Nam Đông làm du lịch sinh thái, tại sao không?

Phạm Phước Châu |

Nhiều người vẫn nghĩ Huế chỉ có du lịch văn hóa với kinh thành, lăng tẩm, chùa chiền, ít ai nghĩ về du lịch sinh thái, có chăng cũng tập trung vào Bạch Mã, biển, đầm phá. Trong khi tỉnh còn có những vùng khí hậu đặc trưng như Nam Đông, A Lưới có thể phát triển nhiều loài hoa quý như lan, tulip và cây trái. Với Nam Đông, nơi “sát nách” với Đà Nẵng, thì du lịch sinh thái là một thế mạnh để phát triển.

Muôn loài hoa trái

Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi mục sở thị trang trại “Nuôi trồng tổng hợp nông nghiệp hữu cơ” rộng gần 10 ha của ông Nguyễn Sinh (Hương Hữu, Nam Đông, Thừa Thiên -Huế).

Chúng tôi được giới thiệu tham quan từ vườn lan. Rộng 1500 mét vuông với hàng chục ngàn giò lan, quen thuộc như Dendro, Hồ điệp, Cattleya, quý hiếm như Phi điệp, Kiếm… Vườn quy hoạch theo khu vực, lan giống, lan trưởng thành nhưng chung một màu xanh ngắt của sự sống tươi tốt khiến những người “ngoại đạo” với loại hoa này cũng say mê.

 

Những “kie” bé nhỏ bằng lóng tay đang cựa mình được gia chủ giới thiệu có giá hàng trăm tới vài trăm ngàn đồng tuỳ theo là Phi điệp, Trầm; những giò Kiếm xanh có giá lên đến vài chục triệu.

“Ông chủ nhỏ”, người trực tiếp chăm sóc lan là con rể của ông Sinh, một chàng trai vừa qua tuổi 30 tên Huy. Huy từng du học Thái Lan đã đem kỹ thuật trồng hoa lan của Thái về áp dụng cho khu vườn của gia đình. Vườn lan vì thế vượt ra khỏi “thú chơi theo đam mê”của ông bố, đem lại giá trị kinh tế cao. Ông Sinh khoe, vườn vừa thu hoạch Denro phục vụ đám cưới cho lợi nhuận 70 triệu đồng…

“Lôi” khách ra khỏi sự cám dỗ của lan, con đường bê tông đưa xe của chúng tôi băng qua khu rừng cao su đến vị trí thứ hai mà gia chủ “bí ẩn” nhắc đi nhắc lại “từ từ sẽ biết”.

Giữa một ngày nắng gắt, con đường bê tông dưới tán cao su xanh thắm quả thật rất thú vị, nhưng khi đứng trước một vườn cam xen ổi trĩu quả mới khiến cả nhóm ồ lên thích thú.

Không tin vào mắt mình khi giữa “điểm lửa” Nam Đông, đất trời lại ban tặng một vườn cây xum xuê, mỗi cây lúp xúp như một đống rơm xanh đầy trái, chúng tôi ùa vào vườn, sờ tay lên những trái quả lúc lỉu để tin đây là thật.

 

Như đoán biết trước tâm trạng khách, ông Sinh tự tay hái những trái ổi có nước da xanh trắng nhờ được bao bọc chống côn trùng đưa cho chúng tôi với lời giới thiệu “Cứ ăn đi, không có thuốc…”

Xen giữa ổi đang mùa thu hoạch là cam, một chị trong đoàn không nhịn được, giơ tay sờ những chùm cam kêu lên “Trời, cứ tưởng là thanh trà, sao trái to ghê vậy anh”. Ông Sinh chỉ cười, thỉnh thoảng vạch chùm quả hái một đôi trái. Ông nói, như chặn sự hiểu lầm “Phải hơn nửa tháng nửa cam mới chín tới, nên chừ phải chọn… ”.

Không ngạc nhiên khi ông cho biết mỗi cây có thể cho cả tạ quả/vụ. Mùa trước chỉ riêng ổi cho thu hoạch gần nửa tỷ đồng, năm nay mỗi ngày thu hoạch từ 3 đến 10 triệu đồng, riêng cam đang hứa hẹn bội thu, và cũng đã được thương lái đặt mua.

Chỉ những cây sầu riêng, mít thái, mít ruột đỏ, dừa xiêm đang bói, ông Sinh lý giải về hơn 200 cây sầu riêng vừa được trồng xen canh với ổi, cam: “Một thời gian nữa khi cam, ổi qua thời sung quả thì sẽ nhường vị trí cho sầu riêng, mít ruột đỏ… là những cây sẽ cho số lượng, chất lượng quả tốt vì hợp thổ nhưỡng Nam Đông”.

Đã quá Ngọ, chúng tôi được dẫn tới “nhà thuỷ tạ” nơi gia chủ đang ấp ủ biến thành khu thuỷ canh ba ba. Cả đoàn “không hẹn mà gặp” đưa mắt tìm quạt máy, gia chủ biết ý, cười hóm hỉnh nhưng tìm dao cắt trái cây. Khi dĩa quả vơi đi thì ai cũng dường như quên mất nhu cầu về quạt, bởi hơi nước từ hồ, những đợt gió từ vườn đã xua tan mệt nhọc. Những miếng ổi giòn, ngọt thanh, mọng nước khiến chúng tôi thấy lời tâm sự của ông quá đúng, ông nói “mỗi khi làm mệt, chỉ cần ăn một quả ổi vườn nhà là tỉnh táo lại”.

