Làm lúa “một chạm” ở Gio Quang

Đào Tâm Thanh |

Từ một địa bàn khô khát nổi tiếng trong nhiều thập kỷ, hơn 30 năm qua, vùng đồng bằng huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã được hưởng lợi từ các công trình thuỷ lợi lớn như Trúc Kinh, Hà Thượng, Kinh Môn nên các địa phương đã cơ bản chủ động được nguồn nước tưới để hình thành những cánh đồng lớn dọc tuyến đường xuyên Á bên cạnh vùng trọng điểm lúa dưới chân Dốc Miếu. Các địa phương đã tập trung xây dựng nền sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra những cánh đồng có quy mô sản xuất tập trung, chuyên canh, có khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Xã Gio Quang là một địa phương như thế.

Giá trị cũ, tư duy mới

Cuối năm 2020, chúng tôi đi dọc theo con đường xuyên Á, tìm về Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Quang Hạ- Gio Quang. Hai bên đường, những cánh đồng vẫn đang giữ được nét yên ả sau nhiều trận lũ lớn nhưng cơ hồ như chỉ chờ một năng lượng giải tỏa sẽ bật mình trỗi dậy, sửa soạn tiếp những mùa màng. Người bạn đồng hành với tôi là một chuyên gia dày dạn về kỹ thuật trồng lúa nhìn thoáng ra cánh đồng đang lồng lộng gió trời và chia sẻ, nhìn màu đất ruộng Gio Quang, phải thay câu “phi nông bất ổn” bằng câu “phi nông bất phú”, người trồng lúa nơi đây chỉ giàu trở lên chứ cam đoan là không thể khó nghèo mãi rồi…

Đóng gói gạo Gio Quang để xuất bán ra thị trường -Ảnh: M.Đ​
Đóng gói gạo Gio Quang để xuất bán ra thị trường -Ảnh: M.Đ​

Ông Trần Văn Kinh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Hạ - Gio Quang tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang nằm bên tuyến đường xuyên Á xuôi về Cửa Việt. Qua chuyện trò, chúng tôi được biết, thì ra HTX được thành lập khá sớm, từ năm 2004; năm 2016 được chuyển đổi theo Luật HTX 2012; năm 2018 được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là HTX kiểu mới. Toàn HTX có 115 hộ, 150 lao động, quản lý 91 ha chuyên sản xuất lúa và 20 ha chuyên cây màu, 102 ha rừng trồng và tự nhiên. HTX có 82 thành viên, tổng số vốn 3,5 tỉ đồng, trong đó vốn hoạt động kinh doanh là 1,2 tỉ đồng.

