Sắc xuân Quảng Trị

Phan Sáu |

Có cái gì đó rất đỗi thiêng liêng cứ hằn sâu vào tâm trí tôi khi biết mình đang trở lại Quảng Trị, trở lại với mảnh đất một thời khói lửa, đạn bom, một biểu tượng của hồn thiêng sông núi đang ngổn ngang trước công cuộc đổi mới và phát triển.

Tôi trở lại Quảng Trị giữa lúc Đảng bộ và Nhân dân ở đây đang nô nức mừng Đảng- đón Xuân mới Nhâm Dần và triển khai nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022). Năm mươi năm sau giải phóng, giờ đây mỗi đoạn đường đi qua, mỗi tên đất, tên làng đều gợi lại bao kỷ niệm của những ngày đầu quê hương được giải phóng. Mới đó mà đã 50 năm. Thời gian tuy chưa dài nhưng với Quảng Trị cũng đủ để khẳng định sự vận động tự thân của một cơ thể trưởng thành.

Có thể nói, ở Quảng Trị giờ đây mọi thứ đang còn đan xen, song đã thấy rõ sự vươn mình đi lên trong khó khăn bề bộn. Năm mươi năm với cuộc hành trình nhọc nhằn tái thiết, Quảng Trị đã hiên ngang đi những bước đi vững chắc trên con đường đổi mới và hội nhập. Chiến tranh, chết chóc, khổ đau đến khôn cùng, nhớ thương đến đồng vọng, nhưng người dân Quảng Trị vẫn vững vàng và lạc quan, vẫn kiên gan vượt lên trên cả khổ đau mất mát, thiếu thốn để có được những gì như hôm nay. Mỗi thế hệ đều đứng trước một thử thách khắc nghiệt và dĩ nhiên gương mặt của thế hệ chỉ ngời sáng khi biết chấp nhận vượt qua thử thách để đi tới thành công. Điều dễ nhận thấy nhất đó là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Quảng Trị đã “xốc” lại đội hình với một đội ngũ cán bộ trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và đủ tâm, đủ tài để định ra hướng đi và cách làm mới mà trong đó mọi quyền lợi đều hướng về người dân, vì sự phát triển bền vững của quê hương.

Trải nghiệm vườn hoa xuân - Ảnh: Trà Thiết
Trải nghiệm vườn hoa xuân - Ảnh: Trà Thiết

Sau chiến tranh, mọi thứ ở Quảng Trị đều bắt đầu từ con số không. Nhưng giờ đây người dân Quảng Trị có quyền tự hào về những gia tài mình đã có, mà trước hết là các công trình thủy lợi. Bởi nước ở đây không chỉ là nguồn sống cho cây trồng, vật nuôi, mà còn đảm bảo chính sự sống của con người. Đó là Đập ngăn mặn Việt Yên, Sa Lung, cống xi phông An Tiêm, hồ chứa nước Trúc Kinh, Bảo Đài, Đá Mài - Tân Kim, là Công trình thủy nông Nam Thạch Hãn, một công trình ứng dụng công nghệ mới nâng tràn đập bằng cao su vào loại lớn nhất Việt Nam. Đó là Công trình Thủy lợi - Thủy điện trên sông Rào Quán biểu tượng của một công trình đa mục tiêu phát điện và tưới tiêu. Ngoài ra là những cánh đồng điện gió ở miền Tây Hướng Hóa, điện mặt trời ở vùng Đông Gio Linh đã hòa lưới điện quốc gia, đưa Quảng Trị dẫn đầu trên cả nước về các dự án hòa lưới thương mại và lộ trình trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung không còn xa. Những cánh rừng ngày nào bầm tím vết đạn bom, trơ trụi bởi chất độc hóa học, những cánh đồng cháy khô vì hạn hán... nay không còn nữa. Thay vào đó là những đồng lúa phì nhiêu trải rộng màu xanh, những cánh rừng tái sinh, rừng phòng hộ, những vườn cây công nghiệp, cây ăn quả đan xen giữa Khu KTTMĐB Lao Bảo, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; các KCN, CCN, đặc biệt là Cảng hàng không Quảng Trị vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang gấp rút triển khai đã cho thấy “thân thể” Quảng Trị đã cường tráng, vạm vỡ và tràn trề sức xuân.

Để có được những công trình, dự án tầm cỡ ngoài những doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước, Quảng Trị còn có 6 quốc gia đã và đang có dự án đầu tư đó là Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Liên bang Nga, Nhật Bản và Đan Mạch. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã và đang tiếp tục đầu tư vào Quảng Trị không chỉ vì chính sách ưu đãi, chủ trương thông thoáng mà họ đã cảm nhận được câu nói của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng, nay là Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, rằng: “Môi trường đầu tư ở Quảng Trị như một tờ giấy trắng, các doanh nghiệp hãy đến để viết lên đó những thành công của mình”. Chẳng cần rải thảm với chiếu hoa, chỉ cần một lời kêu gọi cởi mở, nhân văn, đầy trách nhiệm. Quảng Trị chắc chắn rồi đây sẽ trở thành một bức tranh đẹp với đầy đủ sắc màu của các thành phần kinh tế bứt phá vươn lên khai thác tiềm năng và thế mạnh của mình với quyết tâm trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025. Tôi tin quyết tâm đó là có cơ sở bởi kết thúc năm 2021, một năm vô vàn khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng thu ngân sách của Quảng Trị đã vượt con số 5.500 tỉ đồng.

