Ở tuổi 32, anh Hoàng Ngọc Long, hiện đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị đã có gần 16 năm gắn bó với đàn bầu.
Xem loại nhạc cụ truyền thống này là người bạn tâm giao, ngày nối ngày, anh Long luôn nỗ lực giúp tiếng đàn bầu vươn xa, chạm đến trái tim mọi người.
Cây đàn là tri kỷ
Nghệ sĩ ưu tú Phạm Hồng Phong, Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh giới thiệu với chúng tôi về Hoàng Ngọc Long với những gạch đầu dòng ấn tượng. Anh cho biết, Long là một trong những người trẻ hiếm hoi chọn nhạc cụ dân tộc làm lối đi trên con đường nghệ thuật. Nghệ sĩ trẻ này được đào tạo bài bản, giàu kỹ năng, kinh nghiệm. Sự có mặt của Long đã làm cho Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh đa dạng hơn thanh âm, sắc màu.
Những lời giới thiệu ấy khiến chúng tôi thêm phần phấn chấn khi thu xếp cuộc gặp với nghệ sĩ trẻ Hoàng Ngọc Long. Ấn tượng ban đầu là anh Long rất năng động, cá tính. Anh cho biết mình sinh ra, lớn lên ở huyện miền núi Hướng Hóa. Ba mẹ anh Long đều làm nghề kinh doanh. Dù bận rộn với vòng xoay cơm áo, gạo tiền nhưng ba anh vẫn giữ niềm đam mê với cung thanh, cung trầm của đàn bầu.
Từ khi còn nhỏ, tiếng đàn bầu của ba đã đưa anh Long vào giấc ngủ. Đến giờ, anh vẫn nhớ như in cây đàn bầu thô mộc mà ba tự chế và ngày ngày đưa ra gảy để thỏa đam mê. Mãi đến năm Long lên lớp 9, ba anh mới mạnh dạn tậu về một cây đàn bầu với mong muốn truyền lửa cho con. “Thời đó, ở cái tuổi ham chơi, tôi thích game hơn đàn bầu. Thế nhưng, ba vẫn kiên trì động viên. Thực sự, ba đã cho tôi ngày hôm nay”, anh Long chia sẻ.
Từ sự đam mê, kiên trì của ba mà tình yêu đàn bầu trong anh Long được khơi dậy. Năm lớp 10, anh Long đã có thể tạo ra những thanh âm trầm bổng từ dây đàn mỏng mảnh, rồi yêu thích, đam mê lúc nào không hay. Sau này, chính tiếng đàn bầu đã thúc giục anh rời nhà, thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Huế. Buổi đầu, chàng trai mới lớn phải chật vật làm quen với nhà trọ, cơm bụi... và giảng đường nhưng rồi cũng dần quen với cuộc sống xa nhà để hòa nhập trong môi trường mới.
Trưởng thành cùng tiếng đàn
Theo dòng trò chuyện, nghệ sĩ trẻ Hoàng Ngọc Long cho biết, anh đã dành 8 năm đẹp nhất đời mình để học đàn bầu. Đổi lại, loại nhạc cụ truyền thống này giúp anh trưởng thành từng ngày và hiểu sâu sắc thêm giá trị cuộc sống. Tuy nhiên, sự trưởng thành không đến tự nhiên mà là kết quả của một quá trình rèn luyện. Khi thi vào nhạc viện, mặc dù không được học tập từ sớm, bài bản như các thí sinh khác song anh Long khá tự tin bởi niềm đam mê và những gì ba truyền dạy. Tuy nhiên, lúc bắt đầu học “ra tấm, ra món”, sự tự tin ấy giảm xuống phân nửa. Anh nhận ra những gì mình sở hữu chỉ như một hạt cát giữa đại dương.
“Để theo kịp bạn bè và lịch thi cận kề, tôi phải lao vào học. Có hôm đang say sưa luyện, tay tôi tứa cả máu. Vết thương rồi cũng dần chai. Tôi bắt đầu quen với việc học tập trong môi trường nghệ thuật. Tiếng đàn cũng trở nên hay hơn. Năm thứ 3, tôi vinh dự được nhà trường chọn đi tham dự cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc và đoạt giải Nhì”.
Không chỉ trưởng thành trên từng trang sách, cây đàn bầu đã mang đến cho anh nhiều cơ hội trải nghiệm trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngay trên ghế học viện, anh đã tham gia nhiều chương trình lớn nhỏ. Có thời gian, anh còn chạy show để đỡ đần gia đình. Qua những trải nghiệm, cái tên nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Ngọc Long bắt đầu được nhiều người chú ý. Đó cũng chính là lý do giúp anh được giữ lại làm nhạc công dàn nhạc truyền thống ở trường.
