Khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch

Thanh Trúc |

Thị xã Quảng Trị gắn với nhiều di tích lịch sử, chiến tranh cách mạng. Vì thế, việc phát huy các giá trị lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cũng như phát triển du lịch là yêu cầu và mục tiêu phát triển của thị xã.

Lần thứ 2 trở về thăm lại chiến trường xưa Thành Cổ Quảng Trị, nơi mà 50 năm trước, ông Đỗ Đức Phòng, cựu chiến binh Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ không khỏi xúc động bởi sự đổi thay của mảnh đất này. “Thị xã Quảng Trị đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ từ hoang tàn, đổ nát khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Chúng tôi, những người lính từng chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến thực sự khâm phục ý chí vươn lên của người dân nơi này. Không chỉ những người lính chúng tôi muốn tìm về để thăm lại chiến trường mà những địa danh lịch sử như Thành Cổ, di tích Ngã ba Long Hưng và Nhà thờ Long Hưng, Nhà hành lễ-Bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc và sông Thạch Hãn... chính là một chuỗi địa điểm kết nối để thu hút khách du lịch trong phát triển du lịch tâm linh chính là thế mạnh của địa phương”.

Một góc tri ân tại Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: T.T
Một góc tri ân tại Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: T.T

Những năm qua, cùng với huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, thị xã Quảng Trị đã chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch như hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối các điểm di tích, trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình tưởng niệm. Đặc biệt, chuỗi địa điểm Thành Cổ-Tháp chuông-Quảng trường Giải phóng-Nhà hành Lễ-Bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc sông Thạch Hãn được kết nối tạo nên “không gian thiêng” trong miền tưởng niệm Thành Cổ.

Khởi nguồn ý tưởng tổ chức từ năm 2012, chương trình “Đêm hoa đăng” đã trở thành hoạt động thường xuyên vào đêm 14 âm lịch hằng tháng với hình thức xã hội hóa. Đến nay, chương trình “Đêm hoa đăng” đã được tỉnh công nhận chính thức là một lễ hội mang đặc trưng riêng của thị xã Quảng Trị. Để khai thác tối ưu các địa điểm di tích lịch sử và di tích văn hóa trên địa bàn, địa phương cũng đã kết nối Trung tâm Di tích Thành Cổ với Cụm di tích lưu niệm 81 ngày đêm, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổ đình sắc tứ Tịnh Quang, Nhà thờ La Vang, Nhà thờ Trí Bưu, Nghĩa Trủng đàn...tạo chuỗi liên hoàn cho du khách tham quan.

Từ năm 2018 đến nay, thị xã đã tổ chức và duy trì hoạt động của phố đi bộ Ngô Quyền, định kỳ tổ chức các hoạt động tri ân, tưởng niệm kết hợp với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đường phố để thu hút du khách. Từ những nỗ lực trong khai thác hệ thống di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch, trong giai đoạn 2015-2020, thị xã Quảng Trị thu hút trên 1,78 triệu lượt du khách, tập trung vào các dịp lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước.

Tuy vậy, so với dư địa vốn có, du lịch thị xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng bởi sản phẩm du lịch hiện có không nhiều, quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu và yếu, nguồn vốn đầu tư công dành cho phát triển du lịch còn thấp. Công tác tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch chưa thực sự hiệu quả…

Vì vậy, Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định không gian phát triển du lịch thị xã Quảng Trị thuộc cụm du lịch phía Nam, yếu tố trung tâm là Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu giữ sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Trọng tâm phát triển du lịch là khu vực Thành Cổ, sản phẩm chủ yếu là du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch thương mại công vụ, nghỉ dưỡng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định: “Xây dựng thị xã Quảng Trị giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, phấn đấu đạt đô thị loại III vào năm 2025, hướng đến đô thị mang biểu tượng vì Hòa bình”.

Đô thị mang biểu tượng vì Hòa bình mà thị xã hướng tới mang đặc trưng của một vùng đất đi lên từ sự hủy diệt của chiến tranh, đang hồi sinh và phát triển giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, là điểm đến tri ân và tâm linh, điểm hẹn của nhân loại yêu chuộng hòa bình, trung tâm tổ chức các sự kiện vì Hòa bình.

Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm cho biết: “Để thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến, không gian vì Hòa bình, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Quảng Trị, trước hết thị xã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch. Khai thác, phát huy lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương, đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác, phát triển du lịch.

Ngoài ra quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Tích cực chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong các dịch vụ du lịch, cung cấp mạng wifi miễn phí tại trung tâm, các tuyến phố đi bộ và các điểm du lịch; từng bước số hóa các thông tin về các điểm đến du lịch”.

Thị ủy Quảng Trị, Báo Quảng Trị, Báo Kinh tế&Đô thị thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: H.N.K
Thị ủy Quảng Trị, Báo Quảng Trị, Báo Kinh tế&Đô thị thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: H.N.K

Trước mắt, thị xã Quảng Trị tập trung hoàn thành dự án các khu đô thị mới, các dự án trọng điểm, một số công trình điểm nhấn hai bên bờ sông Thạch Hãn...Đầu tư tôn tạo, bảo tồn, nâng cấp và phát huy giá trị các di tích văn hóa-lịch sử; phối hợp triển khai dự án nâng cấp, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và các hạng mục phụ trợ. Nâng cấp, hình thành các tour, tuyến du lịch của thị xã đã được xác định. Duy trì và nâng cao chất lượng tuyến phố đi bộ Ngô Quyền.

Đầu tư hạ tầng cấp điện, cấp nước, thoát nước, cảnh quan môi trường, xử lý chất thải...phục vụ phát triển du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, khai thác có hiệu quả các khu vực chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn 3 sao trở lên, bãi đỗ xe du lịch kết hợp các dịch vụ tổng hợp tại các vị trí đã được quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi thành phần kinh tế đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Quy hoạch sắp xếp và nâng cấp, xây dựng các cơ sở dịch vụ nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí, tạo cơ sở hạ tầng tốt nhất phục vụ khách lưu trú trên địa bàn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III tại Điện Biên

PV |

Với chủ đề “Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai", Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, diễn ra từ ngày 1 - 3/10/2022, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với tỉnh Điện Biên, các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh có chung tuyến biên giới với nước bạn Lào tổ chức.

Hội thảo về phát triển du lịch huyện Hướng Hoá sẽ diễn ra vào ngày 15/9

Bảo Phú |

Hội thảo về phát triển du lịch huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) sẽ diễn ra vào ngày 15/9/2022 tại thị trấn Khe Sanh.

Hồ Tân Độ sẽ mang lại tiềm năng du lịch lớn cho thị trấn Khe Sanh

Bảo Phú |

Ngày 11/9, Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị phối hợp UBND thị trấn Khe Sanh (Hướng Hoá) đã tổ chức Lễ trồng cây Osaka đỏ tại hồ Tân Độ, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn - thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thực chất hơn

Thanh Trúc |

Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu Quảng Trị.