Còn cam, thứ trái chủ vườn nhắc đi nhắc lại khi hái là mới đạt 70% chất lượng vì chứa đến mùa thu hoạch đã khiến chúng tôi thêm một lần nữa bất ngờ bởi sự ngọt ngào thanh khiết hiếm nơi nào có được. Khuôn mặt ông Sinh giờ lộ lên vẻ hân hoan trước những lời khen tặng thật lòng của khách.

 

Theo ông Sinh, tiêu chí hàng đầu của vườn là “kiểm soát sâu bệnh”, “tạo tán tỉa cành” và “chủ động thời điểm ra hoa”. Để có vụ mùa bội thu cần các yếu tố “nhất giống, nhì đất, tam cần, tứ nước”.

Giống phải chọn lọc, đất phải bảo đảm chất dinh dưỡng cho cây, đàn bò và gà đông đúc nuôi ngay trong trang trại là nguồn phân hữu cơ chính của khu vườn. Những “máy tạo phân bón” này mỗi năm còn đem lại lợi nhuận không nhỏ về thịt mà thức ăn chính lại là “đặc sản cỏ, rau vườn nhà”.

Còn nguồn nước hiện ổn định với 18.000 mét ống dẫn từ hồ lên… Nhưng kỹ năng chăm sóc để tạo hiệu quả tối đa của phân, đất, nước và giống mới thực sự đóng vai trò quan trọng trong sinh trưởng và sản phẩm của cây. Những cây cam cây ổi ở đây không cao, người thu hoạch đứng dưới đất để hái.

“Chiều cao khiêm tốn giúp cây trở nên mạnh mẽ hơn trước bão tố, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đây là kết quả của việc thực hiện tốt kỹ thuật “tạo tán - tỉa cành” và kinh nghiệm trồng cây trên đồi” ông Sinh chia sẻ.

Du lịch trang trại Nam Đông...

Gần đây, trang tại của ông Sinh đã gây được sự chú ý của không chỉ người trong huyện, bạn hữu, cán bộ huyện cũng hay dẫn khách tới giới thiệu…

Tiếng lành đồn xa, đã có những nhóm thanh niên, học sinh xin vào vườn tham quan cây trái, vật nuôi… rồi tụ nhau xuống “nhà thuỷ tạ” đàn hát. Mặc dù bận rộn, những lần như vậy ông Sinh sẵn lòng hướng dẫn, nên nhóm này giới thiệu nhóm kia khách khứa đến trang trại ngày càng đông.

Từ sự thích thú của khách, lại biết định hướng phát triển của huyện nghiêng về nhân rộng điểm đến du lịch sinh thái nên ông Sinh đã suy nghĩ nhiều về một điểm du lịch vườn cây ăn trái giữa Nam Đông.

 

Ông Sinh tâm sự, khi mua khu đất đã có rất nhiều người cười chê, nghĩ ông đang tốn tiền vô ích, rước mệt vào người. Lao vào công việc với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” “tích tiểu thành đại”, ông không phụ từng giọt cao su đến những cây keo ban đầu mà dùng chúng tái sản xuất và phát triển một cách hợp lý để có ngày hôm nay thì lý nào xây dựng trang trại sinh thái theo hướng du lịch vườn lại không được.

Ông cho biết sắp tới sẽ kết hợp nguồn nước tưới làm khu nuôi ba ba và đà điểu. Đây sẽ là những con vật tạo điểm nhấn khi trang trại thành một điểm du lịch sinh thái.

Du khách có thể tìm đến trang trại ngắm hoa, hái trái, câu cá… ăn những món ăn dân dã mà trang trại nuôi trồng như gà, cá, ba ba, đà điểu. Khách sẽ được ăn trái cây miễn phí, muốn mang về thì nhà vườn bán với “giá tại vườn”. Nếu khách chỉ tham quan thì sẽ thu khoản phí nho nhỏ…

“Chúng tôi muốn khai thác tiềm năng này để Nam Đông được nhiều người biết đến là một vùng hoa trái tốt tươi hơn là một “điểm nóng lửa” trên bản đồ Việt Nam” ông Nguyễn Sinh nói với chúng tôi khi chia tay.

(Nguồn: Vi Vu 247)

TAGS

Nền kinh tế Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ

Ngọc Quỳnh |

Chuyên gia kinh tế của ADB cho biết giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức 1,8% trong năm 2020 và sẽ gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.

Lào tổ chức đua xe đạp “Tour de Khammuan” xuyên Vườn quốc gia Nakai

PV |

Chiến dịch “người Lào du lịch Lào” (“Lao thiew Lao”) chuẩn bị tiến hành các hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình kích cầu du lịch nội địa nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực này.

Nga sẽ cung cấp 100 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 cho Ấn Độ

Lê Minh |

Dr Reddy's Laboratories - một trong những công ty dược lớn nhất của Ấn Độ - sẽ tiến hành các thử nghiệm giai đoạn III với vắcxin Sputnik-V tại Ấn Độ, sau khi được các nhà chức trách phê chuẩn.

Tổ chức vượt biên qua Lào với giá 1 triệu đồng/ người

Phan Vĩnh |

Ngày 15/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, đơn vị đã củng cố chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển giao đối tượng, tang vật, chứng cứ cho cơ quan điều tra xử lý trước pháp luật về việc tổ chức đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.