Ngũ Hành Sơn và liên kết du lịch vùng theo dấu chân vua Minh Mạng (kỳ 1)

Tường Minh |

Ba địa phương Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam có thể liên kết với nhau để cùng đầu tư và khai thác một tour du lịch độc đáo bằng đường thủy lần theo dấu chân vua Minh Mạng từ Huế vào Hội An, ra Ngũ Hành Sơn. Và câu chuyện liên kết, bắt đầu bằng huyền tích về một bà công chúa con gái vua Gia Long.

Nhiều sử liệu đã ghi chép về chuyện có một bà công chúa em vua Minh Mạng, con vua Gia Long đến tu tại Ngũ Hành Sơn, nhưng không rõ nàng công chúa ấy tên gì và do cơ duyên nào mà đã rời bỏ cung vàng điện ngọc ngoài Huế để vào tận Ngũ Hành Sơn tu tập.

Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên
Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thuần, vua Gia Long có tất cả 18 nàng công chúa: 4 người là chị và 14 người là em vua Minh Mạng. Trong số 14 người đó có nàng công chúa thứ mười cuộc đời gặp phải cảnh ngộ rất éo le bi đát là An Nghĩa Công chúa tên là Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn sinh năm 1804.

Bà là con gái thứ mười của vua Gia Long, mẹ là Đức phi Lê Thị Bình (em của Công chúa Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung). Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mệnh đã gả bà cho ông Lê Văn Yến là con trưởng của ông Lê Văn Phong và là con thừa tự của Tả quân Lê Văn Duyệt (anh Lê Văn Phong). Năm Ất Mùi (1835), xử vụ án Lê Văn Duyệt, Lê Văn Yến bị tội phải chết.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thuần, trong Gia phả họ tộc Lê Văn còn ghi rõ thêm một số sự kiện: Năm 1836, triều đình xét xử vụ nổi loạn chiếm thành Phiên An của Lê Văn Khôi (con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt), các quan triều đình đã dâng sớ lên vua Minh Mạng buộc Lê Văn Duyệt 7 tội phải chết.

Vua Minh Mạng nghị triều phán xét Lê Văn Duyệt dù đã chết, tội vẫn phải truy; lẽ ra đào mộ phanh thây, nhưng nghĩ công lao của Lê Văn Duyệt với tiên đế, nên ra chỉ dụ san bằng mồ mả Lê Văn Duyệt ở xã Bình Hòa (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) và cắm bia khắc chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội).

Năm 1838, kinh thành Huế chứng kiến cảnh đầu rơi, máu đổ của dòng họ Lê Văn. Phò mã Đô úy Lê Văn Yến được vua Minh Mạng ban ân cho tự chết, còn 7 người em kế bị buộc tội làm phản nên giam giữ đến ngày 23 tháng 3 năm Mậu Tuất (1838) thì đưa ra hành quyết. Con cháu họ tộc Lê Văn từ 15 tuổi trở lên đều quy tội chết, dưới 15 tuổi trảm giam hậu. Con của Lê Văn Yến do còn nhỏ nên khỏi tội chết, đưa đi an trí ở Cao Bằng.

Bên trong Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên
Bên trong Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên

Tuy Nguyễn Phúc tộc thế phả và Gia phả họ tộc Lê Văn không nói gì đến việc công chúa Ngọc Ngôn đi tu, nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến công chúa xuất gia đã được thể hiện qua bài thơ là “chu tử ngán mùi, đỉnh chung lợm giọng” thì rất phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của nàng công chúa ấy. Vì thế lúc bấy giờ, nàng chỉ biết tìm sự giải thoát qua câu kinh tiếng kệ ở chốn thiền môn: “Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm/ Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa”.

