Nét độc đáo của lễ hội “Phá trằm”

Lê Trường |

“Phá trằm” là hoạt động có từ hàng trăm năm trước, được người dân làng Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), duy trì cho đến ngày nay. Lễ hội này ngày một được tổ chức quy mô, bài bản hơn, với những nét độc đáo riêng có ở vùng quê Trà Lộc.


Năm nay, lễ hội “Phá trằm” được tổ chức thu hút sự quan tâm của rất đông người dân địa phương cũng như du khách ở khắp mọi nơi. Từ sáng sớm, nhiều người tập trung về Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc để chờ tới thời điểm phát lệnh “phá trằm” bắt cá.

Sau tiếng trống khai hội của người đứng đầu làng Trà Lộc, hàng trăm người dân mang theo các ngư cụ như: nơm, rớ, lưới, vợt, rổ, rá, oi… lội xuống bùn ra giữa hồ để bắt cá. Hoạt động này không chỉ thu hút thanh niên mà người già, trẻ em và phụ nữ cũng hào hứng tham gia. Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi COVID-19, năm nay, lễ hội “Phá trằm” được tổ chức đúng dịp nghỉ lễ quốc khánh, nên lượng người tham gia đông hơn mọi năm, có nhiều người ở các tỉnh khác cũng về đây lội bùn bắt cá.

Người dân Trà Lộc nô nức “phá trằm” -Ảnh: L.T
Người dân Trà Lộc nô nức “phá trằm” -Ảnh: L.T

Chị Nguyễn Phan Kiều Trinh, quê ở tỉnh Phú Yên, trong thời gian nghỉ lễ về Quảng Trị để thăm người thân đã tranh thủ đến tham gia lễ hội và vui vẻ chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia, trải nghiệm một lễ hội như thế này. Điều đặc biệt khi tham gia hoạt động là được hòa mình vào thiên nhiên, thử sức tay nghề bắt cá của mình với những dụng cụ sẵn có, tôi thấy rất thú vị”.

Người tham gia lễ hội “Phá trằm” không quan trọng việc bắt được cá hay không, mà chủ yếu tham gia để lấy hên, cầu may mắn. Ông Lê Toản, người dân làng Trà Lộc, xã Hải Hưng, hào hứng cho biết: “Năm nào tổ chức lễ hội thì năm đó tôi đều tham gia. Tham gia “phá trằm” bắt cá để cầu cho vụ mùa tới thắng lợi, việc bắt được cá hay không không quan trọng, mà căn bản là tạo cho mình niềm vui, tinh thần phấn khởi. Các loại cá trong trằm rất nhiều và đa dạng như cá lóc, trê, trắm cỏ, rô phi...”.

Theo Hội chủ làng Trà Lộc Lê Khái, “phá trằm” là lễ hội có lịch sử khoảng hơn 300 năm trước. Đây được xem là ngày hội thuần nông của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. “Đây là ngày hội diễn ra một lần duy nhất trong năm và trước khi tổ chức, nước ở trong trằm sẽ được xả cạn. Đồng thời, thông tin “phá trằm” sẽ được thông báo rộng rãi cho mọi người được biết để tham gia”, ông Khái nói thêm.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hưng, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc Cáp Xuân Tường cho biết: Trước đây, sau mỗi đợt thu hoạch lúa vụ hè thu, bà con thường xả hết nước trong trằm để bắt cá làm thực phẩm. Đồng thời, việc xả nước bắt cá nhằm giúp làm sạch lòng hồ, thay thế nguồn nước mới, cải tạo cảnh quan.

Về sau, việc làm này trở thành thông lệ truyền thống và được địa phương quan tâm tổ chức thành lễ hội. “Nét độc đáo của lễ hội “Phá trằm” là người tham gia chỉ được phép bắt cá bằng các ngư cụ với phương pháp thủ công, không được sử dụng điện hoặc các phương pháp đánh bắt tận diệt. Quá trình “phá trằm” nếu ai bắt được cá lớn, phải hô lên thật to để động viên và tạo phong trào cho những người khác”, ông Tường chia sẻ thêm.

Trằm Trà Lộc là một khu đầm lầy ngập nước rộng khoảng 10 ha, xung quanh là rừng nguyên sinh và thảm thực vật rộng chừng 100 ha. Theo cách gọi của người dân địa phương, “trằm” là bàu nước, hay còn có tên là bàu Giàng. Trằm tọa lạc giữa vùng tiếp giáp đồi cát và vùng đồng bằng ruộng trũng.

Đây là nơi hội tụ các mạch luồng, mạch nước từ trong những cồn cát tiết ra, dẫn về theo vô số các lạch nhỏ, nhiều cá, đặc biệt cá lóc, rô, diếc… Lễ hội “Phá trằm” là hoạt động truyền thống của làng Trà Lộc đã có từ hàng trăm năm trước. Lễ hội được tổ chức vào trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm nhằm xả nước trong hồ để bắt cá sau khi dân làng đã thu hoạch vụ lúa hè thu.

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, cơ sở hạ tầng ở Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc được xây dựng, cơ bản đáp ứng phục vụ khách du lịch. Thêm vào đó, năm nay, lễ hội “Phá trằm” được tổ chức quy mô, bài bản hơn nên đã thu hút đông đảo người dân và du khách trong, ngoài địa phương đến tham gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá cho biết: Nét riêng có của lễ hội “Phá trằm” ở làng Trà Lộc là bất kỳ ai cũng có thể tham gia, không kể người già, trẻ nhỏ, phụ nữ. Người tham gia chỉ được bắt cá bằng tay với dụng cụ thô sơ, gặp cá to thì có thể mang về, còn cá nhỏ thì phải thả lại trằm.

“Để bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội “Phá trằm”, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung xây dựng đề án phát triển du lịch tại Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, kết hợp với việc tổ chức thường niên lễ hội này nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng”, ông Tá thông tin thêm.

Trải qua thời gian, mặc dù không còn vẹn nguyên như xưa nhưng nét đẹp của lễ hội “Phá trằm” vẫn được người dân Trà Lộc gìn giữ, bảo tồn. Thông qua lễ hội, cảnh quan lòng hồ Trà Lộc ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tạo sân chơi, thu hút khách du lịch gần xa đến với Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Độc đáo cây sáo tỏ tình của đồng bào dân tộc Cơ Tu

Phan Lâm - Hoàng Đạt |

Những tiếng đàn tiếng sáo vang lên đầy tình tứ, hòa trong tiếng chim hót và tiếng suối reo - là những âm thanh thể hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của những chàng trai Cơ Tu đang tuổi cập kê.

Khai mạc hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 22

Bích Hồng |

Với quy mô gần 200 gian hàng, hội chợ thu hút 29 doanh nghiệp quốc tế đến từ Australia, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, New Zealand.

Phố cà phê đường tàu vắng lặng sau lệnh cấm dừng hoạt động

Hoàng Toàn |

Ngày 15/9, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã rào chắn tại các lối vào cà phê đường tàu, nhằm ngăn chặn du khách, người dân không vào chụp ảnh.

Rộn ràng Lễ hội thu hoạch cá tại trằm Trà Lộc

PV |

Ngày 3 tháng 9 năm 2022, hàng trăm người nô nức tham gia Lễ hội phá trằm tại khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).