Linh thiêng Thành cổ Quảng Trị

Đỗ Xuân |

Những ngày cuối tháng tư, về dự Hội thảo Báo Đảng các tỉnh miền Trung và Tây nguyên do Báo Quảng Trị đăng cai tổ chức, chúng tôi có dịp viếng và dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972 viết lên bản tráng ca hào hùng đẫm máu và hoa, tô thắm thêm trang sử vàng bất khuất của dân tộc.

Được chứng kiến những kỷ vật thời chiến, được hòa mình vào các hoạt động thắm đượm nghĩa tình đồng chí, đồng nghiệp, được khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tưởng nhớ những người con ưu tú hóa thân vào đất mẹ miền Trung cho Tổ quốc hồi sinh, cho dân tộc trường tồn và đất nước trọn vẹn niềm vui độc lập.

Đã nhiều lần đến Quảng Trị, nhưng lần này chúng tôi thật may mắn khi được đến thăm địa chỉ đỏ - Thành Cổ Quảng Trị đúng vào dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng hành trình ý nghĩa, người bạn đồng nghiệp ở Báo Quảng Trị nói nhỏ với chúng tôi: Vùng đất lửa Quảng Trị có nhiều nghĩa trang liệt sỹ nhất, và trong 72 nghĩa trang liệt sỹ ấy có đến 2 nghĩa trang không có bia mộ là Thành cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn.

Chen lấp niềm háo hức được khám phá một địa danh lịch sử là những khoảnh khắc tĩnh lặng trong tim với tấm lòng thành kính của các nhà báo cơ quan báo Đảng đến thăm Thành cổ về những người con ưu tú anh dũng chiến đấu, ngã xuống mảnh đất này để đổi lấy hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước...

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Đảng các tỉnh, thành phố trong cả nước tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Đảng các tỉnh, thành phố trong cả nước tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị.
Như một sự tri ân, xe đi đến cầu Thành cổ, các thành viên trên xe đồng loạt hạ kính cửa ô tô với mong muốn nhìn thật rõ dòng sông Thạch Hãn đầy máu và hoa, lặng lẽ phía bờ xa là Thành cổ. “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

Cô bạn đồng nghiệp đọc khẽ mấy câu thơ với niềm xúc cảm, rưng rưng nơi khóe mắt. Chúng tôi cứ lặng lẽ với lòng thành kính trào dâng trong lồng ngực cho đến khi xe dừng trước lối dẫn vào Thành.Hướng dẫn viên Trần Thị Phương Lan, Phó Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị truyền tải đến du khách một cách chân thực về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm tại đây, khiến nhiều người không ngăn được sự xúc động. Với giọng trầm buồn, chị chậm giãi kể: Thời gian đó, quân Mỹ quyết giành lấy Quảng Trị, chúng đem bom đạn ném xuống khu vực này.

Bọn chúng tuyên bố: “Đồng minh sẽ sử dụng tối đa hỏa lực không quân và pháo binh để nghiền nát Cổ thành Quảng Trị”. Từ ngày 27-6 đến 16-9-1972, Mỹ-ngụy huy động mỗi ngày hơn 300 máy bay, trong đó có hơn 100 pháo đài bay B52 và 20 tuần dương hạm để dội xuống thành cổ 328.000 tấn bom đạn với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945. Trong lịch sử chiến tranh, hầu như chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ là đánh chiếm một tòa nhà cổ có chu vi hơn 2.000m mà huy động một lực lượng hải quân, lục quân, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.

Chính vì vậy, Thành cổ Quảng Trị mở đầu trang sử mới hào hùng của mình bằng một cuộc chiến đấu anh dũng qua 81 ngày đêm rung chuyển cả nước và toàn cầu. Vậy mà các chiến sĩ giải phóng quân bám trụ, chiến đấu hàng tháng trời để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của thành cổ vừa được giải phóng. Trong 1 ngày, các chiến sĩ phải đánh địch phản kích từ 5 đến 7 lần, có khi hơn 10 lần. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại.

