So với miền xuôi, vụ mùa của bà con dân tộc Vân Kiều trên miền biên cương Hướng Phùng, Hướng Hóa (Quảng Trị) có muộn hơn một chút về thời gian nhưng năm nay thời tiết khá ôn hòa nên công việc thu hoạch cũng diễn ra thuận lợi. Thường phải đến khi con trăng tròn của tháng mười âm lịch thì bông lúa trên rẫy cao mới chuyển màu mẩy hạt và người dân mới dựng chòi cất những hạt lúa sau khi tuốt về. Ấy vậy mà năm nay, 41 hộ dân người Vân Kiều ở xã Hướng Phùng đã không còn “lăn mình” trên những tấm rẫy trên sườn non cao để tuốt từng hạt lúa mà ra thửa ruộng cách thôn khoảng chừng hơn 3 km gặt về những “hạt vàng” của vụ mùa bội thu.
Sự mạnh dạn bỏ rẫy về ruộng trồng các giống lúa, giống ngô, giống dưa... cho năng suất cao, có giá trị dinh dưỡng và định danh sản phẩm hàng hóa thương mại là một nét mới trong đổi thay phương thức sản xuất của người dân, làm nên những mùa vàng trên miền biên cương Hướng Phùng.
Buổi sáng, nền trời trong xanh như báo hiệu một ngày ông mặt trời tỏa nhiều sắc nắng, Hồ Văn Phoi và những người thân trong gia đình mình ở thôn Bụt Việt tất bật với các khâu chuẩn bị để ra đồng thu hoạch lúa. Chẳng như đi rẫy, cứ đủng đà, đủng đỉnh, chầm chậm đôi chân theo lối mòn ngược núi. Việc thu hoạch lúa nước là phải gấp rút kẻo lỡ gió mưa, trời trở thì xem như vụ mùa thất bại.
Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng dẫn tôi ra tham quan cánh đồng thôn Bụt Việt. Cánh đồng đang vào mùa gặt, các thửa ruộng bậc thang như được nhuộm trong sắc vàng của những bông lúa chín. Xa xa là núi, là mây, là những con đường vượt núi, vượt đèo đi đến tận biên giới Việt - Lào.
Dẫu không mênh mông bát ngát như các vựa lúa của miền xuôi nhưng cánh đồng thôn Bụt Việt có diện tích hơn 20 ha cũng đủ cho những đàn chim rừng ngày ngày chấp chới cùng mây chiều rủ cánh vào hoàng hôn.
Tôi thả hồn mình trong từng cơn gió vuốt ve những bông lúa trĩu hạt, uốn cong xuống, chờ đợi bàn tay con người gặt hái. Mặt trời dần trôi xuống đỉnh núi phía Tây và tắt dần ánh nắng. Ráng chiều nhuộm hoàng hôn phía sau rặng núi một màu hồng nhạt. Mọi người sau một ngày gặt lúa vất vả đã trở về với ngôi nhà của mình, trả lại cho cánh đồng sự tĩnh lặng trong màn sương núi ảo mờ nét hoang vu.
Hôm sau, Thiếu tá Bằng lại dẫn tôi đến cánh đồng thuộc thôn Cheng, nơi đây hương lúa cũng ngào ngạt trong cái nắng mang màu mật ong thả xuống những thửa ruộng bông lúa dài trĩu hạt, căng tròn, dồn đuổi nhau rì rào trong gió, uốn lượn theo suối Cheng róc rách dòng nước lách luồn qua từng kẽ đá để nhập vào sông lớn xuôi về biển cả. Đừng trên bờ ruộng, tôi như muốn hỏi mỗi hạt lúa: “Ai đã đem giống lúa mới đến với những cánh đồng để cho nơi miền biên viễn này người Vân Kiều đón nhận những mùa vàng bội thu?”.
Như đọc được cảm xúc của tôi, Thiếu tá Bằng, người đã nhiều năm gắn bó với đồng bào trên dọc tuyến biên giới Việt-Lào hào hứng nói về giống lúa mới có mặt và bám trụ tại vùng đất Hướng Phùng.
