Nơi tận cùng phía Đông Cam Lộ

Xuân Dũng |

Tận cùng huyện Cam Lộ về phía Đông có một làng quê đồng bằng trải dài trong tầm mắt của con người khi nhìn lại mảnh đất hương hỏa của cha ông để lại tên gọi Trúc Kinh thuộc xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

 

Nhìn cảnh tượng thanh bình có lẽ không ai nghĩ rằng mảnh đất Trúc Kinh vừa trải qua lũ lụt lịch sử như nhiều nơi khác trên đất Quảng Trị. Một ngôi làng bình yên đến lạ lùng ngỡ như chưa hề vượt qua thiên tai thử thách. Đồng ruộng khoe mình trong nắng sớm, khi mà sương mai còn dùng dằng níu tay cây cỏ. Quang cảnh xóm thôn, nhà cửa, vườn tược rạng ngời trong nắng mới. Một làng quê bình dị từ bao đời nay, nhưng ẩn chứa trong mình những thẳm sâu của đất đai nguồn cội, của khí thiêng trời đất và cả hồn vía của tiền nhân. Và lắng lại cả những nỗi niềm cổ kính mà lại chưa bao giờ xưa cũ, chưa bao giờ lỗi nhịp với thời gian.
Đình làng Trúc Kinh
Đình làng Trúc Kinh
 

Mới hay có những điều đất đai thì thầm mách bảo và nhắn nhủ không hề hô to gọi giật mà vẫn có sức gợi cảm và lan tỏa, vẫn chứa chan một thông điệp sâu xa mà nhiều lúc dưới vẻ vô ngôn của đất trời, cây cỏ, của những cánh đồng xưa như cổ tích, của những nếp nhà nuôi nấng tâm hồn biết bao thế hệ. Phải đến và đứng nhìn, ngắm nghía, cảm nhận mới thấu cảm được những gì mà thiên nhiên, ruộng đồng nhắn gởi trong mỗi sớm mai lên, mỗi buổi Xuân về, lặng lẽ mà thành kính, nhẹ nhàng mà sâu sắc, gần gụi mà thiêng liêng như những gì cha ông truyền lại chảy trong huyết quản của chúng ta trong mỗi ngày đang sống. Câu chuyện làng quê, bức họa đồng quê sẽ là những âm thanh, sắc màu huyền diệu tạo nên gương mặt của một vùng quê rất đỗi thân quen mà cũng huyền diệu vô ngần.

Hồn vía của một ngôi làng thường bắt đầu từ những địa chỉ tâm linh, trước hết là đình làng. Và Trúc Kinh cũng vậy. Ngôi đình tọa lạc bên đường, trước mặt là ruộng đồng chính là nơi tưởng nhớ những người tiền khai khẩn, hậu khai canh.

Chùa Trúc Kinh cũng là một điểm nhấn trong cảnh quan làng quê, đã từng tồn tại nhiều thế kỷ qua với  nhiều binh đao tao loạn. Chùa làng bao giờ cũng gợi lên một cảm nhận thân quen, linh thiêng mà lại không hề xa cách, thành một nơi chốn đi về nương náu của dân quê trong tâm cảm hướng thiện và hướng thượng.Đại đức Thích Tự Trung, trụ trì chủa Trúc Kinh cho hay đây là một ngôi chùa có truyền thống lâu đời, có nhiều đóng góp cho đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Ngôi chùa này như đã nói trải qua không ít thăng trầm theo đất và người Trúc Kinh, với những hòn đá còn lại như là chứng tích của thời gian về một ngôi cổ tự xưa kia,  với những biến thiên lịch sử, biển cả thành ruộng dâu ở một vùng quê như Quảng Trị, để rồi lại đứng chân với dáng vóc như hôm nay, được tu bổ, tạo dựng nên gương mặt thiền môn hôm nay. Chính những ngôi chùa làng như thế sẽ là chỗ dựa tâm linh cho đạo lý hỷ xả, vị tha, làm điều lành, tránh điều dữ vốn rất quen thuộc của dân tộc Việt Nam. Và nó chứa đựng cả những khát vọng, mong mỏi không chỉ của một đôi người.

  Dạo quanh làng Trúc Kinh, nơi có gần 230 hộ với hơn 900 nhân khẩu sẽ thấy một đời sống nông nghiệp gắn bó với bà con từ bao đời nay. Mùa xuân về, ruộng đồng lại hối hả với kênh mương nội đồng, với nguồn nước tưới tiêu là máu thịt của sản xuất nông nghiệp. Và dù làm bằng cơ giới hay thủ công thì người nông dân vẫn luôn gắn bó với đồng ruộng quê nhà. Họ cảm nhận những đổi thay từ chính trải nghiệm của bản thân mình khi đánh giá cán bộ cơ sở thôn Trúc Kinh. Bà Nguyễn Thị Lý, một người thôn Trúc Kinh hồ hởi khoe rằng đời sống xóm làng ngày càng đi lên là nhờ cán bộ thôn tận tình và năng động vì quê nhà.

Để có được một Trúc Kinh như hôm nay, đất và người nơi đây bao phen chịu đựng  và vượt qua những nhiều gian nan, thử thách, quyết đi lên, trước hết là nội lực và tranh thủ ngoại lực để xóm thôn ngày càng đổi mới. Ông Bùi Thanh Nghĩa, Trưởng thôn Trúc Kinh khẳng định quyết tâm hoàn thiện nông thôn mới của cán bộ và Nhân dân nơi đây trong một vài năm tới.

 Đã có nhiều đổi thay trên quê hương Trúc Kinh trong mỗi ngày đang đến. Từ những thành quả cần ghi nhận, xóm thôn này sẽ không giẫm chân tại chỗ mà nỗ lực dựng xây để làng mạc ngày càng tươi mới, với nhiều niềm tin và hy vọng.

Một Trúc Kinh đã và đang vươn mình trong vận hội mới của quê hương đất nước. Đó cũng là một minh chứng về những bước tiến không ngừng khi về với phía Đông của vùng quê Cam Lộ.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ đi đầu đổi mới phục vụ người bệnh

Thanh Hải |

Năm 2020 trong điều kiện diễn biến phức tạp của COVID-19 và thiên tai ảnh hưởng lớn đến công tác khám, thu dung bệnh nhân, song Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ (Quảng Trị)đã nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ khám, chữa bệnh được giao. Đặc biệt, từ khi thực hiện thông tuyến huyện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày 1/1/2016 đến nay, bệnh nhân đa tuyến từ các huyện Đakrông, Gio Linh và thành phố Đông Hà… đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ ngày càng tăng. Điều đó khẳng định chất lượng khám, chữa bệnh và phong cách, thái độ phục vụ của Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ được nâng lên rõ rệt, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Ông Trần Anh Tuấn giữ chức Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ

Công Điền |

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021.

Tìm người thân cho bé trai bị bỏ rơi ở Chùa Cam Lộ

Q.H |

Ngày 29/12/2020, theo thông tin từ lãnh đạo UBND thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), chính quyền địa phương đang tích cực tìm kiếm người thân cho một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi.

Cam Lộ lan tỏa yêu thương bằng mô hình “ATM gạo”

Lê Trường |

Cứ đều đặn thứ 5 hàng tuần, rất đông bà con nhân dân có mặt tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để được nhận gạo hỗ trợ.