Phát triển du lịch nông thôn

Lê An |

Phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan khu vực nông thôn. Qua đó thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn là mục tiêu mà huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang hướng đến nhằm góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả.

Cùng với các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt như: Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, huyện Vĩnh Linh còn có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái với các điểm đến như: Bãi tắm Cửa Tùng, bãi tắm Vĩnh Thái, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, Mũi Trèo…

Thực tế, thời gian qua, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và nỗ lực, cố gắng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hoạt động du lịch nông thôn trên địa bàn huyện đã bước đầu có nhiều khởi sắc, đã có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, thú vị như: Vườn hoa Rú Lịnh - Ruli Glamping, khu sinh thái ẩm thực Bàu Thủy Ứ, điểm du lịch sinh thái bến sông Sa Lung, Trang trại Dfarm… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Điểm du lịch Mũi Trèo, xã Kim Thạch có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm - Ảnh: L.A
Điểm du lịch Mũi Trèo, xã Kim Thạch có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm - Ảnh: L.A

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, tổng thể bức tranh du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp.

Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn “khiêm tốn”. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn thiếu tính đồng bộ. Các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa cao.

Từ thực trạng đó, huyện Vĩnh Linh tập trung nhiều giải pháp để phát triển du lịch nông thôn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn, hiện huyện Vĩnh Linh đang tập trung nâng cấp đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch Đặc biệt là các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng quản lý, khai thác và hưởng lợi dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp.

Ưu tiên phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, làng nghề… gắn với chuyển đổi số. Cụ thể, cùng với rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, tỉnh, huyện.

Huyện sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng 5 gian hàng bán các hàng lưu niệm, sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện tại các điểm du lịch phát triển. Duy trì, khôi phục và phát huy các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian đặc thù nhằm phát huy văn hóa dân gian truyền thống với việc quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương gắn với phát triển du lịch như: Hội bài chòi mùa Xuân tại các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Giang, Vĩnh Nam; hội đu xã Kim Thạch vào dịp tết Nguyên Đán hằng năm.

Lễ hội Cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều ở các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà gắn với hoạt động kỷ niệm Ngày người Vân Kiều mang họ Hồ của Bác 26/6. Lễ hội miếu bà Vương phi họ Lê vào ngày 27/3 âm lịch hằng năm tại xã Vĩnh Long. Lễ hội cầu ngư vào rằm tháng hai, hò chèo cạn, đua thuyền truyền thống tại thônTùng Luật, xã Vĩnh Giang và một số lễ hội đặc sắc khác trên địa bàn huyện. Khôi phục và phát huy một số nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch như: Nghề đan lát tại xã Trung Nam, nghề làm bánh ướt tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành...

Đồng thời, xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái. Hình thành các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng kết hợp mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng homestay tại các địa phương có thế mạnh về văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên như: thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang; thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành; thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch; thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái...

Hình thành các điểm du lịch cộng đồng sinh thái trải nghiệm như: điểm Du lịch cộng đồng sinh thái, ẩm thực trải nghiệm bàu Thủy Ứ, xã Vĩnh Tú; bãi tắm du lịch cộng đồng Vĩnh Thái; điểm du lịch sinh thái bến sông Sa Lung, Bàu Sen kết hợp các hoạt động trải nghiệm trượt cát tại động Ba Cao. Điểm du lịch cộng đồng sinh thái, ẩm thực trải nghiệm tại các bản, khe suối xã Vĩnh Ô…

Xây dựng các sản phẩm tour du lịch đường bộ, đường sông, biển với các điểm tham quan du lịch lịch sử gồm: di tích lịch sử miếu bà Vương Phi họ Lê; di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải; di tích lịch sử Quốc gia bến đò B; di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; các bãi tắm Cửa Tùng, Mũi Trèo, Rú Bàu. Đồng thời liên kết phát triển các tour du lịch nội tỉnh Hướng Hóa - Vĩnh Linh - Cồn Cỏ; Hải Lăng -Vĩnh Linh - Cồn Cỏ.

Ông Tuấn cho biết, để thực hiện được những mục tiêu trên, bên cạnh các cơ chế, chính sách, huyện Vĩnh Linh sẽ tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng cho phát triển du lịch nông thôn.

Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại các địa bàn khác nhau nhằm tạo ra nguồn thu ổn định từ hoạt động du lịch để đầu tư trở lại cho các công tác bảo vệ tài nguyên du lịch. Đồng thời, tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Đakrông

Thanh Lê |

Huyện Đakrông (Quảng Trị) có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, ngành nghề truyền thống, văn hóa và môi trường sinh thái, là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tiếp sức cho vùng khó trong xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương đúng đắn của cấp trên nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành đối với việc giúp các thôn, xã hoàn thành các chỉ tiêu trong chương trình xây dựng NTM.

Phụ nữ nông thôn Vĩnh Linh khởi nghiệp từ nghề may

Mỹ Hằng |

Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo chị em tham gia với nhiều ngành nghề. 

Xây dựng Nông thôn mới không thể tách rời các giá trị văn hóa

Phạm Xuân Dũng |

Trong các văn kiện về phát triển đất nước cũng như từng địa phương luôn xác định văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của xã hội. Việc xây dựng Nông thôn mới cũng không thể và không được rời xa các giá trị văn hóa.