Sống chậm trên đất Lào

Nguyễn Khiêm |

Với cuộc sống xô bồ của thời đại công nghệ số, dù mức thu nhập còn thấp, cư dân Lào còn khó khăn so với các nước đang phát triển, nhưng người dân nơi đây được ngưỡng mộ vì chỉ số hạnh phúc cao.

Hồi chưa qua Lào, tôi cứ nghĩ sau dãy núi phía bên kia cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) vẫn là trùng trùng núi đồi. Thế nhưng đi khoảng non hai chục cây số, bắt gặp một đồng bằng rộng lớn trải dài cho đến biên giới Thái Lan.

Những cánh rừng già với nhiều cây cổ thụ thân vài người ôm lộ ra hai bên đường nhựa phẳng lì. Lào là quốc gia có dân số ít, mỗi bản, làng cách nhau vài chục cây số, ở giữa là rừng với rừng nên đi ngang rất quạnh vắng.

Người Lào sống dựa vào thiên nhiên. Với tài nguyên phong phú, buổi sáng chỉ cần mài rựa thật sắc, đi vào rừng vài tiếng là có cái ăn cho cả ngày. Đó là những con thú rừng, măng tre, củ quả… Họ chỉ lo phần lương thực vào mùa vụ, còn thực phẩm thì ngồi ở nhà, với tay ra rừng là có cái ăn.

Phố phường Luang Prabang, Lào
Phố phường Luang Prabang, Lào (Nguồn: Báo Tin tức)

Người Lào xem gạo là hạt ngọc của trời. Những mùa trỉa hạt, người nào xâm phạm nương rẫy của họ đều bị phạt nặng. Chính quan niệm “trời có sập thì cũng có gạo trong bồ” nên đến mùa trỉa hạt, dù có bận rộn đến đâu cũng phải xuống ruộng, không ai làm thay được. Bạn tôi có nhiều năm sống và làm ăn với người Lào, anh đi mua gỗ từ những cánh rừng già, vùng sâu vùng xa. Anh kể, người Lào vào rừng hạ cây, phay ra gỗ rồi bán cho người Việt. Do khai thác tài nguyên nên có thể một vốn bốn lời. Thế nhưng đến mùa trỉa hạt, cho dù có bỏ tiền mua gỗ với giá gấp đôi người ta vẫn không chịu bỏ cấy lúa để đi làm. Người Lào quan niệm, có gạo trong nồi thì không sợ đói vì thức ăn đã có ngoài rừng.

Đi dọc những bản làng nằm khuất dưới tán rừng cổ thụ dễ dàng thấy những chòi lúa nằm biệt lập với khu dân cư. Mỗi nhà xây mỗi cái chòi ở một khu vực riêng, trông qua như một dãy cửa hàng nhưng cửa luôn khoá chặt. Lúa sẽ được trữ ở đó để lấy ăn dần. Của bỏ xa người là thế nhưng không có chuyện xảy ra trộm cắp vì người Lào trừng phạt rất nặng hành vi này. Hỏi vì sao không xây chòi lúa trong nhà cho tiện, lại an tâm quản lý? Họ cho rằng, nếu có hoả hoạn xảy ra, cháy cả làng thì những chòi lúa nằm đằng xa vẫn còn. Khi đó cái ăn sẽ không phải lo!

Mới lần đầu qua Lào, người địa phương bảo người Việt ăn nhiều. Ăn lúc nào cũng tô to đại chang. Sau mới biết người Lào ăn nhiều bữa, trong khi người Việt ăn ngày ba bữa, nên bữa nào ra bữa nấy. Dù đi làm hay ở nhà, típ xôi, chén muối luôn bỏ bên người. Cứ nghỉ rựa, nghỉ cuốc là với tay lấy típ xôi, vò tròn vài cục chấm muối ngồi nhai. Xong uống ừng ực một hơi nước lọc là tròn ruột, rồi bắt tay làm việc tiếp. Cứ thế, cả ngày họ ăn đến chục lần và mỗi lần chỉ chút chút qua loa như thế.

