Gặp nhau tại trụ sở UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) sau khi nghe tôi chia sẻ cảm xúc vừa đi qua những làng quê thanh bình, xe bon bon như trôi trên tuyến đường nhựa rộng rãi, êm thuận dẫn vào tận từng ngõ nhà nằm lẫn giữa bóng cây và bóng nắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cam Tuyền Lê Văn Tỵ rủ rê: “Anh đã cất công lên đến đây rồi, dấn thêm chút nữa, vào thôn Bản Chùa, gặp Bí thư Chi bộ Hồ Văn Một - người có uy tín của địa phương, anh sẽ có câu trả lời vì sao trong hút tầm mắt từ vùng bán sơn địa này lên tít tắp chân núi Phu Lơ, đồng xanh, rừng xanh, bản làng đổi mới, lòng người bình yên như bây giờ”...
Lớp cha trước, lớp con sau...
Tin theo lời anh Tỵ, tôi đã vào Bản Chùa trong một buổi sáng an hòa và gặp được nhân vật mà qua từng câu chuyện kể, nói như cách nói của anh Tỵ, tôi đã có câu trả lời vì sao người thanh niên điển trai Hồ Văn Một mới bước qua tuổi 37 thôi mà đã có thời gian đảm đương cương vị Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, người có uy tín ở Bản Chùa khá nhiều năm, được bà con dân bản tin yêu, đảng viên, cán bộ địa phương quý mến, cấp trên khen ngợi.
“Tôi sinh năm 1987, mới đó mà cũng đã chạm mốc tuổi 37 rồi đó anh”- Hồ Văn Một bắt đầu câu chuyện với tôi trong ngôi nhà xây khang trang hướng mặt ra con đường xuyên bản trải nhựa phẳng lỳ. Góp nhặt từng lời chia sẻ của anh Một, tôi biết thêm bố của anh là ông Hồ Miệt cũng đã có thời gian dài làm Bí thư Chi bộ thôn Bản Chùa qua nhiều nhiệm kỳ. Theo anh Một, thời còn tuổi ăn, tuổi học, thấy bố thức khuya dậy sớm, tóc bạc đi nhiều do trăn trở, lo toan việc nhà, việc bản, anh đã muốn mình lớn thật nhanh, học thật giỏi, có sức vóc thật nhiều để cùng ghé vai chia sẻ việc riêng, việc công với bố, góp sức mình xây dựng bản làng.
Bản Chùa là địa phương duy nhất của huyện Cam Lộ có 100% người đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Vùng đất này, do vậy cũng có một số phận đặc biệt. Đứng ở trung tâm bản, vượt lên tầm mắt là chạm đỉnh núi Phu Lơ ngạo nghễ. Dưới chân núi, cách xa một quãng là thôn Bản Chùa. Trong ký ức những người cao tuổi của bản, những năm 60 của thế kỷ trước, khi giặc Mỹ thả quân lên đỉnh Phu Lơ xây cứ điểm, đặt hỏa lực để khống chế một vùng vành đai từ phía Tây Gio Linh đến phía Bắc đường 9, không biết cơ man nào là đạn bom, chất độc hóa học phủ xuống rẻo đất lành dưới chân núi. Dẫu vậy, hơn 100 dân bản vẫn bám trụ nơi quê nhà. Đạn bom khốc liệt quá thì tạm lánh vào non xa, đào củ mài ăn thay cơm; tình hình yên ắng một chút lại về trồng sắn, trồng bắp, chăm con gà, con bò, bền gan ủng hộ kháng chiến, quyết không một người nào đi theo giặc. Thanh niên đến tuổi là xung phong theo cách mạng, vào du kích, hỗ trợ bộ đội đánh Mỹ. Năm 1972, Cam Lộ được giải phóng, hòa bình đã trở về với người dân Bản Chùa. Từ hoang tàn đổ nát, dân bản cắn răng vượt qua tình cảnh đói cơm nhạt muối buổi đầu tạo lập cuộc sống thời hậu chiến, quyết từ bỏ phương thức sản xuất lạc hậu “phát, đốt cốt, trỉa” để tìm đường lên no ấm...