Là địa phương có diện tích 155,1 ha ruộng nước và 5 ha trồng ngô nhưng do nhiều yếu tố khác nhau nên mỗi năm, người dân chỉ gieo trồng vụ đông xuân, thời gian còn lại, đất bị bỏ hoang hóa cho cỏ dại mọc. Người dân chủ yếu sử dụng nguồn giống bản địa đã bị thoái hóa và không được chọn lọc kỹ, sinh trưởng dài ngày, chống sâu bệnh kém, khi gặp mưa dài ngày, lúa phát triển kém, lép hạt, năng suất thấp, mất mùa...từ đó dẫn đến không đủ lương thực để ăn.
Trăn trở cùng người dân, Thiếu tá Bằng đã liên hệ với bạn bè ở quê hương Thái Bình, một thời nổi danh là “Quê hương 5 tấn”. Nhờ sự chỉ dẫn của bạn bè, anh Bằng đã liên hệ với Tập đoàn ThaiBinh Seed, tỉnh Thái Bình mời cán bộ trực tiếp đến tận từng thửa ruộng để nghiên cứu, khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng. Sau khi có kết luận của những kỹ sư nông nghiệp đến từ Tập đoàn ThaiBinh Seed, hai giống lúa tiên tiến nhất mang ký hiệu TBR97, TBR 225 được trồng thử nghiệm trên diện tích 5.000m2 của hai hộ gia đình anh Hồ Văn Khưn và anh Hồ Văn Phoi ở thôn Bụt Việt ngay trong vụ đông xuân năm 2022- 2023.
Kết quả cho thấy, so với các loại giống khác, giống lúa thử nghiệm sinh trưởng tốt, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh và thời tiết mưa lạnh tốt, cho chất lượng gạo thơm, ngon, năng suất đạt 300kg/sào/vụ.
Thấy gia đình Hồ Văn Phoi và Hồ Văn Khưn có nhiều lúa, bà con các thôn Cheng, Chênh Vênh, Bụt Việt, Xary... đã đề nghị đồn biên phòng tiếp tục hỗ trợ giống và kỹ thuật canh tác để gieo trồng. Đáp ứng yêu cầu của bà con, 1.050 kg lúa giống các loại TBR36, TBR97, TBR225, TBR239, nếp A Sào đã được đơn vị trao tặng cho người dân. Tiếp nối thành công, vụ hè thu năm 2023 đã cho năng suất gần 400kg/sào như càng làm tăng thêm niềm vui của bà con dân bản.
Cùng với cây lúa, đến lượt cây ngô cũng cho năng suất cao trong khoảng thời gian 65 - 70 ngày cho một chu kỳ sinh trưởng, người dân bán với giá 4.000-5.000 đồng/bắp tươi, sau khi trừ chi phí, các hộ dân lãi 7.000.000 đồng trên một sào đất. Thế là từ 2 hộ tiên phong, nay đã có 41 hộ gieo trồng giống lúa mới trên diện tích 115,5 ha. Cây ngô cũng từ chưa đầy 500m2 trồng thí điểm đã phủ kín 5 ha đất dành cho trồng hoa màu ngắn ngày. Đó là niềm vui của bà con dân bản và cũng là niềm vui của những người lính biên phòng nặng nghĩa tình với Nhân dân.
Tạm biệt Hướng Phùng, tạm biệt những cánh đồng vàng óng ả trên vùng đất biên viễn, tôi hiểu rằng mùa lúa bội thu này là một minh chứng cho sự bứt phá đi lên trên con đường đổi mới và hội nhập của Hướng Phùng. Nhìn những gương mặt rạng ngời của người dân thả mình trong màu vàng ươm của lúa, xanh tươi của núi non, tôi khắc sâu nụ cười mãn nguyện của người dân Vân Kiều nơi đây về một sự no ấm đang đến...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)