Là tỉnh thường xuyên bị thiên tai tàn phá nên Quảng Trị đã biết chọn cho mình một hướng đi phù hợp để phát triển nền nông nghiệp bền vững, lựa chọn được những cây trồng, con vật nuôi thích hợp nên đã hình thành được những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa với những cánh đồng lúa đặc sản, năng suất và chất lượng cao, những trang trại vườn đồi, vườn rừng với hàng ngàn ha cao su, hàng trăm ha hồ tiêu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao... từng bước đưa nền nông nghiệp phát triển toàn diện với việc thay đổi cơ cấu bộ giống và chú trọng thâm canh có chiều sâu, nhờ vậy mà một số huyện đã đưa năng suất lúa bình quân từ 15 tạ/ha lên 65 tạ/ha/vụ. Cùng với cây lúa, Quảng Trị còn chú trọng phát triển mạnh cây công nghiệp xuất khẩu, như cao su, hồ tiêu, cà phê... tập trung chủ yếu vào các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Với chiều dài hơn 75 km bờ biển, trữ lượng hải sản trên ngư trường Quảng Trị khá lớn và đa dạng về chủng loại. Phát huy lợi thế này, Quảng Trị chú trọng đầu tư phát triển tàu trung bờ, xa bờ với đầy đủ phương tiện đánh bắt hiện đại, có thiết bị định vị tầm ngư và có khả năng đi biển dài ngày vừa khai thác đánh bắt, vừa tham gia bảo vệ vùng biển thân yêu của Tổ quốc, nhờ vậy mà sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm liên tục tăng, nhất là hải sản xuất khẩu. Nhờ mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất thâm canh mà nhiều hộ nông dân đã trở thành triệu phú, tỉ phú ngay trên quê hương của mình.

Có thể nói, hào quang về mảnh đất và con người Quảng Trị anh hùng, giàu truyền thống cách mạng trong quá khứ đang được rọi chiếu trong hiện tại. Một hiện tại bằng da bằng thịt mà ta có thể sờ nắn và chiêm cảm nó. Ở đây, quá khứ được đồng hiện trong hiện tại để nâng ước mơ và khát vọng bay cao, bay xa. Đông Hà - từ một quân trấn nhỏ bé với dày đặc lô cốt, ngổn ngang công sự và chằng chịt dây thép gai, giờ đã là thành phố tỉnh lỵ, một thành phố đang vươn mình đứng dậy bên dòng sông Hiếu hiền hòa thơ mộng... Cũng từ đây vóc dáng mới của một đô thị lớn đã hình thành, đường sá phong quang, khách sạn, nhà hàng, công viên, chợ Đông Hà và các trung tâm thương mại đã mọc lên. Và một chiếc áo màu xanh đã phủ kín chiến trường xưa, cây xanh đã làm biến đổi một phần khí hậu làm cho Quảng Trị đỡ phải chịu những đợt gió Tây Nam khô nóng.

Tấp nập cảng Cửa Việt - Ảnh: H.N.K
Tấp nập cảng Cửa Việt - Ảnh: H.N.K

Một mùa xuân mới nữa lại đến và cứ mỗi một mùa xuân đến là bức tranh kinh tế, xã hội của Quảng Trị càng thêm sáng đẹp, đấy chính là sức vươn lên từ nội tại trước cuồn cuộn cơn lốc của nền kinh tế thị trường, để chứng minh rằng, qua mỗi thời kỳ quật khởi của dân tộc, Quảng Trị luôn biết cách chuyển hóa năng lượng của mình thành sức mạnh để đi tới và lịch sử nhân loại luôn luôn thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, khẳng định: “Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Quảng Trị đã đề ra một chiến lược tổng thể dài hơi để vừa khai thác có hiệu quả các thế mạnh tiềm năng của địa phương, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các Bộ, ngành... vừa có chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút đầu tư và liên doanh liên kết với bên ngoài, đồng thời phát động phong trào thi đua sâu rộng nhằm phát huy tính năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, khơi dậy các tiềm năng, lợi thế của địa phương phấn đấu đưa Quảng Trị sớm đứng trong nhóm phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và nhóm phát triển khá vào năm 2030”. Chiến lược đó chính là khát vọng phát triển, là ý chí, tâm nguyện của người dân đã vượt qua mất mát đau thương, đầy bản lĩnh, tự tin để vươn dậy như mùa xuân vượt đông tàn, rét mướt gõ cửa miền đất an lành Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Muôn sắc màu ở Chợ hoa xuân vùng biên cương

Thiên Sơn |

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, tại Chợ hoa xuân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang rất sôi động, nhộn nhịp với hàng trăm loài cây cảnh, cây hoa các loại như đào, mai, quất, cúc, đồng tiền, thọ, giấy...

Mưu sinh ở chợ hoa tết

Nhơn Bốn |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ở khắp các chợ hoa tết trên địa bàn tỉnh càng trở nên nhộn nhịp, hối hả, tấp nập người bán, người mua. Ở đó có những tiểu thương trong và ngoài tỉnh đến bán hoa, cây cảnh và cả những người dân làm công việc bốc vác, trông giữ cây và chở hoa thuê theo thời vụ. Nhiều người trong số đó phải thức trắng đêm để trông giữ hoa với tất cả sự tất bật, miệt mài, vất vả mưu sinh vì mong muốn có một cái tết đủ đầy hơn cho gia đình...

Cửa hàng ép người tiêu dùng mua pháo hoa theo combo, Cục Cạnh tranh “tuýt còi”

Đ. Khải |

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã yêu cầu Nhà máy Z121 rà soát và điều chỉnh hoạt động kinh doanh để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Thị trường hoa tết ổn định giá, sức mua tăng

Mai Lâm |

Khác với những năm trước, thị trường hoa phục vụ tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 đến tương đối sớm. Từ đầu tháng Chạp các vườn hoa đã bắt đầu nhập hàng về. Qua khảo sát của phóng viên, một số chủ vườn hoa cho biết, giá hoa tết năm nay tương đương năm ngoái, sức mua của người dân tăng.