Tôi đến Năm Mùa Bungalows lúc chiều muộn. Cơn mưa rừng bất chợt trước đó làm cho khí trời se lạnh, cái lạnh tạo cảm giác quá đỗi lạ lùng bởi cách đó chừng hơn một giờ xe chạy là Đông Hà đang bị đốt thiêu bởi gió Lào dưới nền nhiệt 38 độ C. Đón tôi là ông chủ Hoàng Thông nói giọng Huế rặt, kiểu đón tiếp thân tình nhưng không vồn vã, một khoảng cách được giữ vừa đủ cho lữ khách lạ như tôi, thấy được cảm giác an toàn và ấm cúng ở một nơi heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, Quảng Trị.
Câu chuyện tái sinh
“Không có căn nhà nào ở đây được xây mới, mọi thứ đều được dựng lên từ một đổ nát hay một chối bỏ. Chúng tôi nhặt nhạnh chúng về, thổi hồn vào để chúng được tái sinh”, người chủ trong bữa cơm mời khách bằng những sản vật của vườn và rừng nơi đây, chia sẻ với tôi về ý tưởng cốt lõi khi xây dựng khu sinh thái này. Mỗi bungalow, tên gọi chung cho những căn nhà, là một thực thể độc lập. Chúng có số phận riêng, được thiết kế bởi những ý tưởng đặc thù cho riêng nó, dựa trên tính chất của vật liệu, vị trí của căn nhà trong không gian chung và chức năng mà nó sẽ đảm nhận trong suốt “cuộc tái sinh” của mình.
Nhà Giáng Hương, vốn dĩ là một căn nhà gỗ nhưng tại vướng đường đi của dự án điện gió, khiến chủ nhà phải chuyển thành một cái chuồng bò. Giờ chuồng bò đã trở thành Giáng Hương, sạch sẽ, tinh tươm với hai phòng ngủ, một phòng khách cùng lò sưởi để xua cái lạnh mùa đông cùng dãy lan can để ngồi hóng gió núi mùa hè. Một chối bỏ đã được tái sinh như vậy.
Nhà Vân Đài, tựa như một đám mây ngũ sắc, được thiết kế theo phong cách Mondrian với những mảnh cửa sổ ghép lại ngẫu nhiên, theo một kiểu phối màu ngẫu nhiên nhưng rất hiện đại. Những ô cửa sổ thuộc về một trạm quân y cũ được đập bỏ đi để xây mới. “Chúng được nhặt về đây, kể câu chuyện tái sinh trong hình hài đẹp đẽ, chúng làm cho rất nhiều người vui bởi màu sắc tươi tắn và rực rỡ của nó”, ông chủ nói, “nếu không ở đây, chúng đã thành ra tro bụi từ lâu rồi”.
Nhà Hoàng Thảo lại kể câu chuyện phương xa khi tất cả gỗ làm nên nó được tái chế lại từ những thùng đựng máy cũ. Dấu tích tái chế vẫn còn được lưu lại trên khắp căn nhà, không cần sơn phết hay che đậy. Gỗ này đến từ Ấn Độ xa xôi, vượt qua hai đại dương, về tới Sài Gòn để rồi được tái sinh trở lại, thành ra một căn nhà rất duyên dáng nằm giữa vườn cà phê xanh ngát trên đỉnh đồi. Những chối bỏ đã được tái sinh như vậy. Tái sinh bao gồm trong nó tái chế và tái sử dụng. “Chúng tôi không chủ trương làm mới, chỉ buộc phải làm mới những bộ phận, cần để gắn kết những thành phần cũ nhằm làm cho chúng có ý nghĩa trở lại mà thôi”, người chủ cho biết. Tái sinh vì vậy mang thêm ý nghĩa kết nối, kết nối những phế phẩm trở lại trong một dạng thức liền lạc và hữu ích khác. Một ý tưởng đơn giản nhưng rất nhân văn.
Đêm càng khuya càng lạnh, tôi tựa lưng vào một bức tường ở chính diện nhà Hoàng Hậu. Ngôi nhà này ở trung tâm khu đất và trực theo hướng đông nam. Ở chỗ tôi ngồi có thể ngắm mặt trăng vẽ hết một vòng lên và lặn từ xế chiều cho tới sáng sớm. Trong một đêm trăng sáng như hôm nay, bạn có thể thấy được cuộc sống về đêm của rừng qua những khung hình ảo diệu nhất. Bức tường tôi đang dựa lưng được làm từ những khúc thân cây, cũng là một bức tường tái chế. Những cây lồng mức được cưa khúc, ghép vào với nhau thành ra một bức tường độc đáo và đầy cá tính. Nó kể cho du khách đến đây nghe câu chuyện tái sinh từ một chối bỏ nữa. Những câu chuyện tái sinh thú vị cứ thế miên man đưa tôi vào giấc ngủ sâu cùng giấc mơ về một vườn rừng đang thành hiện thực ở nơi đây.
