“Chính phủ Lào đang nỗ lực xây dựng Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn, trở thành Vườn quốc gia. UNESCO cũng đang xem xét để công nhận Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới Việt – Lào (Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô) đầu tiên ở châu Á, tạo nên quần thể đa dạng sinh học, trung tâm nghiên cứu khoa học, khám phá du lịch… rộng lớn, có giá trị nổi bật toàn cầu” – ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình thông tin với phóng viên Báo Biên phòng
– Những năm gần đây, công tác trao đổi, hợp tác giữa Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô được triển khai ở thực địa như thế nào, thưa ông?
– Thiên nhiên đã ban tặng cho hai quốc gia có chung đường biên giới Việt – Lào, hệ rừng nhiệt đới, núi đá vôi, hang động kỳ vĩ, động thực vật phong phú và đa dạng. Nhân dân và Chính phủ hai nước rất nỗ lực gìn giữ, bảo vệ tài sản vô giá của nhân loại.
Những năm qua, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô đã thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa chính quyền hai tỉnh của hai nước. Mục tiêu chung là bảo tồn đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và phát huy có hiệu quả giá trị mọi mặt của cả hệ sinh thái rộng lớn ở hai quốc gia, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị, cùng với bạn xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới.
Cùng với đó, BĐBP Quảng Bình và lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Khăm Muộn rất nỗ lực tham gia bảo vệ an ninh khu vực biên giới và các giá trị rừng của hai nước.
– Công tác phối hợp giữa Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để bảo vệ những giá trị của di sản thiên nhiên thế giới ở cấp độ nào?
– Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trải rộng trên ba huyện biên giới: Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa. Tổng diện tích trên 123.000ha vùng lõi và gần 220.000ha vùng đệm thuộc 13 xã, thị trấn, có trên 50km đường biên giới Việt – Lào. Đời sống của người dân vùng đệm của Vườn quốc gia, đặc biệt ở khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và BĐBP Quảng Bình đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh trật tự và quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, tiếp nhận, cứu hộ động vật rừng và nghiên cứu khoa học trong địa bàn lâm phận Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Giảm áp lực cho rừng
– Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nổi tiếng đa dạng động thực vật, cũng là tâm điểm người dân hoạt động khai thác gỗ, săn bắn, bẫy thú rừng. Đến thời điểm này, tình hình cải thiện ra sao?
– Năm 2023 là tròn 20 năm (2003-2023) UNESCO xếp hạng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới, coi như độ tuổi đủ sức lực gánh vác các giá trị cốt lõi của thế giới. Giai đoan đầu mới thành lập, người dân ở các xã vùng đệm và một số địa phương chưa hiểu đầy đủ về giá trị tài nguyên rừng, động thực vật, nên tình trạng tàn phá thiên nhiên tăng cao.
Nhưng với chuỗi dài các hoạt động của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày được nâng cao. Hiện tượng người dân vào Vườn quốc gia khai thác sản vật rừng vi phạm pháp luật cũng giảm rõ rệt. Nhiều thôn vùng đệm, ngày trước có đến 80% hộ có liên quan đến vi phạm lâm luật tại Vườn quốc gia, hiện nay, 100% hộ đã chuyển sang hoạt động các dịch vụ du lịch. Chính họ đã xác định môi trường sinh thái rừng, hệ thống hang động là “nồi cơm” vô tận, nên ai cũng có ý thức bảo vệ các giá trị của rừng.
Tôi rất mừng thấy thế hệ trẻ ở các xã, thị trấn vùng đệm Vườn quốc gia đã có ý thức rất cao bảo vệ rừng, nguồn nước. Bài toán bảo vệ tài nguyên tạo hiệu ứng giống như vết dầu loang. Thấy người dân thôn kia phát triển du lịch, người dân thôn khác cũng tìm mọi cách để làm dịch vụ du lịch. Phong trào tự học tiếng Anh diễn ra khắp nơi, nhiều người nói chuyện tiếng Anh với khách quốc tế lưu loát, có ngày kiếm được 1 – 2 triệu đồng. Riêng đội quân khuân vác phục vụ cho khách du lịch vào thăm quan các hang động trên 1.000 người, ngày trước họ là “vua” phá rừng, ngày nay thành lực lượng bảo vệ rừng số 1. Du khách chỉ bỏ quên túi ni lông nhỏ trong rừng sẽ bị nhắc nhở ngay lập tức, họ nhặt từng bao mì tôm, ống hút nhựa… mang ra ngoài tiêu hủy.
– Một bài toán hiện nay là vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ tính nguyên vẹn độc đáo của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?
– Du khách vào thăm các tuyến cố định như hang động Phong Nha, Thiên Đường… không gây áp lực môi trường mấy, vì đoạn ngắn đi qua rừng có đường đi sẵn. Còn các tuyến đi bộ xa vào động Sơn Đoòng, hang Én…chỉ giới hạn lượng khách vừa phải, tất cả phải đi theo công ty lữ hành du lịch hướng dẫn. Ý thức bảo vệ môi trường của các công ty du lịch ở Quảng Bình rất cao, họ hiểu môi trường sinh thái Vườn quốc gia là “vốn” kinh doanh khổng lồ của chính họ.
Bên cạnh đó, chúng tôi có Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, hiện đang nuôi 7 con hổ trưởng thành và nhiều động vật quý. Tới đây, sẽ xây dựng thành trung tâm tham quan du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, ngay tại vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Người dân đến xem động thực vật cũng là cách tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt.
– Phong Nha – Kẻ Bàng xấp xỉ tuổi 20, theo ông, chừng ấy thời gian hoạt động có những vấn đề nào còn khó khăn cần tháo gỡ để phát triển tốt hơn?
– Đảng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người dân ở các xã vùng đệm đủ mạnh để nâng cao cuộc sống, họ sẽ từ bỏ 100% vi phạm lâm luật. Bên cạnh đố, cần sửa đổi Luật Lâm nghiệp để lực lượng Kiểm lâm của các Vườn quốc gia, khu bảo tồn trực thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia và khu bảo tồn (Theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh). Có như vậy, mới phát huy hết khả năng và tính thống nhất của các Trạm kiểm lâm bảo vệ Vườn quốc gia.
– Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(Nguồn: Bienphong)