Trong văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường, phần tinh túy nhất chính là bút ký, trong đó có những trang viết đặc sắc về mùa xuân. Trong bút ký “Hành lang của người và gió...” nhà văn đã cảm nhận về mùa xuân hòa bình đầu tiên được đánh dấu bằng cột mốc Hiệp định Paris lịch sử vào ngày 27/1/1973, cách đây nửa thế kỷ. Hôm ấy không thể nào quên:
“Đêm 27-1-1973.
Chỉ cần qua một quãng đêm yên tĩnh này nữa, chiến tranh Việt Nam sẽ kết thúc. Tôi đứng một mình bên bờ Nam sông Bến Hải, kính cẩn chờ giây phút mà toàn thế giới sẽ trả lại bờ thứ hai cho dòng sông bị vỡ đôi này của đất nước tôi. Chưa bao giờ lịch sử lại căng đẩy trong tôi một niềm cảm khái trầm hùng đến như vậy, quanh một chiếc trụ bê tông của một cây cầu đã gãy. Đất nước hai lần gian lao đã in dấu trên trụ cầu bằng bao nhiêu lớp vỏ hàu nham nhở, giống như lớp bùn lấm nhọc nhằn chân ngựa đá mà vua Trần đã nhìn thấy ngày đuổi giặc khỏi Thăng Long hơn bảy trăm năm trước. Tôi cũng là người lính Việt, chân đất nón dấu, cầm lấy ngọn giáo của nhân dân, đêm nay về quỳ hôn lên chân ngựa đá...”.
Những neo thuyền văn chương bút ký buộc mềm mại vào dòng sông lịch sử, vào lớp sóng của ký ức cộng đồng, nhất là với những người sâu nặng với truyền thống giữ nước của tiền nhân và những câu thơ mang hào khí Đông A của nhà Trần thưở trước. Đoạn mở đầu bút ký là một áng văn hay cộng hưởng âm vang sử ký với nghệ thuật ngôn từ chắt lọc.
Đoạn sau bút ký, khi nhớ về một người thân là nhà thơ Ngô Kha thời chinh chiến, người từng có những vần thơ dự phóng về đô thị vàng Lao Bảo khi hòa bình trở lại trên quê hương đất nước, nhà văn dâng trào cảm xúc : “...Đọc lại bài thơ Ngô Kha từ đáy vực thẳm của lửa và máu, tôi không ngờ sức tiên cảm của nhà thơ lại chính xác đến như vậy. Ở những nghệ sĩ tài năng, khát vọng sống mãnh liệt, nhiều khi kết tinh về sức linh cảm về tương lai...”.
Còn bút ký “Mùa xuân thay áo trên cây” cũng là một tuyệt bút có thể sánh ngang “Hoa trái quanh tôi” và những tác phẩm văn xuôi khác khi đặc tả thiên nhiên. Nó thể hiện một đôi mắt quan sát tinh tường, một cảm nhận tinh tế, một lối viết tinh khôi. Ngôn từ đẹp và tao nhã như một bức tranh phong cảnh của những họa sĩ nổi tiếng. Một tác phẩm hay hòa quyện nhiều hương sắc, giao thoa rất mực tự nhiên giữa văn chương và hội họa, kịp ghi nhận tài tình vũ điệu sắc màu đầy biến hóa, khiến người đọc thăng hoa, dạt dào hưng phấn: “...Sau mùa lá non, khi màu mai vàng chủ mệnh của mùa Xuân vừa trở kỷ niệm cũ, cây cối dường như đã hết vốn về màu sắc, thì rất đúng lúc, cây vông nở hoa...
Trong khoảnh khắc, nó chuyển sang màu ngọc bạch, nhơ màu da trái đào non, trên đó hiện bóng vài con chim én bay liệng. Tôi vừa cúi xuống ghi chép vài dòng về cảnh tượng trước mắt, ngẩng đầu lên đã thấy mảng trời màu trắng ngọc kia biến thành những vệt sáng rộng lớn hình rẽ quạt màu hồng, sẫm dần thành màu đỏ thắm trên một nền da trời xanh lơ...”.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây ký văn học uyên bác, tài hoa với những tác phẩm về thiện nhiên, nhất là vào mùa xuân đầy mỹ cảm, thanh lọc và sang trọng, gây ấn tượng sâu sắc cho những người mến yêu nghệ thuật văn bút và có lẽ sẽ còn lại dài lâu trong ký ức nhiều người.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)