Cùng với tiếng nói và chữ viết, trang phục truyền thống là nét đẹp văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, trong đó có dân tộc Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị).
Trang phục truyền thống không chỉ để người dân nơi đây mặc trong những dịp lễ, Tết mà hiện nay xã A Bung còn triển khai cho cán bộ, công chức xã mặc trang phục dân tộc ở công sở vừa tạo sự gần gũi hơn với Nhân dân, vừa góp phần giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống đồng bào dân tộc Pa Kô.
Không còn cảm giác e ngại như những ngày đầu mới thực hiện, đối với ông Trịnh Văn Hưng, cán bộ UBND xã A Bung, việc được mặc trang phục dân tộc Pa Kô khi đi làm ở công sở vào mỗi buổi sáng Thứ hai hằng tuần đã trở thành niềm vui của ông. Ông Hưng cho biết, người dân khi tiếp xúc với ông tại công sở cũng cảm thấy gần gũi, cởi mở hơn.
“54 dân tộc ở Việt Nam, mỗi dân tộc có một trang phục truyền thống riêng và đó cũng là nét đẹp văn hoá và niềm tự hào của mỗi người dân. Với bản thân tôi, khi công tác ở đây, vào mỗi ngày Thứ hai hằng tuần được mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô tôi cảm thấy rất thoải mái và ý nghĩa. Khoác lên mình bộ trang phục này, tôi thấy mình làm việc gần gũi, thân thiện hơn với người dân. Ngoài ra, được góp phần bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống của đồng bào cũng làm tôi cảm thấy rất vui”.
Ngay từ những ngày đầu triển khai, 100% cán bộ, công chức xã A Bung đều hưởng ứng, ủng hộ việc mặc trang phục dân tộc ở công sở. Mặc trang phục này vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc lại không quá cầu kỳ, không gây bất tiện trong quá trình làm việc nên việc triển khai diễn ra khá thuận lợi.
Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch số 45 của UBND xã về mặc trang phục truyền thống ở công sở từ tháng 10/2018, đến nay cán bộ, công chức xã A Bung đều nghiêm túc duy trì thực hiện vào ngày Thứ hai hằng tuần.
Vào mỗi ngày đầu tuần, tại trụ sở xã A Bung, hình ảnh cán bộ công chức chỉnh tề trong bộ trang phục truyền thống với màu sắc tươi vui đã tạo nên không khí phấn chấn, hào hứng và tràn đầy năng lượng. Người dân đến làm việc, tiếp xúc với cán bộ cũng cảm thấy gần gũi, vui vẻ hơn.
Chị Hồ Thị Sa, người dân xã A Bung bộc bạch: “Trước đây, nhiều người dân thường khá dè dặt, e ngại mỗi lần có việc đến UBND xã, nhất là làm các loại giấy tờ. Tuy nhiên, hiện nay khi đến làm việc tại xã, cán bộ rất tận tình, chu đáo và hướng dẫn cặn kẽ cho bà con nếu chưa hiểu các thủ tục. Bên cạnh đó, cán bộ xã mặc trang phục truyền thống của dân tộc Pa Kô khi làm việc cũng làm tăng thêm sự gần gũi và tình cảm”.
Đến nay, việc mặc trang phục dân tộc không còn là quy định mà đang trở thành niềm yêu thích, tự hào của mỗi cán bộ, công chức xã A Bung khi được khoác lên mình những tinh túy, nét đẹp của văn hóa truyền thống.
Việc triển khai mặc trang phục dân tộc tại cơ quan, công sở ở xã A Bung đã tạo không gian, môi trường văn hóa giúp trang phục truyền thống được sử dụng rộng rãi hằng ngày. Hoạt động này cũng đã góp phần đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn vào cuộc sống, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc trong mỗi người dân địa phương.
Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền chia sẻ: “Hiện nay, xã đang tiếp tục xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND huyện để UBND huyện chỉ đạo triển khai việc mặc trang phục trong toàn thể giáo viên, học sinh của các trường học trên địa bàn xã A Bung.
Việc mặc trang phục truyền thống tại công sở, trường học vừa có ý nghĩa lưu giữ văn hoá truyền thống một cách bền vững, vừa góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm thổ cẩm độc đáo của địa phương để phát triển du lịch nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập cho bà con địa phương”.
A Bung là xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đakrông với hơn 85% hộ dân là người đồng bào dân tộc Pa Kô. Việc triển khai mặc trang phục dân tộc nơi công sở là một cách làm hay, thiết thực của xã A Bung trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Qua đó, ngày càng gắn kết cộng đồng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)