Người Vân Kiều ở Chênh Vênh làm quen với du lịch cộng đồng

Ngọc Trang |

Thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được xem là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, thời gian gần đây chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, dự án phi chính phủ nước ngoài khảo sát, định hướng cho người Vân Kiều nơi đây phát triển du lịch bằng cách khai thác những điều kiện sẵn có để góp phần quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.


Từ tiềm năng, lợi thế...

Chênh Vênh là thôn có 100% dân số người đồng bào dân tộc Vân Kiều, sống chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Do tập quán sản xuất lạc hậu, các loại cây trồng truyền thống cho năng suất, chất lượng thấp nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng của huyện, hiện nay Chênh Vênh quản lý, bảo vệ trên 670 ha rừng. Với hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, đa dạng, lại được cộng đồng chăm sóc và bảo vệ tốt, nên diện tích rừng này được coi là một trong những khu rừng nguyên sơ và đây cũng là một trong 2 khu rừng cộng đồng đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế (FSC) vào cuối năm 2021, trong đó có rừng tre vầu - một khu rừng tuyệt đẹp được đông đảo khách du lịch tìm đến tham quan, khám phá.

Người Vân Kiều ở Chênh vênh xây dựng gian hàng nông sản phục vụ khách du lịch - Ảnh: N.T
Người Vân Kiều ở Chênh vênh xây dựng gian hàng nông sản phục vụ khách du lịch - Ảnh: N.T

Chênh Vênh còn có một thác nước nguyên sơ, hùng vĩ nằm lọt thỏm giữa rừng đại ngàn. Thác có độ cao hơn 20m, trông như một dải lụa vắt qua cánh rừng già, phía bên dưới có nhiều hồ nước vừa và nhỏ, nước trong xanh quanh năm. Thác Chênh Vênh được du khách khắp nơi lựa chọn làm điểm đến, nhất là vào mỗi dịp hè.

Ngoài tài nguyên thiên nhiên thì các sản phẩm nông nghiệp cũng được coi là tiềm năng phục vụ phát triển du lịch tại Chênh Vênh. Với đặc trưng khí hậu và thời tiết ôn hòa, địa phương phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó tiêu biểu là sản phẩm cà phê arabica. Với diện tích gần 100 ha, chất lượng thơm ngon rất đặc trưng, cà phê arabica ở Chênh Vênh hiện đang góp phần xây dựng thương hiệu cà phê chất lượng cao ở Hướng Phùng.

Ngoài ra, một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác như nếp than, măng rừng, gừng, nghệ, ớt, ngô, cà và một số loại cây ăn quả như xoài, nhãn, thanh long… cũng có chất lượng cao. Cùng với các tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi thì bản Chênh Vênh còn có một tiềm năng rất đặc biệt, đó chính là bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng của đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Với 100% dân số là người Vân Kiều, hiện nay Chênh Vênh vẫn còn bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là lễ hội cồng chiêng, ẩm thực, trang phục, đan lát và các làn điệu dân ca truyền thống thu hút sự tìm tòi, khám phá và trải nghiệm của du khách mỗi khi đến với Chênh Vênh.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho biết: “Với lợi thế có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, chính quyền địa phương đang định hướng, chỉ đạo phát huy những tiềm năng này ở Chênh Vênh. Lâu nay chỉ quen làm nương rẫy nên bước đầu chắc chắn việc làm du lịch của người dân sẽ gặp khó khăn. Do đó, xã sẽ tập trung tuyên truyền, vận động bà con dần làm quen, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để hướng tới xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị để cùng hỗ trợ Chênh Vênh phát huy tiềm năng của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo tồn văn hóa”.

...đến khai thác “nghề mới”

Sau khi được chính quyền địa phương và các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài định hướng, hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng, gia đình chị Hồ Thị Thắng và anh Hồ Văn Quý là một trong những hộ người Vân Kiều đầu tiên ở xóm Rơ Vê, thôn Chênh Vênh tiên phong đăng ký tham gia làm du lịch cộng đồng. Gia đình anh Quý chủ động chuẩn bị rất chu đáo các điều kiện làm du lịch. Căn nhà sàn mới được xây dựng khang trang được anh chị dành căn gác bếp, phòng ngủ, phòng khách để đón khách lưu trú; đào 2 ao cá phục vụ dịch vụ câu cá và dựng nhà sàn nhỏ để bày bán hàng nông sản, rượu cần phục vụ khách du lịch.