Cũng bộn bề khó khăn lắm anh à- Anh Một kể. Hồi đó, ngay từ thị trấn Cam Lộ muốn vào Bản Chùa với quãng đường hơn 8 km mà cũng phải mất gần một giờ đồng hồ. Mỗi lần lãnh đạo huyện vào thăm, chiếc xe U- oát phải gài sẵn cả hai cầu sau trước, lúc ngập mình trong lòng sông Hiếu, lúc nhảy chồm chồm từ tảng đá này sang tảng đá khác trên suối La La, đôi khi phải lấy đà vọt lên những dốc cao gần như dựng đứng.
Đó là vào mùa nắng, còn mùa mưa thì không thể. Cùng với các đồng chí trung kiên của mình, bố anh Một đã phát động một cuộc cách mạng trong làm ăn, chuyển từ sản xuất lúa rẫy sang làm lúa nước, dân bản dần biết làm đất, chọn giống tốt, bón phân, chăm sóc để cây lúa có năng suất cao, nhờ đó dần tự túc được lương thực, không trông chờ vào nguồn gạo cứu trợ của nhà nước nữa. Tận dụng lợi thế của địa phương vùng gò đồi, “kinh tế nghề rừng” cũng đã bắt đầu phát triển.
Chỉ sau chục năm chuyển đổi, đất trống, đồi núi trọc quanh vùng Bản Chùa đã được phủ xanh cây lâm nghiệp. Nhà nào cũng tham gia trồng rừng, lấy rừng làm vốn để tổ chức lại cuộc sống, sản xuất. Rồi người dân mở rộng diện tích trồng lạc, chăn nuôi trâu bò đàn, dê, lợn, gà...Cuộc sống ổn định dần, lòng người cũng an yên hơn.
Có dịp tiếp xúc với cái mới, cái tiến bộ, dân bản ngày càng có nhận thức hơn về các vấn đề xã hội, có thời gian và nguồn lực để chung tay chăm lo cho việc thôn, việc xã, chăm lo cho từng gia đình nhỏ của mình, từ nuôi dạy con cái đến công ăn việc làm, vệ sinh phòng bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống...
“Tất cả mọi thành công đều thuộc về dân bản nhưng công đầu là nhờ những đảng viên trong Chi bộ Bản Chùa. Họ đã đi tiên phong trong mọi phong trào thi đua yêu nước, họ “cầm tay chỉ việc” từng phần việc nhỏ, việc lớn trong làm ăn, tổ chức cuộc sống để dân bản làm theo. Họ tận tâm, tận tụy vì quê hương mình, bản làng mình, đồng bào mình. Sống và chia sẻ với bố mình, đồng chí của bố, tôi đã học ở bố mình và các bậc đi trước nhiều điều tốt đẹp và ấp ủ khi trưởng thành cũng sẽ làm theo họ, góp sức làm cho bản làng mình ngày càng no ấm hơn”, anh Hồ Văn Một chia sẻ.
Tiên phong nhưng không cô đơn
Anh Hồ Văn Một cho biết, vốn ấp ủ nhiều dự định cho tương lai nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự, được biên chế vào lực lượng Biên phòng Quảng Trị. Sau khi ra quân, anh trở về quê rồi vào Huế học đại học. Học được gần một năm, do đau ốm, sức khỏe yếu, anh quay về địa phương, tham gia công tác đoàn và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Hiện nay, với cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, người có uy tín của Bản Chùa, anh đã cùng 14 đảng viên trong chi bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thôn Bản Chùa có 101 hộ, 380 nhân khẩu, người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi...
Tôi hỏi anh Một: “Trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế, có điều gì đặt ra khó khăn nhất và chi bộ đã tìm ra giải pháp để tháo gỡ, đem lại hiệu quả?”. Anh Một không trả lời ngay vào câu hỏi của tôi mà nhẩn nha kể câu chuyện chuyển hướng làm ăn anh cho là “rất ngoạn mục” của dân bản mình.