Lào là một quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao. Bạn tôi nhiều năm sống ở Lào đã nghiệm ra như vậy. Họ sống khoan thai, chậm rãi, phóng khoáng. Có thể cách sống dựa vào tài nguyên, nương tựa thiên nhiên đã ăn sâu vào bộ gen của họ, nên họ quan niệm, sống vội chỉ làm khổ mình, sẽ khó mà đạt được hạnh phúc. Vì thế, người Việt ở Lào hay truyền tụng câu: “Muốn nhanh thì phải… từ từ”. Họ cứ chậm rãi, từ từ khoan thai để hưởng thụ từng thời khắc của cuộc sống. Minh chứng cho điều này biểu hiện rõ ở văn hoá tham gia giao thông của họ. Xe cộ không có chuyện vượt nhanh, phóng nhanh, đường phố không một tiếng còi vì chẳng cần hối thúc ai ở phía trước. Người Lào sẵn sàng dừng xe đợi chờ, nhường nhau đi trước. Cho nên đường phố xứ họ dù đông nhưng không ồn ào. Bạn có thể mất kiên nhẫn khi đợi đèn xanh đỏ đến 3 phút. Nhưng quan niệm của người dân xứ này, đợi chờ, sống chậm là hạnh phúc.

Có dịp cùng người bạn qua Viêng Chăn, thủ đô Lào, buổi sáng dậy thật sớm để tranh thủ đặt lẵng hoa chúc mừng ông bạn người Việt qua mở văn phòng đại diện ở nơi này. Đã 7 giờ sáng, chạy xe máy lượn vòng qua vài con phố nhưng quán xá cửa đóng then cài. Hỏi ra mới hay, 8 giờ họ mới làm việc. Các hộ kinh doanh cũng như các nhà máy, xí nghiệp đều khởi đầu một ngày từ giờ đó. Quan điểm sống của người Lào là không cần giàu có khi giàu có làm người ta vất vả. Nếu phải sống vội vàng, không hạnh phúc để được giàu có thì họ sẽ chọn đủ ăn, đủ sống để được hạnh phúc. Do nhu cầu hưởng thụ của họ lớn nên họ có xu hướng nghỉ hưu sớm. Bạn tôi kể rằng, thuê lao động người Lào rất khó vì ít chịu ràng buộc bởi các kỷ luật. Nếu ngày làm việc trúng vào ngày lễ Bun (lễ làm phước) thì dù có trả lương gấp mười lần họ cũng nghỉ làm để chơi lễ. Lào là xứ sở của lễ hội, tháng nào trong năm cũng có Bun. Họ ăn uống, nhảy múa và chìm đắm trong các điệu nhạc theo tinh thần của câu cửa miệng mà người Lào thường nói là “Khôn Lao mặc muồn” -  người Lào thích vui!

Tôi đã từng rong ruổi qua những cánh rừng già ở hạ Lào, băng qua những con đường đất đỏ đầy bụi, hai bên đường vắng ngắt, không một bước chân người. Được xem là quốc gia có mật độ dân số thấp, với diện tích bằng 2/3 diện tích Việt Nam nhưng dân số không bằng 1/10. Mỗi bản làng cách nhau hàng chục cây số nên lỡ đường muốn tìm nơi tá túc cũng khó. Người Lào đặc biệt hiếu khách. Họ thiết đãi trọng thị trong ăn uống cũng như nghỉ ngơi. Mỗi gia đình có một tủ chăn gối được giặt sạch sẽ thơm tho dùng để đón khách. Khi bạn đến xin ngủ nhờ, họ sẽ nhường nơi ấm, sạch sẽ và an toàn nhất cho khách. Thay chăn gối mới để khách vừa lòng. Trong ăn uống cũng với gu “muốn nhanh thì phải từ từ”. Vào nhà hàng hạng sang hay bình dân, tiếp thị hay chủ quán chỉ bưng ra mỗi người một chai bia. Họ có thể vừa nhậu, nhấm mồi và hát, nhảy đến hàng giờ, từ sáng cho tới chiều và tới đêm khuya. Họ chậm rãi hưởng thụ từng thời khắc dù ngoài kia cuộc sống mưu sinh réo gọi. Đôi lúc đó cũng là điều mà mỗi con người trong thời đại công nghiệp, luôn chạy đua với thời gian, đánh đổi sức khoẻ để lấy tiền tài, vật chất phải nghiệm lại.