Chị Thắng chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui khi được tham gia làm du lịch tại cộng đồng. Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị các công cụ lao động của người Vân Kiều để khách trải nghiệm như câu cá, thu hoạch nông sản; xây dựng gian hàng ẩm thực, nông sản nhỏ bày bán để phục vụ khách du lịch”.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và chính quyền địa phương, các hộ dân ở xóm Rơ Vê đã cải tạo 5 nhà sàn, xây mới 1 nhà sàn làm nhà lưu trú, trưng bày trang phục truyền thống; xây dựng công trình vệ sinh, điện mặt trời, giếng nước, khu vực trưng bày nông sản, vườn rau sạch, vườn hoa…; trang bị một số vật dụng cần thiết cho nhà trưng bày và nhà lưu trú như: Quạt điện, chăn, ga, gối, màn và trang phục truyền thống của người Vân Kiều. Để triển khai mô hình một cách bài bản, có hệ thống, UBND xã Hướng Phùng đã có quyết định thành lập tổ quản lý mô hình du lịch cộng đồng sinh thái Chênh Vênh với 21 thành viên. Tổ quản lý được phân thành 3 tổ chính (mỗi tổ gồm có 7 thành viên).

Theo đó, các tổ đảm nhiệm công việc tiếp đón, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm nhà sàn, trang phục truyền thống, văn hóa - văn nghệ, tắm suối, xúc cá ở suối… tại xóm Rờ Vê; tiếp đón, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm ngắm cảnh, thả diều, cắm trại tại đồi Sa Mươi và tham quan rừng tre vầu; đón và hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm tại thác Chênh Vênh. Mặc dù khởi động chưa lâu nhưng mô hình được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Kể từ lúc đi vào hoạt động đến nay, đã có gần 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại vùng sơn cước tươi đẹp này.

Mặc dù còn mới lạ với làm du lịch nhưng người Vân Kiều ở Chênh Vênh đã chủ động trong việc tiếp cận, học hỏi và sẵn sàng tham gia làm du lịch. Tích cực tham gia các lớp tập huấn, học tập mô hình, thực hiện các buổi thực hành thử nghiệm các hoạt động phục vụ khách du lịch, qua đó đúc rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thực hiện mô hình hiệu quả.

Gần đây nhất, người dân ở Chênh Vênh đã đến tham quan, học tập mô hình du lịch cộng đồng tại xã A roàng, A nô của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Bên cạnh đó, tham gia mô hình “Phiên chợ cuối tuần”, chuẩn bị chu đáo về sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cũng như những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để giới thiệu với du khách.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh là mô hình du lịch dựa vào cộng đồng dân tộc thiểu số đầu tiên được triển khai tại huyện Hướng Hóa. Tuy đang trong thời gian vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện nhưng sớm được đông đảo du khách đón nhận. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục định hướng hỗ trợ phát triển mô hình này nhằm khai thác tiềm năng sẵn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa của người Vân Kiều tại đây”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người phụ nữ đi đầu phát triển kinh tế ở thôn Chênh Vênh

Ngọc Trang |

Không cam chịu đói nghèo, chị Hồ Thị Mươn ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quyết tâm đổi mới phương thức phát triển kinh tế bằng cách đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp.

Kết nối thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại thôn Chênh Vênh

Ngọc Trang |

Trong khuôn khổ thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ,  ngày 25/5, Tổ chức  Elvetas Việt Nam - đơn vị thực hiện Tiểu hợp phần 6: “Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng”, phối hợp với Công ty Cổ phần Thương Mại và dịch vụ Ken Group (Ken Travel), UBND xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và Cộng đồng cụm du lịch sinh thái Chênh Vênh tổ chức hội nghị triển khai hoạt động kết nối doanh nghiệp và cộng đồng để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại thôn Chênh Vênh.

Điểm du lịch Chênh Vênh có những gì cho du khách?

Phan Bảo Phú |

Vừa qua tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam  (MCVN), phối hợp UBND xã Hướng Phùng tổ chức khai trương tour du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với quản lý rừng thôn Chênh Vênh.

Khai trương tour du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh

Hoàng Táo |

Tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) tại Quảng Trị phối hợp UBND huyện Hướng Hóa, người dân thôn Chênh Vênh vừa khai trương tour du lịch sinh thái khám phá rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh.