La - pê, tục đẹp của người Vân Kiều

Minh Long |

Người Vân Kiều sinh sống ở dãy Trường Sơn hùng vĩ có nhiều phong tục đẹp, độc đáo. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, các phong tục ấy vẫn được đồng bào nơi đây gìn giữ và phát huy. Trong số đó, La - pê (tục cúng cầu may) là một tục điển hình mang đậm bản sắc văn hóa của người Vân Kiều. La - pê không chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc mà còn cầu cho vong linh những người đã khuất được siêu thoát ở bên kia thế giới.


Già làng Hồ Văn Đôn ở thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), có kinh nghiệm nhiều lần đứng ra làm chủ lễ cúng La - pê cho biết, theo tục lệ, cứ 5 năm 1 lần, các bản làng người Vân Kiều tổ chức cúng cầu may. Chủ lễ được ấn định là già làng vì có kinh nghiệm nhiều lần tham gia phục vụ lễ, nắm rõ các bước cúng...

La - pê có thể tổ chức vào bất cứ tháng nào trong năm. Già làng là người quyết định lên kế hoạch chọn ngày, tháng làm lễ. Lễ cúng được người dân trong làng chuẩn bị rất chu đáo từ địa điểm cúng, lễ vật, bài khấn đến các đồ lễ dâng cúng lên các vị thần linh. Khu rừng miếu của thôn thường được chọn làm địa điểm tổ chức lễ.

Một góc bình yên ở thôn Cù Bai - Ảnh: M.L
Một góc bình yên ở thôn Cù Bai - Ảnh: M.L

Thôn nào tổ chức lễ của thôn đó. Để lễ diễn ra thuận lợi, già làng phân công nhiệm vụ cho các gia đình, các gia đình phân công việc cho từng thành viên tham gia lễ. Lễ vật chính dâng cúng gồm 1 con trâu, 1 con lợn, 2 con gà và rượu trắng. Đặc biệt, người trong bản phải cùng nhau chuẩn bị hai ngôi nhà miếu, nơi diễn ra lễ.

Hai ngôi nhà miếu được thiết kế như ngôi nhà sàn thu nhỏ, làm bằng tre. Trong đó, một ngôi nhà miếu lớn hơn để thờ cúng thần núi, thần sông và các vị thần xung quanh; ngôi nhà miếu nhỏ hơn dùng để thờ cúng các vong linh đã khuất.

Sau khi chuẩn bị xong lễ vật thì ngay từ sáng sớm, người dân trong thôn tập trung tại khu rừng miếu để phát dọn sạch sẽ, chuẩn bị địa điểm cho lễ cúng. Lễ cúng thường bắt đầu vào buổi chiều gần tối và kéo dài cho đến sáng sớm hôm sau.

Tất cả các lễ cúng đều được tiến hành suốt đêm hôm đó rất bài bản. Thành phần tham dự lễ La- pê gồm có già làng, trưởng bản và đại diện tất cả các hộ dân trong làng. Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, trước sự chứng kiến của đại diện các gia đình, già làng dâng lễ vật lên trước 2 ngôi nhà miếu và đọc bài khấn các vị thần.
Những người lớn tuổi ở thôn Cù Bai tập trung bên hai ngôi nhà miếu, nơi diễn ra lễ La - pê - Ảnh: M.L
Những người lớn tuổi ở thôn Cù Bai tập trung bên hai ngôi nhà miếu, nơi diễn ra lễ La - pê - Ảnh: M.L

Nội dung chủ yếu cầu mong các vị thần cũng như vong linh đã khuất phù hộ, đem lại sự may mắn cho người dân trong làng như: không ai bị ốm đau, bệnh tật; sản xuất gặp thời tiết thuận lợi, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, không bị thú rừng phá hoại; các con vật nuôi phát triển tốt; gia đình nào cũng ấm no, hạnh phúc...

Sau khi làm các thủ tục cúng dâng các con vật hiến tế xong, người dân cả thôn tập trung mổ trâu, lợn, gà để chế biến thành các món ăn ngon... dọn lên mâm đem đến địa điểm làm lễ và tập trung cùng nhau ăn uống trò chuyện, hát ca vui vẻ thâu đêm.

Dịp này, bà con nơi đây sinh hoạt văn hóa văn nghệ truyền thống. Họ sử dụng các loại nhạc cụ như đàn tinh tung, khèn, đàn ta - plứa, những làn điệu tà oải và xà nớt cất lên trong đêm thanh giữa rừng núi hùng vĩ như muốn kể với các vị thần linh câu chuyện về sự mất mát, đau thương, nỗi buồn vui trong cuộc sống và cầu mong các vị thần phù hộ cho mọi người được bình an, nhà nhà ấm no, vui vẻ.

“Năm 2012, dân làng tín cử tôi làm già làng thôn Cù Bai. Đến nay, tôi chủ trì lễ cúng La - pê 2 lần. Đây là một lễ nghi rất quan trọng trong phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Hướng Lập, lưu truyền từ đời xa xưa đến nay. Lễ La - pê thể hiện tấm lòng thành của người dân bản đối với thần linh cũng như người đã khuất.

Mặc dù hiện nay xã hội phát triển, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh hưởng sự giao thoa văn hóa các vùng miền, bản sắc văn hóa phần nào mai một nhưng người Vân Kiều ở đây vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập, tập quán truyền thống và La - pê là một ví dụ điển hình. Những người lớn tuổi ở bản luôn nhắc nhở con cháu phải luôn biết ơn, biết quý những gì thế hệ đi trước xây dựng để mình có được như hôm nay.

Đồng thời, chúng tôi răn dạy con cháu phải chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc”, già làng Hồ Văn Đôn cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lễ hội Vì Hòa bình sẽ được khai mạc vào tối 6/7/2024

Mai Lâm |

Ngày 10/12, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”.

Khởi động mùa du lịch 2024 với điểm nhấn là Lễ hội Vì hòa bình

Đan Tâm |

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm, lễ hội ý nghĩa, trong đó nổi bật là kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2024), 35 năm lập lại tỉnh Quảng Trị 1/7 (1989-2024)... 

Nghĩ từ hai buổi lễ khởi công dự án

Lê Đức Dục |

Cũng vào tầm này, tròn bốn năm trước, ngày 22/11, tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, Công ty EGATi (Thái Lan) tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I với tổng công suất 1.320MW (công suất thô) gồm 2 tổ máy. Một dự án lớn được đầu tư trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn như Quảng Trị hẳn là một tín hiệu vui (!?). Vậy nhưng cuối cùng dự án này đã bị dừng lại.

Điều kiện tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình sử dụng ngân sách nhà nước

H.L |

Ngày 8/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 27/2023/QĐ-TTg quy định về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình.