Một thoáng Viên Chăn

Tâm Phùng |

Đó là chuyến công tác mà tôi đã tự lái ô tô từ Quảng Bình qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) vào thủ đô Viên Chăn (Lào)…

Con đường quốc lộ nối từ Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) chạy sang tận Viên Chăn (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) được bê tông và nhựa hóa đủ cho ô tô lướt với tốc độ cao.

I.

Trước lúc sang đất Lào, anh Bình bạn đồng nghiệp dặn tôi lái xe chú ý tín hiệu giao thông kẻo rất dễ bị phạt nếu cứ theo thói quen bên ta. “Khi dừng đèn đỏ chú ý làn đường nhé. Bên ta, dừng thế nào tùy thích, bên bạn mà dừng không đúng làn là mất tiền ngay tức thì đấy”, anh Bình nói thêm.

Các nhà sư làm lễ chúc phúc buổi sáng ở thủ đô Viên Chăn. Ảnh: N.Tâm.
Các nhà sư làm lễ chúc phúc buổi sáng ở thủ đô Viên Chăn. Ảnh: N.Tâm.

Anh Bình cũng dặn thêm là không được sử dụng còi ô tô. Vậy mà, suốt chặng đường, theo thói quen tôi cứ bấm còi toe toe, bấm xong lại muốn toát mồ hôi hột vì... sợ phạt.

Tôi chưa bắt gặp người đi xe mô tô tạt ngang đường hay lấn tuyến như thường xuyên thấy ở bên mình. Nếu cần băng qua đường là họ đứng quan sát rất cẩn thận từ xa cho đến khi không có xe lưu thông mới đi. Ngay cả tài xế ô tô cũng rất có ý thức nhường nhịn. Nếu gặp xe ngược chiều mà ta nháy đèn xin đường, ngay lập tức lái xe của bạn giảm tốc độ và tấp xe vào lề nhường đường cho.

Khi đến Viên Chăn, tôi gặp Đức, một Việt kiều quê Hà Tĩnh đã sinh sống ở đây từ lúc nhỏ, đến giờ đã hơn 30 năm.

Hỏi chuyện, Đức cười cho hay: “Không phải dùng còi ô tô là bị phạt đâu. Ở Lào vẫn dùng còi, nhưng lái xe không sử dụng vì không cần thiết bởi ý thức giao thông của họ rất cao. Khi lái xe sử dụng còi chỉ trong các trường hợp phía trước có người đang vi phạm giao thông hoặc bắt gặp lái xe ô tô khác đang đỗ xe sai tuyến quy định là người ta còi để nhắc nhở. Đi trên đường phố mà nghe tiếng còi thì dứt khoát đó là xe từ Việt Nam sang”.

Lễ chúc phúc và buộc chỉ tay cho du khách ở khu du lịch Thạt Luông. Ảnh: N.Tâm.
Lễ chúc phúc và buộc chỉ tay cho du khách ở khu du lịch Thạt Luông. Ảnh: N.Tâm.

Hôm sau tác nghiệp, chúng tôi đi trên đường qua Khải Hoàn Môn ở Viên Chăn thì chứng kiến vụ va quệt giữa 2 xe mô tô và ô tô. Chỉ thấy 2 chiếc xe nằm bên vệ đường, vắng tanh không thấy bóng một ai đứng đó. Nhìn chéo bên đường, có hai người đàn ông đang ngồi cạnh nhau và cũng đang gọi điện thoại.

Thấy tai nạn mà không có người xúm vào xem như bên ta, mọi người trong đoàn cứ thắc mắc. Cô bé Chăn Tha (có bố là người Việt nên nói tiếng Việt giỏi như tiếng Lào, tình nguyện đi theo đoàn làm hướng dẫn viên) cười và giải thích: “Khi có tai nạn giao thông thì người đến cũng chỉ là cảnh sát chứ không có người dân nào đứng xem đâu. Hai người đàn ông trong vụ tai nạn đó đang gọi điện thoại cho công ty bảo hiểm đến xử lý đền bù thôi theo trách nhiệm thôi. Nếu hai bên không thống nhất thì mới mời cảnh sát đến”.

Ngẫm lại, bên mình cứ không biết đúng sai ra làm sao nhưng cứ có tai nạn giao thông tự khắc người hiếu kỳ xúm đen xúm đỏ để xem, làm mất trật tự và có khi gây tắc luôn cả tuyến đường.

II.

Thủ đô Viên Chăn nhẹ nhàng và khá yên tĩnh. Một thành phố nhiều cây xanh và ít ô nhiễm. Trên mỗi tuyến đường ngang dọc hầu như ít khi bắt gặp các đống rác lớn bé như thường thấy ở nước mình. Người dân Viên Chăn tự giác như là một thói quen, không hề vứt rác ra đường. Mỗi gia đình đều có túi ni lông đựng rác và để đúng vào nơi quy định.

Buổi sáng, nhân viên thu dọn rác đẩy xe ba bánh có chuông leng keng đi qua từng tuyến phố. Người dân phân loại rác đựng trong các túi ni lông màu đen, vàng mang ra bỏ lên xe rác. Nếu nhà nào chậm chân khi xe rác đã đi qua thì họ lại tự giác mang vào nhà chứ không tiện tay ném xuống gốc cây ở vỉa hè.

Chúng tôi xem hàng thật lâu ở quầy hàng có cô gái xinh như người mẫu lại bập bẹ chút tiếng Việt. Miệng nói, tay đưa hàng cho khách xem mà khuôn mặt cứ ngời lên nét đẹp. Cô gái còn đưa khách đến xem hàng ở những quầy khác mà vẫn cứ cười tươi. “Bữa nay không mua được thì bữa sau mua cho em nhé anh ơi”, cô tiễn chúng tôi bằng lời nói như ru vậy.

 

Có hôm, ô tô đang đi đường phố, một người trong đoàn mở chai nước uống và theo thói quen là hạ cửa kính xe xuống và ném miếng ni lông ở nút chai nước ra đường. Ngay lập tức, cô bé Chăn Tha giữ tay lại và nhỏ nhẹ nhắc: “Chú dừng xe để nhặt rác vừa ném xuống đi thôi, đừng ném rác ra đường phố như thế, cảnh sát nhìn thấy là bị phạt nặng đấy”. Chúng tôi phải mất khoảng thời gian để dừng xe và làm theo lời cô bé Chăn Tha.

Cũng trong chuyến công tác, chúng tôi đã vào nhiều chợ ở trung tâm thủ đô Viên Chăn, chợ Sáng ở biên giới Việt - Thái... Dù chợ tấp nập kẻ bán người mua nhưng không có một mùi xú uế cho dù bạn đứng ở một góc khuất nào đó. Trong các khu vệ sinh công cộng luôn được giữ gìn sạch sẽ và không hề bốc mùi các chất thải. Tôi vào khu vệ sinh dành cho nam giới. Không có người dọn hay bán vé. Mỗi lần ai có nhu cầu vào đây, khi xong việc đều tự giác như nhau là dội nước và lấy cây chổi dựng ở góc đẩy cọ nền nhà rồi dội nước cho sạch. Không hề có ai từ chối việc này.

III.

Buổi sáng, từ rất sớm, trên các con đường thủ đô Viên Chăn đều có từng đoàn nhà sư mang áo cà sa đi khất thực. Thông thường các bà, các chị ăn mặc chỉnh tề mang gạo, hoa quả dựng trong giỏ để trước cửa nhà và ngồi quỳ đợi các nhà sư khất thực đi đến. Đoàn nhà sư khất thực khoảng 5 người đi thành hàng theo thứ tự ai người lớn và có tước vị cao trong chùa đi trước.

Khi đến gần, các nhà sư vừa tụng kinh chúc phúc cho gia đình và lần lượt đi qua trước mặt chủ nhà. Chủ nhà ngồi quỳ kính cẩn dâng lễ lần lượt cho các nhà sư. Sau đó, các nhà sư đứng quay mặt về phía chủ nhà tụng kinh chúc an lành, khỏe mạnh đến chủ nhà một lần nữa mới đi đến nhà khác.

Chị Sa Ry khoảng 45 tuổi vừa được các nhà sư chúc phúc xong, trò chuyện với chúng tôi. Chị cho hay: “Việc lễ cho các nhà sư là tùy vào tấm lòng của mỗi người. Có gia đình ngày nào cũng làm lễ, có gia đình mỗi tuần làm một lần. Theo quan niệm của người Lào thì thì khi cúng cho nhà chùa những gì thì khi chết, ta được hưởng phúc những cái đó”. Có lẽ trong nụ cười chân thực là tấm lòng chia sẻ, ước muốn mang lại ấm no, hạnh phúc cho con người được sáng lên rạng ngời trên khuôn mặt của chị Sa Ry.

Trên đường phố Viên Chăn, thỉnh thoảng bắt gặp một trạm cảnh sát nhỏ, có chừng 5 - 6 cảnh sát đồng phục màu ghi sáng trực nhằm giữ trật tự và xử lý những trường hợp ném rác ra nơi công cộng.

Một đoạn đường phố qua khu Khải Hoàn Môn ở thủ đô Viên Chăn. Ảnh: N.Tâm.
Một đoạn đường phố qua khu Khải Hoàn Môn ở thủ đô Viên Chăn. Ảnh: N.Tâm.

Một điều dễ nhận thấy tại các thành phố, chợ trung tâm ở Lào là khách du lịch không hề bắt gặp cảnh đeo bám bán hàng hay người ăn xin, trẻ đánh giày.

Khu du lịch Thạt Luông hàng ngày đón hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Những người bán hàng luôn có nụ cười tươi tắn khi du khách đến mua hàng. Dù khách chỉ xem hàng mặc cả rồi bỏ đi không mua thứ gì cũng đều nhận được nụ cười thân thiện. Các thợ ảnh phục vụ du khách cũng nhẹ nhàng chiều lòng khách chứ không chào mời “ép” khách phải chụp hình.

Trước sân đền Thạt Luông, các nhà sư làm lễ cầu chúc phúc và buộc chỉ tay cho khách du lịch. Hầu như khách du lịch đều đến nghe lời chúc và buộc chỉ trong niềm tin sẽ được hưởng những điều may mắn đến cho mình và gia đình.

(Nguồn: Báo Nông Nghiệp)

TAGS

Điều kiện nhập quốc tịch Lào

Tổng hợp |

Pháp luật mỗi nước quy định các điều kiện nhập quốc tịch cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Xuất phát từ những quy định tại Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948), Công ước của Liên hợp quốc về hạn chế tình trạng không quốc tịch (1975) và đặc thù của mỗi nước, các nhà lập pháp quy định các điều kiện nhập tịch có những điểm tương đồng như mỗi cá nhân phải có phẩm chất đạo đức tốt, chưa bị kết án tù, có hiểu biết cơ bản về văn hóa của nước đó, từ 18 hoặc 20 tuổi trở lên, cư trú trên lãnh thổ nước đó một thời gian nhất định.

Lào tập trung củng cố hệ thống lương thực quốc gia

Tổng hợp |

Chiến lược phát triển hệ thống lương thực quốc gia Lào sẽ tập trung vào 4 công tác trọng điểm, dưới sự hợp tác chặt chẽ của đối tác quốc tế.

Lào-Triều Tiên ký kết thỏa thuận hợp tác lĩnh vực thông tin

Tổng hợp |

Ngày 2/6, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng, Đại sứ Lào tại Triều Tiên Sisavath Khamsaly đã thay mặt Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước này ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác lĩnh vực thông tin với Ủy ban Thông tin và Truyền thông Triều Tiên, do ông Cho Yongsam, Phó Chủ tịch Ủy ban, làm đại diện, cùng sự chứng kiến của các ban ngành chức năng có liên quan.

Lào hỗ trợ Việt Nam ứng phó với COVID-19

PV |

Với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Lào anh em tích cực ủng hộ, hỗ trợ, động viên Việt Nam ứng phó với đợt bùng phát mới của dịch Covid 19. Ngày 31/5/2021, đồng chí Phankham Viphavanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã có thư thăm hỏi gửi đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.