Cuộc sống có nhiều lối rẽ mà ngay cả những bậc thầy về tính toán cũng không lường trước được. Tiếp tục gắn bó với Học viện Âm nhạc Huế tầm 1 năm, tiếng gọi của quê hương lại thôi thúc anh Long trở về. Để thực hiện dự định mà mình ấp ủ với cây đàn bầu, thời gian đầu, anh nối bước ba mẹ kinh doanh. Trong những ngày miệt mài thử sức với thương trường, thông báo tuyển nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật tỉnh như đánh thức một thứ gì đó trong con người anh Long. Rất nhanh sau đó, anh đã nộp hồ sơ và trở thành một mảnh ghép đặc biệt của đoàn.
5 năm công tác ở Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh, anh Long tự nhận, mình có sự thay đổi tích cực. Anh dần quen với lịch trình tập luyện, biểu diễn dày đặc. Những chuyến biểu diễn phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa trở thành một phần không thể thiếu trong công việc của anh Long và đồng nghiệp. Chuyện ăn vội ổ mì, hộp cơm để kịp giờ biểu diễn trở nên quen thuộc. Ngoài chơi đàn bầu, anh còn được trau dồi thêm về thanh nhạc để tự tin cất tiếng hát trên sân khấu.
Đưa đàn bầu vươn xa
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và nghệ sĩ trẻ Hoàng Ngọc Long dường như sôi nổi hơn khi nhắc đến đàn bầu. Anh Long chia sẻ, khi nghe kể về quãng thời gian 8 năm học đàn bầu của mình, nhiều người cho rằng, giờ đây, anh chỉ cần dựa vào nghề để sống, không cần tôi luyện gì thêm. Thế nhưng, thực tế 5 năm nay, anh Long vẫn miệt mài trau dồi, học hỏi để đưa tiếng đàn bầu đến gần hơn với công chúng.
Từ thực tế, anh sớm nhận ra, giữa cuộc sống sôi động hiện nay, âm nhạc truyền thống không thể đứng yên mà phải thay đổi để thích ứng. Điều này rõ ràng không dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu ai cũng thấy khó mà chùn lòng thì việc lớn khó thành. Vì thế, anh tự nhủ mình phải thay đổi để thích ứng trước. “Nhắc đến đàn bầu, người ta thường hình dung đến những âm thanh man mác buồn. Tôi muốn công chúng nhìn thấy sự biến hóa đa dạng hơn của nhạc cụ này. Tôi biết, giới trẻ hiện nay yêu thích âm nhạc có tiết tấu, giai điệu lạ tai, cuốn hút. Vì thế, tôi đã cố gắng thử hết các kỹ thuật của đàn bầu để chắt lọc những gì phù hợp, cuốn hút nhất; thay đổi về tiết tấu; sử dụng âm thanh bổ trợ...”, anh Long nói.
Sự trăn trở, tìm tòi, làm mới tiếng đàn bầu đã mang lại nhiều niềm vui cho anh Long. Trên sân khấu, những phần thể hiện của anh trở nên thu hút khán giả hơn. Qua sự sáng tạo của anh Long, tiếng đàn bầu vẫn là âm thanh chủ đạo nhưng trở nên lôi cuốn hơn. Vì thế, cung thanh, cung trầm của tiếng đàn không chỉ chinh phục trái tim khán giả cao tuổi mà thu hút cả các bạn trẻ. Một số người tìm đến nhờ anh truyền dạy hoặc gửi gắm con em mình.
Là một nghệ sĩ sử dụng nhạc cụ truyền thống, anh Long luôn biết “biến hóa” tùy theo bối cảnh, đối tượng khán giả... Thông thường, ở trong nước, trong tỉnh, anh tinh tế mang hơi thở hiện đại vào những bản nhạc truyền thống. Thế nhưng, khi ra các nước bạn, anh luôn biết cách chọn những nhạc phẩm, cách thể hiện đậm chất dân tộc nhất. Nhờ thế mà phần độc tấu đàn bầu của anh thường để ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế. Sau những buổi biểu diễn, nhiều người ngoại quốc đã nán lại để gặp anh Long và tìm hiểu về cây đàn bầu.
Nói về những dự định tương lai, nghệ sĩ trẻ Hoàng Ngọc Long khẳng định sẽ tiếp tục dành trọn tình yêu, gắn bó với đàn bầu và nỗ lực hơn nữa để chinh phục trái tim khán giả. Anh mong muốn trở thành nhịp cầu đưa thật nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đến với nhạc cụ dân tộc. Từ câu chuyện của mình, anh tin tưởng, nếu được khơi gợi, những đốm lửa tình yêu âm nhạc truyền thống trong tim người trẻ sẽ bừng sáng, rực cháy.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)