Từ cánh sen Thành Cổ...

Phạm Xuân Dũng |

Nhắc đến hoa sen, nhiều người liên tưởng đến làng Kim Liên, tục gọi là làng Sen xứ Nghệ, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vùng quê này trồng rất nhiều sen, thường khoe sắc đua hương cho người dân quê và đặc biệt cho du khách gần xa thưởng ngoạn. Hoa sen được nhiều người chọn và đề cử là Quốc hoa Việt Nam.

Thành Cổ Quảng Trị lại thường gợi đến cỏ, đặc biệt là có non, có lẽ ám ánh từ bài hát rất hay, thổn thức cả nỗi niềm và xúc động tận tâm can của nhạc sĩ Tân Huyền “Cỏ non Thành Cổ”. Nhưng nếu để ý một chút thì sẽ thấy sen được trồng khá nhiều, đặc biệt là hai bên hồ nước cổng vào thành. Đây là loài sen trắng, một giống sen quý, lặng lẽ, thanh khiết trong không gian tưởng niệm thiêng liêng và bi tráng. Sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính còn gọi là bồ đề tâm, hoa có tám cánh theo quan niệm Phật giáo đó chính là Bát chánh đạo.

Dịp tháng Tư, về với Thành Cổ sẽ thấy lòng lắng lại khi ngắm nhìn hoa sen nơi đây và cảm nghiệm sâu hơn những câu chuyện chiến tranh và hòa bình. Mặc dù không phải là một địa phương nổi tiếng với hoa sen nhưng nhiều làng quê trên đất Quảng Trị cũng có những hồ sen đẹp và ấn tượng như Phương Sơn, Vệ Nghĩa (Triệu Phong) hay Trường Phước, Lương Điền (Hải Lăng)... Trong vài dịp chuyện trò với họa sĩ Trương Đình Dung ở thành phố Đông Hà, anh cũng bày tỏ tình yêu đối với hoa sen và để tâm sáng tác nhiều họa phẩm có giá trị mỹ thuật về loài hoa đặc biệt này. Còn cố họa sĩ Võ Xuân Huy có bức tranh sen đỏ cũng rất ấn tượng. Sen đỏ là biểu tượng cho trái tim sơ khai, là loài hoa của Quan Thế Âm. Còn nhớ cách đây ít năm, ở huyện Gio Linh, Giáo hội Phật giáo tổ chức lớp tu học lấy tên “Hương sen mùa hạ”. Biết đâu có thể mai này sen trở thành biểu tượng của Thành Cổ Quảng Trị thì cũng là vạn sự tùy duyên, thuận nước đẩy thuyền...

-Minh họa: DUY LÊ
-Minh họa: DUY LÊ
Hoa sen với nhà Phật có một vị trí đặc biệt quan trọng. Người tu hành được ví với hoa sen, Đức Phật ngự tòa sen, sen được trồng trong các ao, hồ của chùa. Hình tượng sen có mặt thường xuyên và trang trọng trong các tác phẩm hội họa và điêu khắc chốn thiền môn. Trong lịch sử hàng ngàn năm phong kiến, hoa sen chiếm lĩnh suốt chiều dài của mỹ thuật, đặc biệt với các công trình Phật giáo. Chùa Một Cột ở Hà Nội cũng là hình tượng hoa sen mọc gữa hồ. Người Việt hầu như quen thuộc với bài ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng, bông trắng, lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ba câu trước là tả thực, câu cuối đề cao tính vô nhiễm của hoa sen, còn tượng trưng cho đức tính của người quân tử và bậc tu hành. Riêng câu cuối, nhà thơ Phùng Quán đã nổi giận vì cho rằng đó là câu thơ bội bạc, phản trắc trong văn học dân gian vì nói vậy là vô ơn với bùn lầy... Kể thêm như vậy để tham khảo một cách “phản biện văn học dân gian” của một thi sĩ cuộc đời chìm nổi.