Giấc mơ vườn rừng
Có một kiểu canh tác đang được rất nhiều sự quan tâm trên thế giới, tiếng Anh gọi là Agroforestry - Vườn rừng. Một kiểu làm vườn mô phỏng theo sự phát triển của tự nhiên như nó vốn có, với phân bố nhiều chủng loại cây tạo nên một khu vườn đa tầng, đa tán, nơi mà cây cỏ, côn trùng và vi sinh vật trong đất sống cộng sinh. Chúng tự bảo vệ, tự nuôi dưỡng và cần rất ít can thiệp của con người khi đã trưởng thành.
Trong khu vườn rừng Năm Mùa nay mai, cà phê Arabica sẽ nằm ở tầng tán thấp. Phía dưới nó sẽ là một thảm lạc dại, vừa để che phủ đất, vừa để cố định đạm cho cây trồng ở những tầng tán cao bên trên. Một thảm lạc dại cho hoa màu vàng luôn gợi tới giấc mơ hoa cỏ, nơi mà ai cũng muốn nằm xuống để xin “một vé đi về tuổi thơ” nhằm quên đi chốc lát cuộc đời vốn nhiều toan tính này. Hoa đào Nhật Tân, lê mắc coọc và mận Bắc Hà đã được trồng từ mùa mưa năm ngoái, khoảng ba năm nữa, vạt cây này sẽ khép tán. Một mùa xuân nào đó, bạn sẽ được thả bước tiêu dao giữa một rừng đào đẹp như cổ tích, hoặc giả có ai đó ôm mộng anh hùng cùng kéo nhau lên kết nghĩa nơi đây. Nhiều hoa được trồng lắm, hoa ngoài Bắc, hoa trong Nam, hoa Sa Đéc miền Tây, hoa từ xứ hoa Đà Lạt cũng được đem về đây sánh vai cùng cỏ hoa bản địa. Là hoa trang trí, nhưng chúng cũng là tầng cây bụi trong quy hoạch vườn rừng của toàn khu.
Tầng tán cao được ưu tiên cho cây bản địa, gồm bằng lăng, trẩu, mân và phong hương. Sườn phía đông đón gió bấc là một rừng thông đang độ lớn, khoảng một năm nữa thôi là chúng có thể reo vi vu với gió ngàn. Những cây tán cao sẽ làm cho vạt đồi này thay đổi sắc diện theo mùa, như người con gái thay xiêm y cho mỗi lần hò hẹn.
Trở lại với kiểu khí hậu rất hiếm của nơi đây khi chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng chừng hơn 10 độ C. Kiểu khí hậu lý tưởng cho loài “vương giả hương” phong lan được tha hồ thể hiện. Có khoảng 300 giống lan đang được chăm sóc trong vườn sưu tập. Lan ở trong nước và lan lai tạo đang được nuôi trồng theo kiểu bán tự nhiên, chúng có tốc độ phát triển gấp đôi so với khi trồng ở đồng bằng, mặc dù nguồn dinh dưỡng chủ yếu của chúng được lấy từ nước suối của con thác cách đây chừng 1 km.
Mùa mưa là mùa rừng sinh sôi. Nếu tiếng ếch, nhái, ễnh ương như một bản hòa ca đưa tôi vào giấc ngủ, thì tiếng ổn ả của chim rừng vào buổi sáng, đánh thức tôi sau một giấc ngủ ngon. Khu vườn rừng đang dần hình thành bên ngoài cửa sổ. Tán thấp, tán cao, cỏ, cây hoa lá cứ như muốn bung hết sức lực với cành nhánh đâm lên tua tủa và bò lan khắp mặt đất, trải một màu xanh mượt trên khắp khu đồi. Cây cỏ rồi sẽ hồi sinh lại những cánh rừng theo một triết lý mới. Rừng sẽ là một khu vườn lớn hay vườn là một cánh rừng nhỏ, nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên.
Mùa thứ năm
Mùa thứ năm là mùa cảm xúc của riêng bạn. Mây ở đây thấp lắm nên mùa trong một ngày cứ như thể đổi thay theo những đám mây qua. Bạn sẽ không muốn chui ra khỏi chăn trong buổi sáng lạnh kiểu mùa đông, khi lò sưởi vẫn còn hơi nóng từ những cục than đêm qua sót lại. Kéo rèm và mở cửa ra, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên vì đang ở giữa một biển sương mù với núi như một thực thể huyền ảo đâu đó rất gần tầm tay với. Những nhiếp ảnh gia gọi đây là “mùa săn mây”. Hãy cầu nguyện cho đêm trước đó có chút mưa, sương vì được nhuốm thêm nước nên sinh ra mây để chiều lòng nghệ sĩ.