Khi các con của mình bị đày ra Cao Bằng được tha về (1847) thì công chúa cũng rời Ngũ Hành Sơn trở về sống với các con tại phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở thôn Phú Mộng (nay là số 20 đường Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế), đến năm 1854 bà đã được vua Tự Đức phong An Nghĩa Thái trưởng công chúa. Bà qua đời năm 1856, thọ 53 tuổi, mộ đặt gần mộ ông Lê Văn Yến ở làng Nguyệt Biều, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên.

Sự kiện công chúa Ngọc Ngôn đi tu ở Ngũ Hành Sơn cũng được ghi lại trong nhiều tài liệu của các học giả nước ngoài. Điển hình là một đoạn viết được tìm thấy trong chuyện kể của Itier trong bản dịch “Núi đá hoa cương” của Phan Xưng, in trong “Những người bạn cố đô Huế”, tập 11, 1924:

“Đây là một thạch thất, là nơi mà một nữ trinh nguyên luống tuổi, con vua Gia Long, em vua Minh Mạng đang làm vua tại Nam Kỳ, đã muốn đổi những tiếng ồn vô ích tại triều đình, để lấy về những âm thanh u huyền của gió mùa đông bắc rì rầm xuyên qua các hòn núi đá; đổi sự nhộn nhịp của những gì cao sang vua chúa để lấy về sự tịch mịch lắng trầm; đổi sự sang trọng xa hoa của ngôi cao công chúa để lấy về một vẻ đẹp đơn thường và nghiêm khắc của một chiếc áo mộc mạc mà thiên nhiên đã ôm ấp, với một tấm vải liệm màu trắng và đặt cho nằm yên giữa cảnh trời và nước, như muốn chỉ rõ cho nhữg người dân xung quanh biết rằng  nếu đang ở đây thì cũng đã là thoát khỏi mặt đất trần tục đó rồi”.

Một góc Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên
Một góc Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên

Nhiều nhà biên khảo về sự kiện này đều cho rằng, vua Minh Mạng đã nhiều lần cho quan đại thần đến Ngũ Hành Sơn triệu công chúa về để kén phò mã, nhưng công chúa đã từ chối và gởi về cho nhà vua bài thơ bày tỏ ý nguyện theo đường tu hành nên vua không ép bà nữa.

Tương truyền, công chúa ra điều kiện nếu ai họa được bài thơ thì nàng sẽ kết hôn, nhưng không ai họa nổi: “Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ! Càng nhìn càng ngẫm lại càng nhơ! Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm/ Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa/ Chu tử ngán mùi nên vải ấm/ Đỉnh chung lợm giọng hóa chay ưa/ Lên đài cứu khổ toan quay lại/ Bể ái trông ra nước đục lờ”.

(Nguồn: Vivu 247)

TAGS

Người dân đổ xô về suối Tà Đủ tránh nóng

Minh Anh |

Những ngày qua, do ảnh hưởng của thời tiết, khu vực Quảng Trị có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ; vùng núi phía tây có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao nhất 40-42 độ. Để chống lại nắng nóng trong 2 ngày cuối tuần, nhiều người dân sống tại huyện Hướng Hóa đã đổ về suối Tà Đủ (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) nghỉ ngơi, tắm suối.

Vương cung Thánh đường La Vang

Thạch Hãn |

Vương cung Thánh đường La Vang (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) là một trong những địa chỉ hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam.

Đồi cỏ đẹp mê hồn ở Hướng Hoá

Nguyễn Công |

Đồng cỏ mênh mông, xanh mướt trả dài ngút ngàn như một sân golf bỏ hoang là nơi vui chơi lý tưởng cho những gia đình vào dịp cuối tuần.

Phía thượng nguồn sông Hiếu

Xuân Dũng |

Về làng Đâu Bình vào những ngày cuối tháng 4 đáng nhớ khi tiết trời đã bắt đầu mùa nắng hạ. Chiếc cổng làng dù ghi địa danh hành chính vẫn không quên nhắc nhở cội nguồn. Đây là địa bàn cực Tây của xã Cam Tuyền ( Cam Lộ, Quảng Trị) vừa không xa sông lại vừa gần với núi.