịch vụ cung ứng của điểm đến, các đối tác gặp nhau sẽ cho ra những sản phẩm du lịch phù hợp. Ngoài việc giao lưu, các bên còn hợp tác, cụ thể hóa bằng cách gặp gỡ, bàn bạc chính sách giá, chương trình tour, thiết kế chương trình tour phù hợp giữa bên đặt ra nhu cầu và bên cung ứng dịch vụ…
Thông qua các chuyến đi Famtrip, thông tin về điểm đến sẽ được lan tỏa tích cực, rộng rãi trên các trang mạng xã hội, báo chí… Đặc biệt, hiện nay khái niệm du lịch thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số để cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch đang là một xu thế tất yếu của thời đại. Qua đó, các doanh nghiệp làm du lịch có cơ hội tham khảo, học hỏi lẫn nhau, cụ thể là thực hiện hoạt động truyền thông trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ, đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Bên cạnh đó, Famtrip sẽ giúp những doanh nghiệp du lịch đánh giá được thực tế cũng như tiềm năng của điểm đến. Những chuyến đi khảo sát chính là cầu nối, tạo được sự thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc kết nối với các đối tác của điểm đến.
Với bất kỳ chuyến đi Famtrip tới một điểm đến nào đó đều rất cần sự kết nối, hợp tác của các doanh nghiệp ở cả hai phía: Đi và đến. Do vậy, việc tổ chức các chương trình Famtrip cần sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành nhằm đẩy mạnh việc mở rộng thị trường, tìm kiếm các thị trường tiềm năng, duy trì sự liên kết, hợp tác giữa các bên bởi phải có sự đối lưu khách giữa các thị trường thì mới có sự hợp tác bền vững. Thông qua các chuyến khảo sát, doanh nghiệp làm du lịch sẽ tự đặt bản thân vào vị trí của du khách, để từ đó có thể đưa ra được những đánh giá, nhận xét chân thực, khách quan và cùng đối tác dần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp du lịch địa phương đó cũng có cơ hội để nâng cao, hoàn thiện các kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch vốn có của mình.
Năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, lượng khách đến Quảng Trị và doanh thu du lịch giảm mạnh so với năm 2019 (khách quốc tế giảm trên 86%, khách nội địa giảm 71%). Trong bối cảnh đó, vấn đề liên kết và hợp tác du lịch là xu thế tất yếu, cần được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa. Cùng với nhiều giải pháp khác, việc tổ chức các chương trình Famtrip được coi là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm tăng cường quảng bá thông tin, sản phẩm dịch vụ du lịch của địa phương. Hình thức này tuy còn khá mới mẻ nhưng so với các hoạt động giới thiệu quảng bá qua hội chợ, qua phương tiện truyền thông, Famtrip có lợi thế lớn là đem đến các trải nghiệm trực tiếp, được thấy “người thật, việc thật” cho những người làm du lịch. Thời gian qua, ngành du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tận dụng lợi thế này để tổ chức nhiều đoàn Famtrip, nhất là các đoàn quốc tế để quảng bá du lịch. Tại Quảng Trị, theo kế hoạch dự kiến, tỉnh sẽ tổ chức chương trình Famtrip vào đầu tháng 5/2021. Đây tiếp tục là cơ hội để quảng bá du lịch của Quảng Trị trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút khách đến tham quan tại địa phương ước đạt 1.620 ngàn lượt (tăng 74% so với năm 2020), trong đó khách quốc tế ước đạt 30 ngàn lượt (tăng 12,5% so với năm 2020); khách nội địa ước đạt 1.590 ngàn lượt (tăng 81% so với năm 2020).
(Nguồn: Báo Quảng Trị)