Lý do mà chúng tôi muốn gặp ông Trần Văn Kinh vẫn là tìm hiểu quá trình xây dựng thương hiệu “Gạo Gio Quang” và khơi thông đầu ra cho sản phẩm gạo này như thế nào. Ông Kinh cho biết, định hướng chiến lược của HTX là kinh doanh dịch vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo là chủ lực. Năm 2018, HTX chủ động tập trung phát triển sản xuất lúa gạo để hướng tới 2 mục tiêu: xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Gio Quang” và cung ứng gạo cho Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị. Năm 2018, HTX vừa tổ chức sản xuất lúa chất lượng, vừa tổ chức thu mua lúa tươi ngay đầu vụ tại đồng ruộng để đưa về sấy và mua lúa khô nhập kho để chủ động việc xay xát, đảm bảo có gạo chất lượng bán ra thị trường, đồng thời HTX cung ứng cho Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị 50 tấn gạo, đến năm 2019 cung ứng 20 tấn gạo. Về xây dựng thương hiệu “Gạo Gio Quang”, được HTX tiến hành xây dựng vào năm 2018, đến năm 2019, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn mác tập thể. Hiện nay HTX đã đóng bao bì gạo, có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và bày bán, tiêu thụ tại các đại lý trong huyện và thành phố Đông Hà. Năm 2018 HTX được đầu tư xây dựng dây chuyền xay xát công nghệ cao trị giá 150 triệu đồng, một nhà kho 70 m2 trị giá 260 triệu đồng. Năm 2019 được Liên minh HTX Việt Nam đầu tư một máy sấy lúa công suất 10 tấn/mẻ, trị giá 320 triệu đồng. Tất cả sự đầu tư này đã tạo thêm thuận lợi để “Gạo Gio Quang” tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Là người trực tiếp chỉ đạo mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông Kinh chia sẻ, trên đồng ruộng ở các địa phương khác cũng như tại Gio Quang, từ trước đến nay đất dần bị chai cứng vì bón phân vô cơ thiếu kiểm soát, các loại vi sinh vật có lợi trong đất dần bị tiêu diệt, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tác động không tốt đến sản phẩm nông nghiệp cũng như môi trường sinh thái. Vụ hè thu năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên diện tích 10 ha. Năng suất của mô hình đạt 50 tạ/ha, sản lượng 50 tấn. 50 tấn lúa này qua xay xát được khoảng 30 tấn gạo, HTX mua hết cho dân để tìm hướng tiêu thụ. Đây là hình thức sản xuất lúa được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và tiến bộ kỹ thuật từ khâu làm đất đến thu hoạch. Để triển khai mô hình, các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt những kỹ thuật cần áp dụng, tham gia ủ và sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm Trichoderma để bón cho ruộng lúa. Gieo bằng công cụ sạ hàng, sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho lúa, kích thích bộ rễ lúa phát triển tối đa, chống đổ ngã. Nếu xuất hiện sâu bệnh thì nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng, trừ, cùng với chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa qua từng thời kỳ. Quá trình chăm sóc cây lúa không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các chất kích thích sinh trưởng. Thực ra, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là làm lúa theo cách phát huy những giá trị canh tác cũ, thân thiện với môi trường bằng tư duy mới, phù hợp với cơ chế thị trường và xu thế phát triển nông nghiệp sạch hiện nay. Đó là một cuộc thay đổi về nhận thức rất quan trọng trong phương thức canh tác của người dân đối với sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

“Một chạm” để không tụt hậu

Theo cảm nhận của chúng tôi, ông Lê Văn Thông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gio Quang là một người rất am tường về tình hình địa phương, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Khi chúng tôi đặt vấn đề rằng, so với các xã trong tỉnh, Gio Quang chưa phải là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển cây lúa, nhưng đã đạt được những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp khá ấn tượng, ông Thông “phản biện” ngay: “Thuận lợi nhiều chứ anh. Là xã thuộc vùng trọng điểm lúa của huyện Gio Linh, Đảng bộ, chính quyền xã Gio Quang luôn xác định, bên cạnh phát huy lợi thế của một địa phương có nhiều tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia, của tỉnh, huyện đi qua; có Khu công nghiệp Quán Ngang, thuận lợi để thúc đẩy ngành nghề thương mại, dịch vụ, thì việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp trên nền tảng nâng cao trình độ, kỹ năng thâm canh cho người nông dân là thế mạnh để phát triển toàn diện nền kinh tế của địa phương”.

Chúng tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi biết tổng diện tích gieo trồng lúa của xã Gio Quang năm 2020 là 885,4 ha, trong đó lúa chất lượng cao 714,8 ha, chiếm 80,73%. Năng suất lúa đạt 58,5 tạ/ha, sản lượng 5.179,6 tấn. Nhưng có thể nói, dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp ở Gio Quang là cùng với việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, địa phương đã tập trung đẩy mạnh, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay toàn xã có 220 máy nông nghiệp các loại, trong đó có 20 máy gặt đập liên hợp công suất lớn, vừa phục vụ thu hoạch tại địa phương, vừa vươn ra làm dịch vụ thu hoạch ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, đem lại nguồn thu mỗi máy từ 250-300 triệu đồng/năm. Việc tích cực áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đã giải phóng sức lao động cho nông dân, chủ động hoàn toàn về khâu làm đất đến thu hoạch, đảm bảo sản xuất đúng lịch thời vụ, khai thác hết diện tích gieo trồng. Từ những kết quả đó đã góp phần làm cho giá trị sản xuất nông nghiệp của xã hằng năm tăng 7,12%.

Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở xã Gio Quang là đã nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu từ 8 ha năm 2015 lên 280 ha như hiện nay. Có nhiều giống lúa mới được nhân rộng, đưa vào sản xuất đại trà. Việc áp dụng hình thức gieo sạ hàng và bón phân cân đối từ 10% diện tích trước đây tăng lên 80% hiện nay. Từ con số không, đến nay Gio Quang đã sản xuất lúa hữu cơ 3 vụ với diện tích 60 ha; đã xây dựng được thương hiệu gạo Gio Quang, tiến hành in ấn bao bì, giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Đã tiến hành liên doanh, liên kết tiêu thụ gạo Gio Quang với Nhà máy Bia Hà Nội- Quảng Trị, các nhà máy ở Khu công nghiệp Quán Ngang và một số đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục mạch “phản biện” rất rốt ráo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gio Quang Lê Văn Thông cho rằng, để phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao, hiệu quả, không để bị tụt hậu với thị trường, thời cuộc, người lãnh đạo, quản lý phải “kích hoạt” cho được tư duy “một chạm”, sự thích ứng, nhanh nhạy, hiệu quả từ bản thân của người trồng lúa. Hiện nay người nông dân vẫn còn tư tưởng bảo thủ, ưa chuộng sản xuất theo tập quán cũ, thủ công, tự do, dễ canh tác, còn e ngại, chưa muốn nhọc công áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy cần tăng cường công tác đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất canh tác mới thông qua các mô hình trình diễn, các hội nghị đầu bờ nhằm giúp cho nông dân có điều kiện “mắt thấy, tai nghe”, có thêm kiến thức, mạnh dạn sản xuất theo hướng an toàn, bền vững…

Theo ông Thông, với điều kiện khó khăn về nguồn lực tài chính của huyện Gio Linh, mỗi năm huyện nên chọn từ 1-2 xã ở mỗi vùng theo loại cây, con chủ lực để đầu tư các mô hình sản xuất, canh tác có chất lượng, gắn với quảng bá, bao tiêu sản phẩm. Đối với lúa gạo là cây trồng chủ lực của huyện, hiện nay đã được công nhận thương hiệu; một số mô hình lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương. Việc cần làm là từng bước mở rộng hoạt động thương mại dịch vụ nhằm tăng khả năng giới thiệu, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tình trạng được mùa mất giá hoặc sản phẩm không tiêu thụ được làm cho nông dân không yên tâm khi đầu tư sản xuất, nhất là sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ. Muốn khắc phục được điều này, vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp là hết sức quan trọng. Hiện toàn huyện Gio Linh có 5 HTX dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, trong đó xã Gio Quang đã có 2 HTX. Mặc dù các HTX đã chuyển đổi và được công nhận là HTX kiểu mới nhưng hoạt động cũng chưa mấy thuận lợi, nhất là vấn đề về nhân lực, khả năng tiếp cận các nguồn vốn, liên doanh, liên kết đang là những “mắt xích” cần được sự “gia cố”, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển, do đó phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tri thức là một xu thế tất yếu. Quá trình phát triển nông nghiệp ở Gio Quang đã cho chúng ta thấy một ví dụ về sự nỗ lực vươn lên từ trong khó khăn để không bị tụt hậu, rất đáng ghi nhận.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Truyền thông Thái Lan ấn tượng với chiến lược gạo của Việt Nam

Ngọc Quang |

Bài viết đăng trên tờ Bangkok Post cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt để tận dụng những cơ hội này và đây là kết quả tích cực có được nhờ luôn nỗ lực cải thiện chất lượng và chủng loại gạo.

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2021

PV |

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước này đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2021, cao hơn 5% so với năm 2020.

Thái Lan dự báo triển vọng xuất khẩu gạo vẫn ảm đạm trong năm 2021

Ngọc Quang |

Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2021 vẫn ảm đạm với mức tốt nhất chỉ là 6,5 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức ước tính 5,8 triệu tấn với giá trị từ 110-120 tỷ baht (3,65-3,98 tỷ USD) trong năm 2020.

Gạo - mũi nhọn của ngành nông nghiệp năm 2021

Nguyễn Văn Lợi |

Dự báo năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục chiếm ngôi vị số 1 thế giới, giá gạo Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức cao.