Một sạp bán quần áo trong chợ đêm Luang Prabang, Lào. (Nguồn: Báo Tin tức)
Một sạp bán quần áo trong chợ đêm Luang Prabang, Lào. (Nguồn: Báo Tin tức)

Người Lào sống chan hoà với thiên nhiên. Ta có thể nhìn thấy điều này qua các công trình kiến trúc. Từ nhà dân cho đến cơ quan nhà nước, họ coi cỏ cây là một phần không thể thiếu của đời sống. Thường từ mép đường nhựa, bê tông hay đường đất đi vào cơ quan, nhà ở đều không bê tông hoá như những quốc gia khác. Họ để khoảng sân bằng nền đất, dù trời mưa có lầy lội và mùa nắng có bụi bặm nhưng đó là nơi cỏ có thể mọc, cây có thể lên xanh tốt. Cỏ có thể lan tới mép hiên nhà, để bàn chân mang hơi cỏ cây vào nhà.

Với cuộc sống xô bồ của thời đại công nghệ số, dù mức thu nhập còn thấp, cư dân Lào còn khó khăn so với các nước đang phát triển, nhưng người dân nơi đây được ngưỡng mộ vì chỉ số hạnh phúc cao. Cũng bởi văn hoá Phật giáo đã thấm nhuần vào đời sống cư dân, họ nghiệm ra rằng, sống chậm và tận hưởng từng thời khắc hiện tại là mục tiêu của mỗi con người.

TAGS

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hợp tác tư pháp Việt-Lào

PV |

Tiếp Bộ trưởng Tư pháp Lào Phayvy Siboualypha, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ quan hệ hợp tác hai Bộ Tư pháp, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Lào trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Các lực lượng vũ trang Việt Nam – Lào Hội đàm thường niên năm 2022

Đình Tiến - Hoài Nam |

Ngày 17 và 18 /8, tại thành phố Cay Sỏn Phôm Vi Hản, tỉnh Sa Vẳn Nà Khẹt (Lào), lực lượng bảo vệ biên giới các tỉnh Quảng Trị,  Quảng Bình và Savannakhet tổ chức Hội đàm thường niên năm 2022, trao đổi tình hình và ký kết biên bản ghi nhớ các hoạt động bảo vệ biên giới. 

Phát huy giá trị di sản thiên nhiên liên biên giới Việt – Lào

PV |

“Chính phủ Lào đang nỗ lực xây dựng Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn, trở thành Vườn quốc gia. UNESCO cũng đang xem xét để công nhận Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới Việt – Lào (Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô) đầu tiên ở châu Á, tạo nên quần thể đa dạng sinh học, trung tâm nghiên cứu khoa học, khám phá du lịch… rộng lớn, có giá trị nổi bật toàn cầu” – ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình thông tin với phóng viên Báo Biên phòng

Gìn giữ, phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt – Lào

Phương Minh |

Việt Nam và Lào - hai nước láng giềng núi sông liền một dải. Quan hệ gắn kết giữa hai dân tộc được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đặc biệt trong hơn 90 năm qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó thủy chung giữa Nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng và Nhân dân hai nước dày công vun đắp, đưa tới những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng trong đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, cũng như công cuộc đổi mới đưa hai nước phát triển theo con đường XHCN.