Trong những ngày lang thang qua nhiều làng biển dọc theo miền chân sóng, tôi được gặp và trò chuyện với nhiều lão ngư nắm giữ những “độc chiêu” đánh bắt thủy, hải sản gần bờ được lưu truyền qua bao đời. Và nghề săn mực nhện (có nơi gọi là bạch tuộc, mực trùm, mực dù, mực địu) vào mùa biển động là một trong những “độc chiêu” được nhiều lão ngư ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) gìn giữ.
Từng đợt gió mùa đông cùng với bọt sóng từ biển phả vào bờ làm cho cái lạnh thêm buốt giá vẫn không ngăn được bước chân miệt mài của lão ngư Trương Minh Quê (72 tuổi) ở thôn Thâm Khê đi dọc theo bờ biển kiếm tìm dấu vết dòng hải lưu nhỏ chảy gần bờ để giăng vàng mức săn mực nhện.
Vàng mức săn mực nhện được dệt bằng loại lưới có mắt nhỏ gần bằng đầu đũa, có chiều cao khoảng 2,5 m, rộng 7 - 8 m, dài khoảng 4 m, cấu tạo thành hình chữ “Y”. Khi đã xác định được vị trí đắc địa để đặt vàng mức, ông Quê nhanh chóng trở về nhà để lấy 2 vàng mức; 4 thanh sắt to bằng nửa cổ tay người lớn (thanh sắt được làm nhọn một đầu và có chiều dài khoảng 3 m) rồi quay lại vị trí bờ biển có dòng hải lưu nhỏ gần bờ.
Ông mang 2 thanh sắt lội ra vùng nước biển có độ sâu khoảng 1,2 m và bắt đầu găm phần nhọn của thanh sắt vào sâu trong cát đáy biển. Cắm xong 2 thanh sắt là đến công đoạn giăng vàng mức sao cho vàng mức xuôi theo dòng hải lưu nhỏ tựa chiếc phễu để hứng trọn từng con mực nhện cùng nhiều loại hải sản gần bờ.
Giăng xong vàng mức, ông Quê lấy sợi dây thừng to buộc một đầu vào thanh sắt, đầu dây còn lại ông cầm trên tay rồi lội vào bờ để buộc vào đoạn cọc được đóng chặt trên bờ (có tác dụng neo giữ vàng mức). “Mùa biển động nên sóng to, gió lớn, phải neo vàng mức chắc chắn, chứ không sóng biển cuốn đi mất”, ông Quê nói. Hì hục suốt cả buổi chiều, lão ngư Trương Minh Quê cũng giăng được 2 vàng mức dọc theo bờ biển thôn Thâm Khê.
Làm xong công việc, ông Quê tranh thủ lên bờ ngồi nghỉ ngơi chốc lát rồi trở về nhà. Ông Quê cho biết, loài mực nhện thường sinh sống ở vùng đáy sâu hoặc vùng rạn đá của biển và có tập tính là vào sát bờ để kiếm ăn vào ban đêm. Mùa săn mực nhện nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hằng năm.
Các tháng còn lại trong năm vẫn săn được mực nhện nhưng số lượng không nhiều bởi mùa này biển động mạnh. Vào mùa này, ngư dân tranh thủ những ngày nắng đẹp, biển êm sóng mới săn được mực nhện. Muốn săn được mực nhện có rất nhiều cách tùy thuộc vào vùng miền. Như cách đây chưa lâu, lão ngư Trương Minh Quê có dịp vào thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận chơi, rồi có dịp đi câu mực nhện bằng thúng chai với mấy người bạn.
Cứ khoảng 3 giờ sáng là ngư dân chèo thúng chai ra cách bờ khoảng 1 hải lý và bắt đầu thả câu. Để câu mực nhện, ngư dân dùng một chùm 10 - 12 lưỡi câu được đính chặt vào nhau theo hình tròn. Phía trên chùm lưỡi câu có gắn một con mồi giả làm bằng nhựa sơn phết nhiều màu sắc sặc sỡ để thu hút mực nhện.
Mỗi ngư dân thường mang theo khoảng 8 - 9 chùm lưỡi câu mực nhện. Từng chùm lưỡi câu mực nhện sẽ được thả xuống biển xung quanh thúng chai. Ngư dân ngồi trên thúng chai cứ thấy sợi cước buộc chùm lưỡi câu mực nhện giật giật, là biết đã “dính” mực nhện. Bởi con mực nhện thấy con mồi giả cứ tưởng mồi ngon sẽ dùng xúc tu ôm lấy, thế là mắc câu không thoát ra được.
Một cách săn mực nhện khác là dùng lồng bẫy mực nhện. Lồng bẫy mực nhện có cấu tạo đơn giản với khung làm bằng mây, tre hoặc gỗ có chiều dài 1,1 m, chiều rộng 1,1 m và bên ngoài bọc lưới, buộc lá cây đùng đình phơi khô, cửa lồng bẫy có hom để khi mực nhện vào lồng bẫy không thoát ra được. Mồi bẫy mực nhện là các loại cá nhỏ hoặc cua được buộc cố định giữa lồng bẫy…
Lồng bẫy mực nhện được ngư dân đặt cách bờ khoảng vài hải lý. Ở các xã vùng biển bãi ngang huyện Triệu Phong, Gio Linh cứ khoảng tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, nhiều ngư dân dùng vàng mức nối vào sào tre để hai ngư dân cầm kéo dọc theo bờ biển đánh bắt mực nhện…
Sáng hôm sau, ông Quê xuống bờ biển kéo 2 vàng mức vào bờ. Thành quả của một đêm “đặt bẫy” săn mực nhện là gần 7 kg mực nhện tươi rói được ông nhanh chóng cho vào thùng xốp mang về nhà để vợ ông kịp phiên chợ sáng. Mực nhện hiện có giá giao động từ 100.000 - 150.000 đồng/ kg. Vậy là lão ngư Trương Minh Quê có thu nhập gần 1 triệu đồng. Ông không quên để lại khoảng 1 kg mực nhện để chế biến thành món ăn.
Nhắc đến mực nhện, ngư dân làng biển khó mà quên những món ăn dân dã ngay trên bờ biển. Những con mực nhện tươi ngon, còn sống được thả vào nồi nước sôi sùng sục; hay bếp than hồng ngay giữa đêm trăng với món mực nhện nướng… Mực nhện rất dễ sơ chế, chỉ cần lộn ngược phần bụng, lấy mật, rửa sạch cát là có thể chế biến được nhiều món ăn như: mực nhện hấp, nướng, xào sả ớt…
Món mực nhện ngon nhất là khi con mực còn sống thả vào nồi nước đang sôi chừng 10 phút rồi vớt ra, màu mực chuyển đỏ au chấm với mắm ruốc đặc ớt bột. Vị giòn ngọt của mực nhện kết hợp với hương vị đậm đà của mắm ruốc tạo nên món ăn đặc trưng của làng biển.
“Ở nhiều làng biển bây giờ ngày càng hiếm ngư dân còn làm nghề săn mực nhện như tôi. Mà không riêng nghề săn mực nhện, nhiều nghề đánh bắt hải sản ven bờ ngày xưa cũng mai một dần rồi “biến mất”. Nhưng đối với ngư dân thôn Thâm Khê như tôi thì nghề săn mực nhện kiếm thêm nguồn thu nhập để chăm lo cho gia đình, cải thiện cuộc sống”, lão ngư Trương Minh Quê chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)