Đoàn cán bộ, phóng viên các báo Đảng địa phương trong cả nước tri ân các anh hùng liệt sỹ bên dòng sông Thạch Hãn.
Đoàn cán bộ, phóng viên các báo Đảng địa phương trong cả nước tri ân các anh hùng liệt sỹ bên dòng sông Thạch Hãn.
Một con số ước tính rằng, trong 81 ngày đêm ấy, mỗi ngày có 1 đại đội bơi qua sông Thạch Hãn và mỗi ngày có 1 đại đội không quay về nữa. Lớp trước ngã xuống, lớp sau xông lên! Nhưng trước khi ngã xuống đất này, các anh kịp để lại cho non sông một vòng hoa chiến thắng được kết bằng lửa và máu. Mỗi tấc đất ở đây, ngoài vùi xác quân địch, còn có hàng trăm, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc nằm xuống, xương máu của các anh đã quyện vào đất thiêng Thành Cổ, hòa vào đáy sông Thạch Hãn để ngàn đời sau vẫn mãi khắc ghi.

Mỗi nắm đất thành cổ là từng ấy câu chuyện khiến người đời xúc động! Họ là những người chỉ huy, là những chiến binh dũng cảm, là cô du kích giao liên, là mẹ lái đò đưa bộ đội qua sông, là những phóng viên cảm tử và đồng bào của Quảng Trị và cả nước. Có ai biết rằng, dưới lớp cỏ non Thành cổ là nơi bao chiến sĩ đã ngã xuống…

Khi nghe thuyết minh viên Trần Thị Phương Lan, đọc bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình viết cho mẹ và vợ mới cưới được 6 ngày trước khi anh vào chiến đấu ở Quảng Trị. Như biết chắc rồi đây mình sẽ hy sinh, anh bình thản làm một tấm bia ghi rõ họ tên, quê quán, ngày, tháng, năm sinh và viết thư vĩnh biệt gửi về gia đình với lời lẽ rắn rỏi động viên mọi người. Không ít giọt nước mắt cảm phục lặng chảy trên bao khuôn mặt của những người làm báo Đảng địa phương.

Chánh Văn phòng Báo Hà Nội Mới Trần Xuân Thung chia sẻ: “Là một cựu chiến binh, cũng là một người làm báo, hôm nay tôi rất xúc động khi được đến thăm Thành cổ, sông Thạch Hãn. Đây là những cái tên quen thuộc đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam. Đặc biệt hơn, vào những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi càng cảm thấy thiêng liêng, tự hào bởi chúng tôi được về với Quảng Trị, về nơi một thời hoa lửa để tri ân sâu sắc sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập tự do của Tổ quốc”.Thành cổ Quảng Trị tiễn chúng tôi với những xúc cảm còn nguyên vẹn.

Mỗi chúng tôi - những người làm báo Đảng Bắc Ninh càng thấm thía hơn những hy sinh, mất mát của một thế hệ những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong lòng mỗi người đều thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi đầy ý nghĩa này. Chúng tôi càng phải ý thức hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước, quê hương, không ngừng trau dồi rèn luyện, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ đi trước để chúng tôi có được ngày hôm nay.

Quảng Trị, ngày 25-4-2023

 (Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Du lịch đêm với Thành Cổ

Trúc Phương |

Tuy mới tổ chức trong thời gian ngắn nhưng Tour du lịch đêm tại thị xã Quảng Trị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch khi đến với vùng “đất thiêng” Quảng Trị. Bởi không chỉ đem lại những trải nghiệm ý nghĩa cho du khách mà thực sự là sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị và vùng lân cận

Hoài Nhung |

Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, chiều nay 5/1, tại thị xã Quảng Trị, Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 toàn quốc phối hợp với Liên chi hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Quảng Trị tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, Nhà hành lễ- Bến thả hoa bờ Bắc và bờ Nam sông Thạch Hãn; thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Đồng ý đầu tư 2 dự án tại khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải

P.V |

Đồng ý về mặt nguyên tắc chủ trương đầu tư đối với 2 dự án: “Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị”; dự án “Công viên thống nhất tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, tỉnh Quảng Trị” - đó là kết luận do UVTƯ Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng thay mặt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa mới ký ban hành sau khi Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế- xã hội.

Thưởng lãm di sản Thành cổ Sơn Tây từ khinh khí cầu

PV |

Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội( và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Sơn Tây 2022 tại Sân vận động thị xã, nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập Thành cổ Sơn Tây.