Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm, lễ hội ý nghĩa, trong đó nổi bật là kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2024), 35 năm lập lại tỉnh Quảng Trị 1/7 (1989-2024)...
Mùa du lịch năm 2024 cũng đang có bước khởi động tích cực, làm nổi bật các hoạt động kỷ niệm quan trọng của quê hương, đất nước mà điểm nhấn là một trong những sự kiện được mong chờ nhất trong năm 2024: khai mạc Lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất.
Để tạo được bước phát triển vững chắc, sôi động sau thời gian trầm lắng bởi COVID-19, ngày 6/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Mở hướng để ngành du lịch phát triển có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của du lịch Quảng Trị để tổ chức thực hiện phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong năm 2024, ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết, năm 2024, trung tâm tiếp tục quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư vào khai thác, phát triển tour du lịch mới của tỉnh, trong đó có tour cà phê Khe Sanh. Thúc đẩy hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hướng Hóa. Xúc tiến mời gọi, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, có thương hiệu đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh đã được quy hoạch.
Tập trung quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, từng bước hình thành Khu du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - đảo Cồn Cỏ. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, xu thế hội nhập và khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù, khác biệt của Quảng Trị. Tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên gắn với khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Đặc biệt, việc tổ chức các sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch diễn ra trên địa bàn tỉnh năm 2024 sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách về với Quảng Trị, trong đó có điểm nhấn là khai mạc Lễ hội Vì hòa bình gắn với những lễ hội nổi tiếng từng tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách gần xa.
Qua đó, xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến của du lịch Quảng Trị là: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”; “Cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây” kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
Đồng thời phát triển, xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh: du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng; du lịch biển, đảo; du lịch văn hoá - tâm linh; du lịch biên mậu, thương mại và công vụ; du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch khác có lợi thế như du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực...
Trong kế hoạch đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.
Triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.
Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Quảng Trị gắn với tăng cường quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch. Hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp du lịch uy tín, có thương hiệu mở các tour, tuyến du lịch tới các khu, điểm du lịch trong tỉnh.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mở rộng thị trường, gắn kết các khu, điểm du lịch trong tỉnh vào các tour, tuyến du lịch của các tỉnh bạn.
Tỉnh sẽ tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ để sớm được công nhận là khu du lịch quốc gia, tạo động lực phát triển cho du lịch tỉnh; hạ tầng khu du lịch Brai - Tà Puồng; hồ Khe Sanh, hồ Tân Độ; khu du lịch Klu;...
Tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nâng tầm, nâng cấp tương xứng với tầm vóc giá trị lịch sử các di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, hai Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Trường Sơn, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An, Hệ thống di tích Chúa Tiên Nguyễn Hoàng; xây dựng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Cung đường Hòa Bình.
Triển khai thực hiện chủ trương liên kết theo mô hình đối tác công - tư và hợp tác liên kết để khai thác hiệu quả các thiết chế, giá trị di sản văn hóa vừa đảm bảo tính bảo tồn vừa mang lại hiệu quả kinh tế, phục vụ khách du lịch.
Tỉnh cũng khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp Thương mại chợ Đông Hà ven sông Hiếu; xây dựng các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại các đô thị, khu du lịch trọng điểm để phục vụ khách du lịch.
Triển khai thực hiện các chương trình, đề án thúc đẩy phát triển kinh tế đêm và kinh tế chia sẻ trong hoạt động du lịch.
Tích cực tranh thủ các nguồn vốn hợp pháp để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, trước mắt triển khai có hiệu quả dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch 4 hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng - giai đoạn II”, tiểu dự án tại Quảng Trị.
Phối hợp Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, 5 tỉnh trong cụm liên kết, các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, nhất là các thị trường trọng điểm. Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn về xúc tiến đầu tư du lịch. Mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố nhằm thu hút đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch; đồng thời giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện Kế hoạch số 203/KH-UBND đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)