“Lưỡng quốc trạng nguyên” được xem là danh xưng của danh sĩ Mạc Đĩnh Chi. Tương truyền ông có dung mạo xấu xí, khó nhìn nên khi đỗ đạt trạng nguyên năm 1304 vào triều bệ kiến thì mắt rồng của vua có vẻ không vừa ý. Thấy vậy, ông bèn sáng tác bài phú, cũng là một kiệt tác để đời “Ngọc tỉnh liên”, nghĩa là “Hoa sen giếng ngọc” để ngợi ca một loài hoa quý, cũng là để tỏ rõ cốt cách và sở nguyện của mình.

Vua Trần Anh Tông đọc ngộ ra, cảm phục tài đức của vị tân khoa trạng nguyên mà tin dùng. Lại có người nói do ông từng là môn khách của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, sau cam tâm làm tay sai cho giặc nên nhà vua lúc đầu gặp Mạc Đĩnh Chi có lẽ còn nghi ngại đôi phần. Dù vì điều gì mà kết thúc có hậu khi nhân tài thực sự được trọng dụng cũng là điều hồng phúc cho đất nước và cho cả hiền tài.

Một bài hát dài, có lẽ thời lượng nhiều nhất trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn, khoảng 14 phút, đó là “Đóa hoa vô thường”. Bài hát này có hơi hướng một trường ca, hơn thế một thiền ca. Trong đó có một đoản khúc sen được thăng hoa trong tâm cảm chứa chan nghịch lý khi hòa quyện chất thiền trong tình yêu đôi lứa, một trong những thú vị đặc biệt của nhạc Trịnh: “Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở/ Một thuở yêu nhau, có vui cùng sầu /Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào/ Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh/ Sen buồn một mình/Em buồn đền trọn mối tình”.

Sen còn có mặt trong văn hóa ẩm thực. Sen hồ Tịnh Tâm nghe nói được ướp trà cho nhà vua ngự ẩm. Xứ Huế cố đô nức tiếng với trà sen, chè sen. Ở miền Bắc, bà con gói cốm vào lá sen tạo nên phong vị riêng không dễ nơi nào có được. Sen còn là một thứ thuốc quý trong Đông y. Danh y Hải Thượng Lãn Ông từng khẳng định: “Cây sen đượm khí thơm trong lành của trời đất nên củ, lá, hoa, tua, vỏ, quả, ruột đều là vị thuốc”. Chỉ riêng lá sen đã có công dụng chữa hơn mười bệnh, như giảm béo, an thần, chống choáng phản vệ...

Cũng là góp nhặt và tản mạn đôi điều về sen, mong hầu chuyện bạn đọc khi người xem có vài phút rảnh rỗi trong mỗi tiết trời Xuân, Hạ, Thu, Đông...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Linh thiêng Thành cổ Quảng Trị

Đỗ Xuân |

Những ngày cuối tháng tư, về dự Hội thảo Báo Đảng các tỉnh miền Trung và Tây nguyên do Báo Quảng Trị đăng cai tổ chức, chúng tôi có dịp viếng và dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972 viết lên bản tráng ca hào hùng đẫm máu và hoa, tô thắm thêm trang sử vàng bất khuất của dân tộc.

Du lịch đêm với Thành Cổ

Trúc Phương |

Tuy mới tổ chức trong thời gian ngắn nhưng Tour du lịch đêm tại thị xã Quảng Trị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch khi đến với vùng “đất thiêng” Quảng Trị. Bởi không chỉ đem lại những trải nghiệm ý nghĩa cho du khách mà thực sự là sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị và vùng lân cận

Hoài Nhung |

Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, chiều nay 5/1, tại thị xã Quảng Trị, Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 toàn quốc phối hợp với Liên chi hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Quảng Trị tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, Nhà hành lễ- Bến thả hoa bờ Bắc và bờ Nam sông Thạch Hãn; thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Đồng ý đầu tư 2 dự án tại khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải

P.V |

Đồng ý về mặt nguyên tắc chủ trương đầu tư đối với 2 dự án: “Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị”; dự án “Công viên thống nhất tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, tỉnh Quảng Trị” - đó là kết luận do UVTƯ Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng thay mặt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa mới ký ban hành sau khi Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế- xã hội.