Khu bảo tồn tự nhiên rừng khộp khô Ong Mang (khu bảo tồn nai cà tông quốc gia) ở tỉnh Savannakhet vừa mở cửa cho du khách tham quan, đây là một phần của dự án du lịch sinh thái có đóng góp cộng đồng, với các loại hình khám phá tự nhiên và tham quan hệ động vật hoang dã.
Lễ khai trương khu du lịch diễn ra mới đây có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Savannakhet và thành phần chức năng có liên quan. Hiện khu vực có khoảng 200 cá thể nai cà tông quy hiếm, một số loại động vật hoang dã và gần 650 loài thực vật đang trong diện cần phát triển và bảo vệ, theo Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Savannakhet.
Thuộc phạm vi khu du lịch, một số hạng mục dịch vụ đã được thiết lập, bao gồm nhà nghỉ nhỏ, nhà hàng và khu cắm trại cho khoảng 30 người, bên cạnh các tháp quan sát nai cà tông. Du khách cũng có thể thuê xe đạp, ống nhòm để tự khám phá khu vực.
Trên cơ sở nguồn viện trợ của Liên hợp quốc, các hạ tầng du lịch cần thiết tại khu bảo tồn nai cà tông quốc gia đã được xây dựng, bao gồm nhà nghỉ, mới mức giá 30.000 Kip/giường/người/đêm. Dịch vụ đồ ăn 3 bữa/ngày, bao gồm cơm trưa 15.000 Kip, cơm chiều 20.000 Kip, sử dụng nguyên liệu và thực phẩm theo mùa, được xem là mức giá phải chăng và hấp dẫn đối với du khách. Trong khi chi phí thuê xe và người dẫn đường để khám phá hệ sinh thái rừng là 100.000 Kip/chuyến.
Dự án bảo tồn tính bền vững của hệ sinh thái rừng khộp khô tại nam Lào được triển khai từ năm 2017 bao gồm 4 nhiệm vụ chính là bảo tồn và phục hồi, quản lý và sử dụng đất có kế hoạch, du lịch sinh thái và cải thiện điều kiện sống của cư dân địa phương tại khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp khô Ong Mang. Khu bảo tồn nai cà tông là một khu rừng được bảo tồn cấp tỉnh trước khi được nâng cấp thành khu bảo tồn quốc gia. Đây cũng là khu bảo tồn động vật hoang dã đầu tiên của cả nước.
Khu vực này có diện tích 130.000 ha thuộc 5 huyện Xonbouly, Thapangthong, Phalanxay, Songkhon và Phin. Phần lớn khu rừng nằm trong huyện Xonbouly. Theo nhà chức trách, số lượng nai cà tông trong những năm qua đang có xu hướng giảm và cần được bảo vệ chặt chẽ hơn.
Năm 2016, Liên Hợp Quốc đã cấp một số quỹ để hỗ trợ việc bảo tồn hệ sinh thái trong khu vực bảo tồn nai cà tông và cộng đồng dân cư lân cận. Ngoài ra, khu vực cũng có sự hiện diện của đa dạng sinh học bao gồm 278 loại chim, 67 loài động vật có vú, 47 loài bò sát, 38 các loài động vật lưỡng cư, chín loài cá và hơn 126 loại thực vật và cây xanh.
(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)