Cũng vào tầm này, tròn bốn năm trước, ngày 22/11, tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, Công ty EGATi (Thái Lan) tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I với tổng công suất 1.320MW (công suất thô) gồm 2 tổ máy. Một dự án lớn được đầu tư trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn như Quảng Trị hẳn là một tín hiệu vui (!?). Vậy nhưng cuối cùng dự án này đã bị dừng lại.
Thời điểm đó, các thông tin báo chí đưa ra trên cơ sở báo cáo của nhà đầu tư rất khả quan: dự án có tổng mức đầu tư 55.093 tỉ đồng (lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay), góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy chương trình phát triển năng lượng của địa phương, phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng tại miền Trung.
Dự án cũng đã được Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi với nội dung và quy mô xây dựng sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn - công nghệ tiên tiến hiện đại nhất hiện nay, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Khi đi vào hoạt động sẽ có thời gian phát điện 6.000h/năm, sản lượng điện 7.200 tỉ Kwh/năm, doanh thu trước thuế khoảng 12.500 tỉ đồng/năm, dự kiến nộp ngân sách tỉnh 1.250 tỉ đồng/năm (chưa tính các loại thuế và phí khác).
Là một công dân Quảng Trị, nghe những số liệu “màu hồng” như thế sao lại không vui? Nhưng quả thực rất khó để vui bởi cho dù nhà đầu tư báo cáo sử dụng “công nghệ siêu tới hạn” vì nhìn vào bức tranh nhiệt điện thế giới có thể thấy ô nhiễm từ các nhà máy này ở mức kinh khủng. Vậy việc xây dựng một nhà máy quy mô lên tới hàng tỉ đô như thế liệu môi trường của Quảng Trị sẽ ra sao? Đó là chưa nói khu vực này giáp ranh với Thừa Thiên Huế, hàng vạn cư dân duyên hải tỉnh bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. May mắn đúng ra phải nói là quá may mắn khi dự án này đã bị hủy bỏ sau đó.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - Thái Lan lần thứ 2 (tháng 10/2022) được tổ chức tại Thái Lan, trên cơ sở đánh giá các yếu tố khó khăn trong việc thu xếp các nguồn vốn và cam kết đạt giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của hai Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Lan đã xác nhận dừng phát triển dự án và sau đó có văn bản chính thức gửi Bộ Công thương Việt Nam và tỉnh Quảng Trị.
Khép lại một dự án tỉ đô nhưng lòng dân vô cùng hoan hỉ. Bốn năm sau lễ khởi công ấy, Quảng Trị đang chuẩn bị khởi công một dự án mới và lần này không thể không kỳ vọng. Đó là dự án Khu công nghiệp Quảng Trị do do Liên minh các nhà đầu tư: Công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP JV), Công ty Cổ phần đô thị Amata Biên Hoà (thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản thực hiện, địa điểm thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng).
Nhìn vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có VSIP trong cả nước dễ dàng hình dung ra bức tranh tương lai của chúng ta. Doanh nghiệp này khởi công khu công nghiệp đầu tiên VSIP I tại Bình Dương, sau đó mở rộng ra VSIP II và VSIP III. Tại phía Bắc, công ty đã xây dựng khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng và Hải Dương. Thương hiệu VSIP cũng có mặt tại miền Trung với các tỉnh Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Trị và Bình Định.
Tính đến nay, theo VSIP công bố các khu công nghiệp của họ đang thu hút khoảng 880 khách hàng từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư nước ngoài 18 tỉ USD. Các dự án tạo ra 300.000 việc làm. Những tín hiệu tích cực đó khiến chúng ta có cơ sở để hy vọng dự án được thực hiện tại Quảng Trị sẽ tạo thêm cực tăng trưởng kinh tế và động lực quan trọng để thu hút đầu tư không chỉ vào Khu công nghiệp Quảng Trị mà cả Khu kinh tế Đông Nam và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn đến với Quảng Trị trong thời gian tới.
Cũng vùng đất ấy, cũng những dự án đầu tư, nhưng dự án khiến người dân lo âu đã được hủy bỏ. Dự án khiến lòng dân hoan hỉ được chuẩn bị triển khai. Trong tâm thức người Việt, có một khái niệm gọi là “phước phần”. Hủy bỏ dự án tỉ đô vì những mối đe dọa ô nhiễm môi trường, đồng thời chuẩn bị khởi công một dự án đầy kỳ vọng như trên, hẳn đó đều là “phước phần”...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)