Những tiếng đàn tiếng sáo vang lên đầy tình tứ, hòa trong tiếng chim hót và tiếng suối reo - là những âm thanh thể hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của những chàng trai Cơ Tu đang tuổi cập kê.
Giữa mệnh mông núi rừng của dãy núi Trường Sơn linh thiêng, hùng vĩ, đồng bào Cơ Tu sinh sống từ bao đời nay với những nét đẹp văn hóa không thể nhầm lẫn với bất cứ dân tộc nào.
Hoà trong tiếng chim hót, tiếng suối reo, những tiếng đàn tiếng sáo vẫn vang lên đầy tình tứ, thể hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của những chàng trai cô gái đang tuổi cập kê.
Người Cơ Tu gọi cây sáo này là sáo tỏ tình, bởi từ những con người xa lạ, đôi nam nữ có tình ý thường mượn sáo để bày tỏ tình cảm của mình đến đối phương một cách tinh tế.
Tiếng sáo của người đàn ông có lúc thiết tha nhớ thương, khi lại đầy khát khao tình ái. Theo các bậc cao niên, để làm ra cây sáo này tuy không khó nhưng đòi hỏi phải tinh tế cả trong cách làm và cách thổi để truyền tải được những tâm tư trong lòng.
Những người trung tuổi trong các thôn bản của vùng núi Tây Giang cho biết thời các bác, các ông về trước, không một người đàn ông nào không biết thổi sáo, chơi đàn. Có thể nói, ngoài những yêu cầu như giỏi săn bắt, điêu khắc đẹp, giỏi làm nương rẫy thì biết thổi sáo là một trong những tiêu chí kén chồng của các cô gái Cơ Tu.
Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, những chuyện tình đẹp và thuỷ chung được viết nên từ tiếng sáo có thể ví như một bản nhạc hoàn chỉnh nơi núi non trùng điệp. Đó cũng là những âm thanh của tình yêu đầy khát khao, hòa mình cùng giá trị bất biến của văn hoá dân tộc.
(Nguồn: Vietnam+)