Xuất phát từ niềm đam mê vẻ đẹp của các loài hoa lan và sự nhanh nhạy khi nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, ông Phạm Đức, ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phát triển kinh tế bằng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng hoa lan rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có dịp đến thôn Tân Hào, chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ bởi sự đa dạng của các loài lan rừng từ nguyên bản đến nhân giống tại vườn lan của ông Đức. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề trồng hoa lan, ông Đức chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi gắn với trồng lúa và chăn nuôi một số loại gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do dịch bệnh và thời tiết thất thường nên thu nhập rất bấp bênh.
Nhận thấy hoa lan rừng có giá trị kinh tế, được nhiều người chơi hoa săn lùng, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương lại khá phù hợp với giống hoa này, cộng với niềm đam mê thiên nhiên, cây cỏ, năm 2016, tôi quyết định chuyển hướng làm giàu bằng nghề trồng hoa lan. Nói là vậy nhưng khoảng thời gian ban đầu cũng khá khó khăn với tôi, bởi thời điểm đó tôi chỉ trồng và chăm sóc hoa lan rừng đơn thuần để thỏa niềm đam mê của bản thân chứ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nhân giống, kinh doanh các loài hoa lan”.
Để có được các giống hoa lan rừng đẹp và quý hiếm như hiện tại, ông Đức đã đi tới nhiều vườn trồng lan có tiếng khắp các vùng trong và ngoài tỉnh, sang Lào để sưu tầm rồi mua về nhân giống. Nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi, nên chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã nắm bắt được nghề trồng hoa lan, có thể nhân giống và điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. Từ đó, các loài hoa lan rừng do gia đình ông Đức trồng đã được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Ngoài ra, năm 2018, ông Đức còn tiếp tục đầu tư, mở rộng hơn 2.000 m2 diện tích giàn và mái che phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây lan, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, sắp xếp vườn lan hợp lý, chia khu theo từng độ tuổi của lan để dễ dàng chăm sóc, phát triển mô hình trồng và kinh doanh hoa lan rừng theo hướng bài bản, hiện đại.
Hiện vườn lan của ông Đức có trên 100 loài hoa lan rừng khác nhau với gần 5.000 giò to, nhỏ. Trong số các giò lan này phải kể đến những giò lan đột biến như giáng hương tam bảo sắc, phi điệp, nghinh xuân… với giá bán luôn ở mức rất cao. Cũng theo ông Đức, giá trị của mỗi giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa, nhất là những giò lan ra hoa đột biến thì luôn có giá trị rất “khủng” và chỉ những người chơi lan, hiểu lan mới biết được giá trị của nó. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Đức bán ra thị trường hàng ngàn giò lan rừng với giá dao động từ vài trăm ngàn cho đến hàng chục triệu đồng/giò. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Đức lãi gần 500 triệu đồng.
Từ sự nhạy bén, biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các mô hình kinh tế mới đã giúp cho gia đình ông Phạm Đức trở thành một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Và điều đáng quý hơn đó là ông Đức không những tạo thêm việc làm cho một số lao động địa phương, mà còn liên kết, hỗ trợ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường để cùng nhiều hộ dân trong thôn Tân Hào phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)