Nhờ kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, làm chủ thể của di sản nên nhiều năm qua, UNESCO đã chọn Tràng An cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương.
Tràng An - tặng phẩm vô giá của thiên nhiên
Nằm ở thành phố Ninh Bình, Việt Nam, Quần thể danh thắng Tràng An là một vùng du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép năm 2014. Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích tự nhiên 12.252 ha, trong đó vùng lõi di sản thế giới Tràng An rộng khoảng 6.226 ha, nằm trên địa bàn 12 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình.
Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 khu vực bảo tồn chính là: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái, Quần thể danh thắng Tràng An đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm.
Thời điểm lý tưởng để đến với danh thắng Tràng An tầm tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, lúc này tiết trời đang vào mùa xuân, khí hậu mát mẻ hoặc thời gian sau giữa tháng 9 dương lịch, khi đó đã kết thúc mùa mưa ở nơi này. Đặc biệt, trong dịp đầu năm mới, nơi đây tổ chức đa dạng các lễ hội cổ truyền mang lại những trải nghiệm trong không khí lễ hội đặc sắc, đậm màu sắc truyền thống.
Đến thăm quan khu du lịch sinh thái Tràng An, du khách sẽ ngay lập tức bị ấn tượng bởi một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền các hang động, thung lũng hoang sơ. Du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết và tinh tuý mà tạo hoá ban tặng nơi đây, cùng bầu không khí thoáng đãng trong lành, cảm giác như được “hoà mình với thiên nhiên” quên đi cái xô bồ náo nhiệt chốn thị thành.
Tam Cốc-Bích Động là một khu vực cảnh quan rộng lớn, nổi bật với những hang động đá vôi, phong cảnh làng quê tuyệt đẹp và ngôi chùa cổ Bích Động. Cái tên Tam Cốc bắt nguồn từ ba hang động ở đây: Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba. Tam Cốc còn được biết đến với cảnh quan kì diệu của dòng sông với những ruộng lúa nằm hai bên, được bao quanh bởi những đỉnh núi đá vôi kỳ vĩ. Chùa Bích Động nằm cách Tam Cốc khoảng 3 km. Chùa được xây dựng vào năm 1428 trên dãy núi đá vôi Trường Yên. Bích Động có nghĩa là Động Xanh. Bích Ðộng đã được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì ở trời Nam). Hai bên lối nhỏ dẫn đến cổng chùa là bạt ngàn hoa súng khoe sắc trên sông. Chùa Bích Động gồm 3 chùa riêng biệt: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.
Nếu đã đến thăm danh thắng Tràng An thì chắc chắn không thể bỏ qua chùa Bái Đính – ngôi chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam. Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính rộng tổng 539 ha (riêng chùa Bái Đính cổ rộng 27 ha, chùa Bái Đính mới mới 80 ha). Chùa Bái Đính cổ có một số địa điểm đáng chú ý như Giếng Ngọc, Cổng Tam quan, Động thờ Phật, Đền thờ thần Cao Sơn… Còn khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003 đã có một số hạng mục đạt kỷ lục, đó là Tòa bảo tháp thờ Phật cao nhất Châu Á, pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Việt Nam, pho tượng Đức phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam, chùa có Giếng Nước lớn nhất Việt Nam…
Hình mẫu về phát triển du lịch bền vững
Nhờ có những chính sách phù hợp, cộng với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, kiên trì thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972); kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, làm chủ thể của di sản nên nhiều năm qua, Tràng An luôn là điểm đến được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Từ đó, di sản này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 mới đây, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững. Đây chính là lý do UNESCO chọn Tràng An cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, nhất là cho phụ nữ.
Theo số liệu của UBND tỉnh Ninh Bình, sau 19 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã đón hơn 3 triệu lượt du khách, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Để làm được điều này, tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực nhiều trong việc phục hồi, phát triển du lịch, đặc biệt là tận dụng tiềm năng du lịch từ các di sản văn hóa, thiên nhiên sẵn có tại đây như Quần thể danh thắng Tràng An.
Từ ngày 17-19/11/2022, Chương trình “Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022” sẽ được tổ chức với chủ đề “Hoa Lư vang mãi ngàn năm” tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, một số tuyến đường, phố trên địa bàn TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, thành phố trong nước và tôn vinh các di sản văn hóa, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Tham gia Festival sẽ có các tỉnh, thành phố có di sản được quốc gia và quốc tế công nhận, bao gồm di sản thế giới, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; mời đoàn nghệ thuật của các địa phương nước ngoài có kết nghĩa, hợp tác hữu nghị với tỉnh Ninh Bình… Các hoạt động nổi bật sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Festival là: chương trình khai mạc, triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống, chương trình lễ hội đường phố, đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng hiện đại, chương trình bế mạc Festival.
(Nguồn: Ngày Nay)