Sau hơn 10 năm mới được tổ chức, lễ hội Ariêu Piing của người dân tộc thiểu số Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị), thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia. Nhiều du khách gần xa cũng đến trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của người Pa Kô giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Có mặt từ sớm cùng bạn để trải nghiệm lễ hội Ariêu Piing, chị Nguyễn Kim Oanh, ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, không giấu được sự hào hứng: “Lâu lắm rồi người dân nơi đây mới tổ chức lễ hội Ariêu Piing.
Vì thế chúng tôi rất muốn được tham gia để hòa vào bầu không khí náo nức của lễ hội. Thông qua lễ hội này, người dân tộc Pa Kô bày tỏ sự thành kính của mình đối với người đã khuất. Tôi thấy đây là việc làm ý nghĩa, cũng như lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Lễ hội Ariêu Piing thường diễn ra trong 3 ngày. “Ngày đầu tiên, bà con dân bản tụ họp, cùng nhau làm một căn nhà ở trung tâm nơi tổ chức lễ hội để khách quý đến tham dự ở lại và căn Ân Trạp là nơi để tro cốt của người đã khuất. 2 căn nhà dù chỉ dựng chủ yếu bằng vật liệu sẵn có ở địa phương nhưng đàn ông trong bản ai cũng chăm chút từng công đoạn để lễ hội diễn ra trang nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Pa Kô”, già làng Hồ Văn Đô, bản La Hót, xã A Bung, cho hay.
Điểm nhấn tạo nên nét đặc trưng của lễ hội Ariêu Piing là ngày thứ hai. Từ sáng sớm tinh mơ, bà con khắp các bản làng gác lại việc nương rẫy, chọn cho mình bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất rồi cùng nhau tập trung về nơi tổ chức lễ hiến sinh hay còn gọi là lễ đâm trâu. Trên bãi đất rộng, các cây nêu được những họ tộc có người đã khuất dựng lên thành một vòng tròn.
Những cây nêu xung quanh buộc dê, cây nêu chính giữa buộc trâu để thực hiện nghi lễ tế thần. Bắt đầu nghi lễ là màn biểu diễn nhạc cụ và các làn điệu dân ca, bài khấn tâm linh của bà con dân bản. Người già đi trước, người trẻ theo sau, tất cả tạo nên một không gian đầy ắp thanh âm và sắc màu văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Kô...
“Dê, trâu đều là những con vật gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống của người dân. Những con vật tế thần phục vụ nghi lễ phải được lựa chọn rất kỹ, phải là những con vật non và khỏe mạnh”, già làng Hồ Văn Đô chia sẻ.
Ngày thứ ba của lễ hội, mọi người thành kính đưa tiễn hương hồn tổ tiên về nơi an nghỉ cuối cùng là các nhà mồ của mỗi dòng họ. Lễ hội Ariêu Piing thường được tổ chức 5-10 năm một lần, tùy theo điều kiện kinh tế của từng vùng.
Năm 2024, lễ hội được người Pa Kô ở xã A Bung tổ chức trang trọng, sôi nổi. Trong những ngày diễn ra lễ hội, mọi gia đình đều chuẩn bị lễ vật cúng, lương thực, thực phẩm dồi dào để chiêu đãi khách quý. Khắp các bản làng, tiếng chiêng, tiếng trống, lời ca điệu múa của nam nữ thanh niên vang lên rộn ràng.
“Với người trẻ như chúng tôi, lễ hội Ariêu Piing rất có nghĩa bởi qua đó tôi cảm nhận sâu sắc hơn mối quan hệ tình cảm của những người thân trong gia đình, dòng họ để từ đó sống tốt hơn”, chị Hồ Thị Nghê, một người dân địa phương chia sẻ.
Trong nỗ lực phục hồi các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện Đakrông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả.
Lễ hội Ariêu Piing còn được gọi là lễ cải táng, lễ bốc mả, xây sửa, trang trí lại lăng mộ tổ tiên. Đây là công việc chung của cả cộng đồng với mong muốn đem lại sự bình yên, tôn kính với những người đã khuất và cầu mong cuộc sống ổn định, no ấm cho bà con dân bản. Đây còn là dịp để người Pa Kô cùng ngồi lại, bàn bạc và tìm cách giải quyết các vấn đề vướng mắc trong phong tục tập quán lẫn đời sống của người dân.
Trong đó, lễ hội Ariêu piing của người Pa Kô được đầu tư phục dựng, tổ chức thường xuyên và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể. Tháng 11/2023, từ đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội độc đáo này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Ariêu Piing là một trong những lễ hội lớn nhất, là nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc riêng có của người Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn. Việc phục dựng và duy trì lễ hội này không chỉ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của người Pa Kô để cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân, mà còn góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội này cùng với lễ hội mừng lúa mới cũng là sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của Đakrông để mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho du khách gần xa”, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông Phan Xuân Liệu cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)