Năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, tạo được ấn tượng sâu sắc trong Nhân dân và bạn bè trong và ngoài nước. Đồng thời được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và Nhân dân, du khách ghi nhận đánh giá cao, qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh Quảng Trị.
Theo nhiều du khách và Nhân dân đến tham quan, Quảng Trị với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã làm cho Quảng Trị trở thành một bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng. Du khách khi đến Quảng Trị sẽ rất tự hào về quá khứ, cảm phục về truyền thống chống ngoại xâm của Nhân dân ta và là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho con cháu muôn đời sau.
Ấn tượng về miền đất Quảng Trị
Đồng chí Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Trị cho biết, lượng khách đến Quảng Trị tham quan và du lịch tăng mạnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị trong năm 2022 ước đạt 1.550.000 lượt (tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2021; tăng gần 200% so với Kế hoạch đầu năm), trong đó, khách quốc tế ước đạt 5.400 lượt (tăng 11 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 8,7 lần so với kế hoạch đầu năm 2022) và khách nội địa đạt 1.544.600 lượt (tăng 300% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 198% so với Kế hoạch đầu năm). Khách lưu trú chuyên ngành ước đạt 565.000 lượt (khách quốc tế ước đạt 2.900 lượt, khách nội địa 562.100 lượt). Tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 1.475 tỷ đồng (tăng 391% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 252% so với Kế hoạch đầu năm), trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 590 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Trị đã chủ trì và phối hợp các Bộ, ngành, đơn vị Trung ương tổ chức nhiều hoạt động như: Chương trình Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2022); Chương trình Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị; Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông và Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022); Khai mạc Triển lãm “Quảng Trị - Dấu ấn lịch sử qua tài liệu lưu trữ”; Khai mạc Triển lãm ảnh và trưng bày tài liệu “Quảng Trị - Bản hùng ca vang mãi”; Khai mạc Giải đua thuyền Thống nhất non sông; Lễ Khánh thành Hệ thống chiếu sáng và âm thanh Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; Giải vô địch Đua thuyền truyền thống toàn quốc - 2022; Lễ hội Bóng đá bãi biển Huda 2022; Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách năm 2022 với chủ đề “Những người con bất tử”; Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Màu hoa đỏ” lần thứ 15, năm 2022; Chương trình nghệ thuật “Khát vọng Hòa Bình”... Phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức thành công: Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật với chủ đề “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” và triển lãm các tác phẩm đạt giải của các văn nghệ sĩ tại cuộc thi; Triển lãm mỹ thuật 6 tỉnh Bắc Miền Trung lần thứ 17 - năm 2022.
Đồng chí Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Trị cho biết thêm, thời gian qua tỉnh Quảng Trị tăng cường công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu những điểm đến đặc trưng của du lịch Quảng Trị, các sản phẩm du lịch Quảng Trị đến với du khách bằng nhiều hình thức thông qua hệ thống thông tin đại chúng, các trang Fanpage và Group mạng xã hội Facebook “Visit Quang Tri”, “Checkin Quảng Trị”; các hội chợ, hội thảo,... Đặc biệt đã tham gia xúc tiến, quảng bá tại các Hội chợ như hội chợ VITM Hà Nội năm 2022, Hội chợ ITE HCMC 2022, Hội chợ VITM Đà Năng 2022, hội nghị liên kết 5 địa phương (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) tại Hải Phòng, Quảng Ninh, tại khu vực Tây Nguyên,….
Hiện nay, Sở VH-TT&DL Quảng Trị đang triển khai xây dựng Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường kết nối với doanh nghiệp và khách du lịch, hướng đến xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Trị cũng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch, nhất là dự án của các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo bước phát triển đột phá cho du lịch tỉnh.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới
Để kích cầu phát triển du lịch, Sở VH-TT&DL đã tích cực nghiên cứu xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới, trong đó chỉ đạo xây dựng sản phẩm du lịch đêm tại một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tháng 7/2022, Sở VH-TT&DL đã tham mưu Chương trình thí điểm tham quan, viếng Di tích Thành Cổ Quảng Trị, Bến thả hoa trên sông Thạch Hãn và tham quan Tuyến phố đi bộ tại thị xã Quảng Trị, tham quan Di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, viếng Nghĩa trang quốc gia đặc biệt Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia Đường 9.
Sở VH-TT&DL đã phối hợp với Hiệp hội du lịch tổ chức nhiều chương trình Famtrip khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch như: chuyến Caravan tại Đakrông và Hướng Hóa với chủ đề “Khám phá du lịch miền Tây Quảng Trị”; tổ chức tour du lịch Caravan "Biển gọi" để kích cầu du lịch biển, tổ chức thành công chương trình Famtrip khám phá sản phẩm du lịch đêm và Hội thảo với chủ đề “Bí ấn miền đất thiêng”.
Các chương trình đã đem lại nhiều điều mới lạ và hấp dẫn cho khách du lịch trên cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên toàn quốc có thể kết nối để làm phong phú và gia tăng tính hấp dẫn trong các chương trình tour tuyến khi hành trình đến với các sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Trị.
Tập trung các hoạt động thu hút du khách đến với miền đất linh thiêng Quảng Trị
Năm 2023, tỉnh Quảng Trị tập trung khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch lịch sử cách mạng gắn với việc định hình thương hiệu Lễ hội Vì hòa bình, phát triển tiềm năng du lịch biển đảo, xây dựng sản phẩm du lịch mới: xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn. Điểm nhấn trọng tâm của năm 2023 sẽ tập trung triển khai thực hiện chương trình du lịch về đêm tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và Bến thả hoa trên sông Thạch Hãn, triển khai Tuyến phố đi bộ đêm tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Phối hợp Bộ VH-TT&DL tổ chức Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị, phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử tại một số tỉnh miền Trung”.
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án du lịch…, tỉnh Quảng Trị cũng tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực Miền Trung - Tây nguyên và các thành phố lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng để đưa nguồn khách đến với tỉnh Quảng Trị, nhất là 5 địa phương Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng; các tỉnh Mukdahan (Thái Lan) - Savannakhet (Lào).
“Năm 2023 ngành du lịch Quảng Trị sẽ đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trong dự án Đô thị thông minh để phục vụ công tác quản lý, đáp ứng và triển khai nhiệm vụ hệ sinh thái du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch” - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Văn Hoan nhấn mạnh.
(Nguồn: Đảng Cộng sản)