Giỗ Tổ Hùng Vương ở Việt Nam còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ. Đây được xem là ngày hội truyền thống của người Việt Nam trong và ngoài nước, diễn ra vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Đền Hùng (Phú Thọ) nhằm tưởng nhớ công lao lập nước của các vị vua Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện sự gắn bó của cộng đồng, khẳng định dân tộc Việt Nam có chung một cội nguồn. Ở Việt Nam còn nhiều lễ hội như: Hội đền Trần (Nam Định), Lễ hội Hoa Lư (Ninh Bình), Hội chùa Hương (Hà Nội)...
Vào dịp Lễ 30/4 hàng năm, tỉnh Quảng Trị thường tổ chức Lễ hội “Thống nhất non sông” để chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Ở đất nước Lào, đây là xứ sở của lễ hội, tháng nào trong năm cũng có. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán (như ở một số nước Á Đông), Tết Lào (Bun PiMay vào tháng 4) và Tết H'mong (tháng 12). Ngoài ra còn nhiều lễ hội như: Bun PhaVet (Phật hóa thân), Bun Suanghua (đua thuyền), lễ mừng năm mới (lễ té nước), lễ buộc chỉ cổ tay... Đối với lễ buộc chỉ cổ tay (xù khoắn), đây là phong tục tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân từ lâu đời, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Lào với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ.
Thái Lan cũng là một trong những nước có nhiều lễ hội truyền thống đầy sắc màu. Một số lễ hội được nhiều người biết đến như: Lễ hội Phật giáo Khao Phansa, Lễ hội voi Surin (phía Đông Bắc Thái Lan)... Sau Lễ, Tết truyền thống của người Thái Lan, Lễ hội hoa đăng được xem là lễ hội lớn thứ hai trong năm. Lễ hội hoa đăng có hai Lễ hội là Loy Krathong (thả đèn hoa đăng trên sông) và Yi Peng (thả đèn trời). Đây được xem là lễ hội đẹp nhất của Thái Lan. Nghi thức thả trôi đèn hoa đăng, thả đèn trời cùng với những lời cầu nguyện cho tương lai. Hàng triệu ngọn đèn lồng được thả bay lên trời tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp vào ban đêm.
Áo dài Việt Nam là trang phục dân tộc, chứa đựng một bề dày văn hóa lịch sử. Đặc điểm của trang phục là dáng áo bó, 2 tà thẳng trước sau. Để giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa niềm tự hào về vẻ đẹp của chiếc ào dài truyền thống Việt Nam, các tỉnh thành trong nước thường xuyên tổ chức các lễ hội áo dài, “Tuần lễ Áo dài” để tôn vinh tà áo dài Việt Nam. Trang phục truyền thống của đàn ông và phụ nữ Lào có kiểu dáng và màu sắc đa dạng khác nhau. Trang phục truyền thống của phụ nữ gọi là Sinh, trang phục truyền thống của đàn ông là SaLong. Trang phục truyền thống thường mặc trong các tiệc quan trọng, trong các nghi lễ và một số cuộc thi. Trang phục truyền thống của Thái Lan được gọi là Phasin. Có điểm chung là được cắt may từ 2 đến 3 mảnh vải lụa hay vải bông quấn quanh lưng và được cuộn, nối, gấp đa dạng thành áo quần. Trang phục truyền thống Thái Lan được may bằng lụa mềm, thoáng, rộng. Đối với nam giới, trang phục truyền thống không cầu kỳ, được gọi là phá khảo, thể hiện nét rất riêng biệt, độc đáo trong văn hóa Thái Lan.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)