Khai thác hiệu quả hệ thống di tích lịch sử văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch

Đào Tâm Thanh |

Tỉnh Quảng Trị đang quan tâm chỉ đạo nhiệm vụ lập quy hoạch, tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý đối với hệ thống di tích trên địa bàn, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia.

Ông NGUYỄN HUY HÙNG, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời phỏng vấn

- Thưa ông! Có thể thấy, việc khai thác hệ thống di tích lịch sử văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Trị đang được triển khai tích cực. Đề nghị ông cho biết khái quát về việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng gắn với công tác phát triển kinh tế du lịch hiện nay?

- Quảng Trị hiện có 501 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng các cấp với 4 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 28 điểm di tích thành phần), 20 di tích quốc gia (gồm 57 điểm di tích thành phần) và 477 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh...

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng mang tính độc đáo, riêng có đã được tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm, gắn với công tác phát triển kinh tế du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị di tích được các cấp, các ngành triển khai tích cực, đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 9/2/2021 về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí đầu tư hơn 43 tỉ đồng.

Tỉnh Quảng Trị đang quan tâm chỉ đạo nhiệm vụ lập quy hoạch, tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý đối với hệ thống di tích trên địa bàn, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia.

Du khách đến viếng thăm Di tích Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Đ.T
Du khách đến viếng thăm Di tích Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Đ.T
Các di tích sau khi được quy hoạch và hoàn thành hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý sẽ có công cụ hữu hiệu để quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát triển di tích hiệu quả hơn; tạo điều kiện thuận lợi để đề ra những định hướng đầu tư phát triển các hạng mục công trình tại các di tích nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, du lịch của đông đảo người dân, du khách, làm cơ sở cho các dự án đầu tư và kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Công tác phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch được tỉnh đặc biệt chú trọng khai thác. Hệ thống di tích sau khi được đầu tư tôn tạo, đưa vào sử dụng đã phát huy tốt giá trị, góp phần định hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của tỉnh như du lịch lịch sử cách mạng, du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, biển, đảo, mua sắm... Từng bước hình thành nhiều tuyến, địa bàn, khu du lịch trọng điểm tại các địa phương. Một số khu, điểm du lịch quan trọng của tỉnh cũng đã tạo được ấn tượng đối với du khách trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Bên cạnh các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, từ nghĩa cử tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hình thành nên một số lễ hội cách mạng độc đáo, tạo ra những sản phẩm tinh thần mới mang dấu ấn sâu đậm và sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống Nhân dân, tiêu biểu có Lễ hội tri ân các anh hùng liệt sĩ ở 2 Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Lễ hội Thống nhất non sông diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn...

Cùng với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, các lễ hội cách mạng đã chuyển hóa những giá trị tâm linh trở nên sinh động và đem lại nhận thức tươi mới, sự rung cảm sâu sắc về giá trị của hòa bình đối với mọi người, trong đó có đông đảo khách du lịch khi về với “đất thiêng Quảng Trị”.

- Để triển khai hiệu quả hơn nữa việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch của tỉnh, hướng tới Lễ hội Vì Hòa bình, thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?

- Có thể khẳng định, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đến nay hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn được đầu tư, tôn tạo, khai thác hiệu quả, từng bước trở thành các điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch của tỉnh, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, nâng cao tính bền vững, đồng thời phát huy giá trị to lớn của hệ thống di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 167/NQHĐND ngày 9/2/2021 của HĐND tỉnh “về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2025” và “Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”... để làm cơ sở thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”; “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hoà bình”, hướng tới Lễ hội Vì Hòa bình trong năm 2024.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh đến với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước. Đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Công tác xúc tiến quảng bá phải gắn với thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch.

Phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ theo hướng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch của tỉnh “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”; “Cửa ngõ du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây” kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản”, “Con đường Huyền thoại” của khu vực.

Đặc biệt, nêu bật ý nghĩa, tầm vóc Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Trị năm 2024 có quy mô, tầm cỡ quốc gia nhằm khẳng định khát vọng và giá trị của hòa bình, xây dựng thông điệp hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng; đồng thời là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Quảng Trị với người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Ba là, tập trung mọi nguồn lực, bao gồm nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để đầu tư thỏa đáng cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị các di tích, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc riêng của Quảng Trị, trên cơ sở đó tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trước mắt là khảo sát để chỉnh trang, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của các di tích lịch sử, các địa điểm tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất, năm 2024.

Bốn là, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử nổi bật nhằm tạo ra sự khác biệt, tăng tính hấp dẫn để thu hút du khách. Hiện nay, du lịch di sản đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế đất nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Đây không chỉ là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng lợi thế so sánh trong phát triển du lịch ở Quảng Trị mà còn là nguồn lực để xây dựng những điểm đến, những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, riêng có của Quảng Trị như: du lịch trải nghiệm văn hóa lịch sử, du lịch “về nguồn”, du lịch DMZ...

Vì vậy, cần tập trung nguồn lực để biến các di tích này thành những điểm đến du lịch thật sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời cần làm nổi bật, tạo sức thu hút, sự lan tỏa từ các di tích vốn rất nổi tiếng, riêng có của Quảng Trị như Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, hệ thống khai thác nước giếng cổ Gio An, các di tích: sân bay Tà Cơn, những địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn Hoàng ở Triệu Phong, Khu di tích Thành Tân Sở, Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở Cam Lộ...

Năm là, triển khai thực hiện liên doanh, liên kết trong đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác, phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch. Đồng thời tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi, hài hòa lợi ích trong mời gọi đầu tư, liên doanh, liên kết trong công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích và khai thác phát triển du lịch từ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Với những giải pháp đồng bộ cùng sự quan tâm đầu tư của trung ương, của tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, với sự chung tay ủng hộ đầu tư của các doanh nghiệp, các đơn vị, các tổ chức, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc, hy vọng hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Quảng Trị sẽ là những điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp

Nguyên Linh |

Quảng Trị đang mời gọi đầu tư du lịch, quảng bá thông tin, hình ảnh tới các hãng lữ hành, tiếp tục xây dựng các sản phẩm mô hình du lịch kết hợp với các di tích lịch sử và các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Lan tỏa rộng rãi hình ảnh Năm Du lịch quốc gia 2024

Thanh Giang |

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Cục đã có văn bản gửi tới Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố về việc tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2024.

Thái Lan quảng bá du lịch qua game

Đỗ Sinh |

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Sudawan Wangsupakijkosol mới đây cho biết các địa điểm du lịch nổi tiếng ở các tỉnh cấp hai của nước này sẽ được đề xuất làm bối cảnh trong trò chơi di động đình đám Ragnarok Origin của nhà phát triển game của Hàn Quốc Gravity.

Việt Nam tham gia Hội chợ Du lịch và Lữ hành lớn nhất khu vực Nam Á

PV |

Hội chợ Du lịch và Lữ hành Nam Á (SATTE) lần thứ 31 đã thu hút hơn 48.000 người tham dự, 1.800 đơn vị triển lãm.