Rồi nắng lên, sương sẽ tan ngay sau chừng mươi phút. Những cánh hoa còn đẫm sương đêm chợt bùng lên khoe sắc dưới nắng trời. Ở nơi đây luôn thường trực một “mùa hoa”. Tháng giêng sương giá được sưởi bù bằng đào bích và đào phai ửng hồng trước ngõ. Tháng hai hoa trẩu nở trắng cả một trời rừng, tháng ba hoa cà phê nối dài sắc trắng tinh khôi với nồng nàn hương, ướp đẫm không gian làng bản. Tháng tư có lẽ là những ngày rừng khô hạn nhất nhưng sim và mua vẫn cứ tốt tươi khoe sắc tím vấn vương, tháng năm rừng được tăng sắc độ tím bởi màu tím bằng lăng, tím không còn tơ vương nữa mà trở nên tím rịm, đậm đà da diết. Tháng sáu có những cơn mưa đầu tiên, rừng bật trở mình với cơ man nào là hoa dại: xuyến chi, ngũ sắc, tàu bay… và vô số những thảm hoa kéo xa hút chân trời. Bảy, tám và chín là những tháng rừng sinh sôi, không có hoa nào độc chiếm bầu trời, chỉ có màu rừng xanh ngút ngàn thi thoảng loang ra một vệt đỏ của phượng núi hay vệt vàng mơ của hoa lá ngón, như một ví dụ sống động cho hình ảnh của vẻ đẹp chết người. Tháng mười ngớt mưa và rừng bắt đầu đổ lá. Rừng lúc này đẹp và mềm mại như chiếc khăn choàng của con gái thị thành. Rừng ở đây có cây phong hương trút lá đẹp không thua gì cây phong miền ôn đới, lá từ xanh chuyển qua vàng, khô dần và rụng, để lại những cành cây chĩa lên trời thi thố với mùa đông. Mùa đông tới với những cơn gió lạnh buốt xương đi kèm màu nắng tinh khôi của dã quỳ, hoa nở rộ vào tháng mười một và kéo dài bài hoang ca vàng rực của rừng cho đến tận trung tuần tháng chạp. Hoa lau không biết từ dưới đất mọc lên bao giờ, có những ngày tháng chạp bạn bỗng nhiên thấy mình lạc giữa một bồng bềnh hoang hoải, rồi chợt giật mình à ra một năm sắp hết lại rồi.
Mùa bão những thân cây với thớ gỗ vặn xoắn về một phía. Luồng gió từ hướng núi đi ra đã vặn chúng từ khi mới nhú mầm. Cây phải xoắn theo chiều gió bão để lớn lên, can trường đến vậy mà có những mùa bão đi qua, chúng bị thổi tung, ngác ngơ như thể mất hồn. “Chúng tôi ở đây chờ bão tới hàng năm như chờ một người quen. Mùa tới rồi đi, có khi lành có khi dữ, đó là lẽ thường tình của vạn vật. Chúng tôi chờ bão tới, không mong đau thương cũng chẳng ai oán Trời, Đất bao giờ”, ông chủ nói vậy. Mùa bão, một mùa của thiên nhiên nhưng cũng là một mùa của tâm trạng. Phải đi qua bão giông mới thấy được an nhiên trong đời.
Còn nhiều mùa lắm, bạn không thể kể hết những mùa tâm trạng, mùa buồn, mùa vui, mùa cô đơn, mùa trống rỗng. Những mùa nhân gian theo hết một cuộc nhân sinh mà du khách đem tới đây, cũng đủ để tạo thêm một thế giới mùa, vì vậy du khách nói rằng ở Năm Mùa luôn có mùa riêng, chỉ đến đây mới có là vậy.
Tôi rời đi vào lúc chiều muộn, người quản lý tận tình kiểm tra tình trạng lốp xe, xăng và hệ thống đèn vì tôi sẽ không tới kịp Khe Sanh lúc trời còn sáng. Gần 30 km đổ đèo trên nhánh Tây Trường Sơn, xuyên qua vài mảng rừng với rất ít nhà dân, không phải là việc dễ đối với người lạ.
Những hồi ức rời rạc đâu đó từ một vài cuốn sách tôi đọc về xứ sở này: Một vùng đất xa ngái phía tây Quảng Trị với những yếu tố phương xa kỳ ảo ngẫu nhiên cùng tụ lại: vua Hàm Nghi kháng chiến, người Vân Kiều bản địa với các mục sư truyền đạo Tin Lành, người Pháp viễn chinh và người Mỹ với trận đánh Khe Sanh đi vào lịch sử, rồi sau này một người Hungary vì quá yêu mảnh đất này đã dành phần lớn cuộc đời để đưa những câu chuyện Bru-Vân Kiều ra thế giới. Tất cả bỗng dưng được kết nối liền lạc sau hai ngày tôi ở lại đây. Không thôi một câu hỏi miên man trên suốt đường đi, sao rừng lại có sức hút ma mị, mà tôi là một trong những tín đồ mới nhất được nhận vào, đến vậy?
Một mình, một xe với con đường hun hút phía trước cho đến khi rời “Năm Mùa Bungalows”, tôi mới hiểu du lịch thành công là du lịch làm cho người ta quên chính mình để lạc trôi với những khoảnh khắc tuyệt vời, chỉ khi trở về với đời thường, người lữ hành mới biết mình đã đi xa cỡ nào...
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)