Được gìn giữ, trao truyền qua bao thế hệ như “báu vật” về tinh thần, lễ hội A Da (Mừng lúa mới) là dịp thể hiện lòng biết ơn và mong cầu mùa vụ bội thu, ấm no của đồng bào dân tộc Pa Kô.
Lễ hội truyền thống độc đáo này vừa được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với UBND xã Lìa tổ chức phục dựng một cách bài bản, sinh động nhằm bảo tồn tốt hơn, đồng thời mở ra hướng phát triển về du lịch cộng đồng trong tương lai gần...
Thôn Kỳ Nơi, xã Lìa những ngày cuối năm tiết trời se lạnh. Khi vụ mùa lúa trên rẫy vừa thu hoạch xong, thóc lúa đã được cất trữ ở một góc nhà sàn cũng là lúc bản làng chuẩn bị cho lễ cúng lúa mới hằng năm.
Điều đặc biệt, năm nay thôn được huyện Hướng Hóa lựa chọn tổ chức phục dựng lễ hội A Da nên không khí càng trang trọng, sôi nổi hơn. Bà con dân bản cũng chuẩn bị lễ vật và các nghi lễ cần thiết của lễ hội một cách chu đáo, tươm tất hơn so với mọi năm.
Sau một thời gian chuẩn bị công phu, ngày hội đã được tổ chức trong một không gian thoáng rộng ở nhà cộng đồng thôn. Từ sớm tinh mơ, hầu hết người già, trẻ, gái trai ở các bản làng đều tề tựu đông đủ trong những bộ trang phục đầy sắc màu, hòa mình vào lễ hội truyền thống của dân tộc mình.
Nhà nhà trong thôn đều chuẩn bị những đồ ăn thức uống ngon nhất chuẩn bị đón khách quý. Người Pa Kô rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, bởi họ tin vào các thần linh huyền bí, đặc biệt là vị thần lúa mang lại hạnh phúc ấm no cho dân tộc mình. Lễ hội A Da cũng là dịp tết sum họp các dòng họ, thể hiện rõ nét phong tục tập quán truyền thống của người Pa Kô.
Bất cứ con cái đi làm ăn xa, khi đến dịp lễ A Da đều phải về. Đồng bào Pa Kô tụ tập đầy đủ, ngồi uống rượu, trò chuyện, hát múa. Các lễ vật trong lễ cúng thường có: kho lúa, cây nêu, các bồ đựng lúa, rượu cần, các giống lúa, hạt giống cây trồng được thu hoạch từ trên nương rẫy.
Từ xa xưa đến nay, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Pa Kô. Quá trình sinh sống gắn với núi rừng, nương rẫy có điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Sự ra đời của lễ hội “Mừng lúa mới” cũng bắt nguồn từ đó. Để chuẩn bị cho lễ A Da, già làng phải cử người xin được báo mộng để dựng A chói (kho đựng lúa), khi giấc mơ tốt đẹp thì vị trí dựng A chói sẽ được dựng tại chỗ mà bà con trong thôn đã bàn bạc thống nhất.
Trước khi tiến hành lễ A Da, các chàng trai, cô gái trong thôn lên rẫy tuốt lúa đem về đổ đầy vào A chói. Trong quá trình gùi lúa về kho, những người được phân công nhiệm vụ đi tuốt lúa phải hết sức cẩn thận, ở những đoạn đường gập ghềnh khe suối, họ phải rải từng cọng rơm vắt ngang qua dòng nước với mục đích để cho hồn lúa được về tận kho thuận lợi hơn.
Ngày hôm sau, lúa được lấy một cách cẩn thận từ kho đem đi giã để làm các sản vật dâng lên các đấng thần linh. Ngay từ sáng sớm chuẩn bị lễ cúng, mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc, con trai đi bắt heo, gà, vịt làm thịt; con gái giã gạo, nhóm lửa, nấu cơm, làm bánh, chuẩn bị mâm lễ cúng.
Đây cũng là bữa ăn cơm mới đầu tiên sau vụ mùa nên già làng thường chọn thời điểm sau thu hoạch lúa, giã ra gạo để tổ chức lễ hội. Với ý nghĩa bát cơm đầu tiên dành cho trời đất và cảm tạ ơn của trời đất đã cho mưa thuận, gió hòa.
Nếu vụ mùa thất bát và gặp thiên tai địch họa, trong thôn cũng sửa soạn lễ cơm mới để báo cáo tình hình với thần linh, khẩn cầu một vụ mùa sắp tới sẽ no ấm, đầy đủ và năng suất hơn để bù đắp cho những mất mát vừa qua.
Lời cúng dâng lên thần linh cùng với lễ vật đầu mùa mong cho cây trồng không bị dịch bệnh, không bị thú rừng phá hoại và cho năng suất cao nhất. Đây cũng là phép làm an tâm, an trí và nuôi dưỡng niềm hy vọng cho tương lai, dù có mất mùa cũng không nhụt chí của những người làm nông nghiệp lúa nước...
Trong lễ hội A Da, già làng là người đứng ra điều hành toàn bộ lễ hội của bản. Sau khi mâm cúng được chuẩn bị, các già làng, người lớn tuổi, có uy tín trong bản thực hiện nghi lễ cúng. Họ sẽ khấn vái và mời các thần linh, thần lúa, thần trời đất, thần sông suối, thần cây cối về dự lễ để tạ ơn trong một năm được mưa thuận gió hòa. Cùng với các lễ vật dâng cúng bao gồm heo, gà, cá, sóc, các loại nông sản... thì phần dâng cúng không thể thiếu là khăn, áo, váy và một số trang sức của người phụ nữ Pa Kô.
Với quan niệm thần lúa là nữ giới, nên trong lễ cúng này người Pa Kô dâng kèm các trang phục của nữ giới, đây là những trang phục thường ngày... Bắt đầu là nghi thức cúng trời đất, thầy cúng đọc lời cúng: “Hỡi các thần! Thần núi cao, rừng xanh, vực sâu; thần sông mẹ, suối con, thần thác nước lớn nhỏ hãy về với gia đình chúng tôi để chung vui, cùng uống rượu, mừng ăn cơm mới. Chúng tôi cúng các thần con heo, con gà trống, rượu cầu mong năm tới phù hộ cho gia đình, bản làng được mùa màng bội thu, lúa đầy kho, bắp đầy nhà và cây trồng phát triển tươi tốt...”.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, cây nêu làm từ cành tre lớn được dựng lên tại vị trí trung tâm của bản làng, sau khi kết thúc lễ hội mới được dỡ đi. Bởi người Pa Kô cho rằng, những già làng cao tay làm phép có thể giao tiếp với thần linh và trời đất thông qua cây nêu này, chuyển lời khấn nguyện của buôn làng tới thần linh.
Có thể nói, lễ hội A Da chính là thông điệp khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng, gắn kết nhiều đời của cộng đồng người Pa Kô. Kết thúc lễ cúng, để cảm ơn thầy cúng đã mời các thần linh về chứng giám, già làng mời thầy cúng uống rượu cần, mời bà con và mọi người cùng ăn, uống rượu, kể chuyện, vui đùa, chúc nhau mừng lúa mới... cùng tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng đàn của các chàng trai, kết hợp tiếng hát của các cô gái. Sự kết hợp giao duyên càng làm tô đậm thêm phần rực rỡ và đầy tính truyền thống của ngày hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)