“Trong năm vừa qua, thực hiện đề án của Đảng ủy xã về nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân Bản Chùa, tôi cùng các cán bộ trong ban điều hành thôn tuyên truyền vận động bà con chuyển đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Kết quả bà con đã trồng được 0,5 ha cây cà gai leo, 4 sào cây thìa canh, 1 sào cây tía tô, đến nay đã cho thu hoạch, nguồn tiền thu vào cao hơn nhiều so với các loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích. Trong chăn nuôi, chúng tôi tuyên truyền bà con mở rộng mô hình trang trại. Đến nay toàn thôn có 5 mô hình trang trại nuôi dê, 2 mô hình trang trại nuôi lợn thả vườn, các mô hình nuôi trâu bò theo lối truyền thống được duy trì với số lượng hàng chục con. Bà con cũng duy trì diện tích cây sắn 27 ha, năng suất đạt 34 tấn/ha, 9 ha lúa nước, năng suất đạt 40 tạ/ha. Duy trì diện tích rừng trồng hàng chục héc ta...
Trong quá trình công tác, anh Hồ Văn Một đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen do có nhiều thành tích trong công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, năm 2023; giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị do có nhiều thành tích trong phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022; có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương năm 2023; Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cam Tuyền tặng giấy khen đã có thành tích tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2024.
Đặc biệt, Cam Lộ được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, trong trào lưu đó, thôn Bản Chùa cũng đã nỗ lực để có những đóng góp tích cực.
“Lúc đầu vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung là không hề dễ dàng. Do vậy, chúng tôi là những đảng viên phải đi trước, làm trước, nêu gương. Dần dần người dân thấy được tầm quan trọng của sự chung tay, góp sức từ cộng đồng sẽ đem lại lợi ích cho bản làng mình, gia đình mình, nên đã tích cực hưởng ứng”, anh Một bộc bạch.
Kết quả trong các năm 2023-2024, bà con đã hiến hơn 600 mét dài đất để làm đường bê tông; khi xây dựng cầu qua suối La La, bà con hiến 3 sào ruộng lúa và nhiều cây cao su đang độ khai thác; xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, đường hoa dài 500 m...
Trò chuyện với anh Hồ Văn Một, tôi lại nhớ tới câu nói của một nhân vật trong quyển sách xưa: “Những người tiên phong thì thường cô đơn”. Ngụ ý của câu nói này có lẽ là do những điều mới mẻ sẽ luôn gặp trở lực từ những thói quen tư duy cũ. Khi đưa ra cái mới, người ta lại phán xét bằng kinh nghiệm nhưng kinh nghiệm vốn được xây dựng bằng những kiến thức cũ và rất dễ xung đột với cái mới. Tuy nhiên, đối với trường hợp của anh Một, sự vận vào câu nói “tiên phong thì thường cô đơn” lại không đúng. Là một người “đứng mũi chịu sào” trong mọi phong trào của địa phương, tiên phong đưa cái mới mẻ để thay đổi tư duy làm ăn, nhận thức cuộc sống theo hướng tiến bộ cho bà con dân bản, nhưng anh Hồ Văn Một không hề đơn độc.
Xung quanh người Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận, người có uy tín Hồ Văn Một là đông đảo dân bản một lòng tin Đảng, các đồng chí, anh em, bạn bè cấp thôn, cấp xã và cấp cao hơn luôn nhiệt tình ủng hộ để cho cái mới, cái tiến bộ “nở hoa kết trái” trong cuộc sống bà con nơi vùng đất cách mạng Bản Chùa...Làm được như vậy, chung quy lại, phải có sức mạnh từ nội lực và tinh thần bên trong, luôn dấn thân vì bản làng mình, đồng bào mình. Và Hồ Văn Một là một người như thế.
Là một Bí thư Chi bộ sát dân nhất, gần dân nhất, bộn bề công việc nhất, lắm lo toan, trăn trở nhất..., bằng trách nhiệm của một đảng viên và sự tin tưởng của bà con dân bản, qua bao nỗ lực phấn đấu, kiên trì, khó nhọc, anh Hồ Văn Một đã có một chỗ đứng được tạo dựng từ bao vun vén yêu thương của đồng đội, đồng chí và truyền thống cách mạng của gia đình...Mong và tin Hồ Văn Một sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa cho đồng bào mình, quê hương mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)